Lương y - chuyện ít ai biết: Chuyện 'lạ' bác sĩ vùng cao

Quang Viên
Quang Viên
26/02/2020 09:00 GMT+7

Vượt đèo lội suối cứu người, đỡ đẻ giữa rẫy, dùng “thủ thuật” giúp sản phụ người H’Mông sinh 3 an toàn... những câu chuyện “lạ” như vậy có lẽ chỉ các bác sĩ vùng cao mới có 'cơ hội' trải nghiệm.

So với các tỉnh, thành lớn, trang thiết bị và y bác sĩ (BS) bệnh viện (BV) tuyến huyện ở vùng cao còn rất thiếu. Trong điều kiện như vậy, họ phải vượt qua nhiều khó khăn để xử lý những ca ngặt nghèo mà nếu chuyển viện khó tránh rủi ro.

Những ca đẻ “khó đỡ”

BS Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm y tế Krông Bông (Trước đây là BV Krông Bông), nhớ mãi đội ngũ y BS của mình đã cứu sống sản phụ H’ Dem Ê ban (thuộc diện hộ nghèo ở buôn Chàm A, Cư Drăm)… Sản phụ nhập viện trong tình trạng choáng nặng, mạch, huyết áp không đo được, đau bụng dưới nhiều, sắc mặt xanh tái… Bệnh nhân được chẩn đoán choáng mất máu, thai ngoài tử cung vỡ. Khổ nỗi, máu của bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm, không sẵn có nên phải huy động toàn BV hiến máu. “Tiến thoái lưỡng nan vì tình trạng bệnh nhân thuộc dạng “chuyển viện cũng chết không chuyển cũng chết”. Hội chẩn toàn viện, huy động lực lượng, tiến hành mổ cấp cứu gấp. Đó là một quyết định mang tính chất sống còn để cứu bệnh nhân”, BS Trần Thanh Hải kể.
Gặp ê kíp mổ hôm đó, BS Phú Đức, Trưởng khoa Ngoại sản, diễn tả như... ra trận: “BS Trần Ngọc Minh (lúc đó còn làm giám đốc) đến phòng mổ để theo dõi, chỉ đạo. Tôi làm trưởng kíp mổ. BS Trương Long gây mê chính. Một số BS mổ phụ, gây mê phụ, trợ giúp vòng trong, vòng ngoài. Sau gần một tiếng vừa phẫu thuật vừa hồi sức, kẹp cắt khối thai ngoài tử cung, khâu phục hồi đoạn bóng vòi trứng, cộng với phương pháp truyền máu hoàn hồi (tương đương 2 lít máu), bệnh nhân được cứu sống”.
Đội ngũ y BS BV Krông Bông còn thực hiện ca mổ đẻ tam thai cho sản phụ người H’Mông (xã Cư Drăm, H. Krông Bông). “Ca này phải thực hiện thủ thuật nội xoay thai. 3 cháu đều là con trai có cân nặng lần lượt là 1,9 kg, 2,2 kg, 2,4 kg. Sau sinh, sức khỏe của mẹ và các trẻ đều ổn định”, BS Đức chia sẻ.
Lương y - chuyện ít ai biết: Chuyện 'lạ' bác sĩ vùng cao1

Ca mổ cứu sống sản phụ H’ Dem Ê Ban làm các y bác sĩ Bệnh viện Krông Bông nhớ mãi

Ảnh: Bệnh viện KRông Bông cung cấp

Mùa đông năm 2009, BS Nguyễn Anh Tâm, chuyên khoa I Hồi sức cấp cứu BV đa khoa Cư Jút (Đắk Nông, nay là Trung tâm y tế H.Cư Jút) đang ngồi trong khoa cấp cứu thì một người đàn ông dân tộc thiểu số gọi thất thanh: “BS ơi, giúp vợ tôi! Nó đẻ ngoài cổng BV rồi!”. “Chuyện này gặp nhiều nên thành phản xạ luôn. Chúng tôi, người lấy băng ca, người cầm bộ cấp cứu ngoài viện chạy ra. Tới nơi, em bé lọt ra rồi. Người mẹ ngồi nắm tay con, run bần bật vì lạnh và do ra máu nhiều. Chúng tôi lập tức bế cả mẹ và con lên băng ca, cắt dây rốn để tách em bé ra rồi đưa lên khoa sản xử lý tiếp”, BS Tâm bồi hồi nhớ lại.
Trong cộng đồng dân tộc thiểu số còn có những ca tự sinh ở nhà, cắt rốn bằng dao làm bằng cây lồ ô rừng vát nhọn. Những ca như vậy đã gây nhiễm trùng cho bé, khi đến BV các BS lại phải căng mình ra cứu chữa.

Nỗi lòng bác sĩ

Lương y - chuyện ít ai biết: Chuyện 'lạ' bác sĩ vùng cao2

Bác sĩ Nguyễn Anh Tâm, chuyên khoa I Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Cư Jút (Đắk Nông), khám bệnh cho trẻ em người đồng bào thiểu số

Ảnh: Quang Viên

Bệnh nhân ở các BV vùng cao phần đông là dân tộc thiểu số, hầu hết rất nghèo và thiếu hiểu biết. BS Nguyễn Đức Thọ, Phó giám đốc BV Krông Nô, chia sẻ: “Truyền thông sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số làm thường xuyên, nhưng bà con vẫn còn tư duy chữa bệnh bằng cúng bái. Thậm chí, có người phải năn nỉ họ đi khám bệnh. Nhiều ca bệnh đến đây đã rất nặng, chúng tôi nỗ lực hết mình mới cứu sống được”.
12 năm công tác, BS Nguyễn Anh Tâm đã chứng kiến nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng thập tử nhất sinh vì tin thầy cúng. Chẳng hạn, đau bụng lấy nhang đem đốt rồi châm vào bụng để... “đuổi con ma”. Không “triệu” được bệnh nhân đi BV, nhiều lần, nhất là mùa dịch, BS Tâm cùng đồng nghiệp vào tận các buôn làng khám và cấp thuốc miễn phí. “Có khi cả làng đều có vấn đề về sức khỏe. Người già bệnh huyết áp, cơ xương khớp… Thậm chí có những cụ phải dìu mới đi được. Em bé ho, tiêu chảy, suy dinh dưỡng nặng là chuyện phổ biến”, BS Tâm tâm sự.
Lương y - chuyện ít ai biết: Chuyện 'lạ' bác sĩ vùng cao3

Người mẹ người dân tộc thiểu số đưa con đến Trung tâm y tế H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông khám bệnh

Ảnh: Quang Viên

BV nào cũng gặp những chuyện bệnh nhân nghèo không có tiền chữa trị, nhưng ở BV vùng cao chuyện này xảy ra thường xuyên hơn. Một BS kể lại câu chuyện dở khóc dở cười: “Sáng nay, khám bệnh cho người đồng bào ra viện, chưa kịp dặn dò, bệnh nhân thì thào: “Bác sĩ cho ít tiền đi xe đò về”. Mới nghe cứ tưởng: “Mình có miếng giò cho BS đem về”. Hố!”. BS Nguyễn Tấn An trước đây công tác ở BV Krông Bông kể ông phải “xăm mình” giữ lại để cứu chữa một ca bỏng độ 3 với diện tích khoảng 40% vì chuyển viện thì bệnh nhân này không kham nổi chi phí. “Mỗi ngày tôi phải bỏ ra 6 giờ liên tục để thay băng. Nhớ nhất, lúc đau quá cậu ta rên rỉ nhưng lại nói: “Con thấy BS giống như ba của con”. Điều kỳ diệu, 10 ngày sau cậu bé xuất viện với làn da ửng hồng không một vết sẹo trên người”.
Chứng kiến cảnh nghèo của bệnh nhân dân tộc thiểu số, BS Nguyễn Anh Tâm trải lòng: “Xót xa lắm khi nhìn các bệnh nhân đến đây không có áo ấm để mặc trong mùa đông lạnh giá. Các bệnh nhi thiếu sữa, ăn 5.000 đồng tiền cháo. Bố mẹ các cháu thì tự nấu cơm ăn với rau, không có chút thịt cá, lấy nước lọc làm canh”. Vì thế, y BS BV vùng cao quyên góp, để hỗ trợ người bệnh, hay nộp hộ họ các khoản tạm ứng khi vào viện không phải là chuyện hiếm. (còn tiếp)
Băng rừng, lội suối... đỡ đẻ
Hơn 10 năm công tác tại BV đa khoa Tây Trà (Quảng Ngãi), BS Châu Nguyễn Thương, nguyên Giám đốc BV này, không thể nhớ hết những ca khó đỡ, những chuyến băng rừng, lội suối cấp cứu sản phụ ở các bản làng xa xôi.
“Đồng bào dân tộc, tới sát ngày sinh vẫn lên nương lên rẫy bình thường. Vì thế, sản phụ thường đẻ rớt ngay trong rẫy. Nhận tin, chúng tôi tức tốc băng rừng, vượt suối để xử lý kịp thời. Những ca như vậy nhiều lắm”, BS Thương chia sẻ. Điển hình là sản phụ Hồ Thị Hà chuyển dạ nằm quằn quại đau đớn trên rẫy ở thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh. Tổ cấp cứu nhận lệnh lên đường. Khi đến nơi các y BS trải tấm màn lớn ra bãi đất giữa rẫy keo rồi đỡ đẻ.
Cảnh đẻ chạy lũ còn bi hài hơn. 30 dân làng cùng thân nhân bệnh nhân thay phiên nhau cáng võng khiêng sản phụ Hồ Thị Lý (ngụ xã Trà Nham, H.Tây Trà) băng rừng, vượt qua nhiều điểm sạt lở núi đi đẻ. BV Tây Trà điều ô tô chuyên dụng, cử đội ngũ y BS “đón lõng” tại bìa rừng để xử lý kịp thời...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.