Lượng hồ sơ đất đai TP.HCM cần số hóa trải dài hơn 40 km

08/11/2023 17:55 GMT+7

Theo bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, số lượng các loại hồ sơ đất đai mà TP.HCM đang số hóa có thể 'trải dài hơn 40 km'.

Ngày 8.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giám sát tại Văn phòng Đăng ký đất đai (VP ĐKĐĐ, Sở TN-MT TP.HCM) về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị văn minh.

Nỗ lực số hóa

Tại buổi giám sát, bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc VP ĐKĐĐ TP.HCM cho biết, đơn vị đang từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số theo kế hoạch như số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục điện tử, lưu trữ điện tử... Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu đất đai được lưu trữ phân tán và chưa đầy đủ. Hiện nay, hệ thống vừa thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, vừa cập nhật làm sạch dữ liệu.

Lượng hồ sơ đất đai TP.HCM cần số hóa trải dài hơn 40km - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc VP ĐKĐĐ TP.HCM (Sở TN-MT TP.HCM), phát biểu tại buổi giám sát

TRỌNG NGHĨA

Đối với các loại hồ sơ tiếp nhận mới từ ngày 1.6.2023 sẽ được số hóa và cập nhật trên phần mềm để kết nối, giải quyết thủ tục hành chính điện tử.

Tuy nhiên với các loại hồ sơ trước ngày 1.6.2023 thì tổng khối lượng hồ sơ cần số hóa tập trung có thể trải dài hơn 40 km. Hiện nay, VP ĐKĐĐ TP.HCM đang từng bước scan quét, số hóa trong quá trình cung cấp thông tin, giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên hiện tới nay chỉ có một số chi nhánh scan quét.

Mặt khác, với số lượng hồ sơ hằng năm cao và đa số là lưu trữ vĩnh viễn, mỗi năm cả hệ thống tăng từ 1.700 - 2.000 m hồ sơ. Về máy móc thiết bị, đa số đều được trang bị từ trước năm 2015, thiếu, quá thời hạn sử dụng, đường truyền mạng thấp, không ổn định dẫn đến công tác tác nghiệp hằng ngày và khai thác sử dụng dữ liệu gặp khó khăn nên cũng ảnh hưởng chuyển đổi số.

Hiện nay, đơn vị đang xây dựng đề án thuê trang thiết bị phục vụ công tác trong 3 năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lượng hồ sơ đất đai TP.HCM cần số hóa trải dài hơn 40km - Ảnh 2.

Buổi giám sát VP ĐKĐĐ TP.HCM sáng 8.11

TRỌNG NGHĨA

Tăng cường giải quyết hồ sơ trễ hẹn

Về giải quyết thủ tục hành chính, theo bà Tuyền, đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn từng năm được kéo giảm (trên 80% chi nhánh có tỷ lệ hồ sơ đúng hạn từ 97% trở lên). Tuy nhiên so với khối lượng hồ sơ cần giải quyết thì số trễ hạn còn nhiều.

Song song đó, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính giảm nhưng khối lượng hồ sơ đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận tại TP.HCM rất lớn, trong khi đó, số nhân sự tại đơn vị đã giảm so với thời điểm hợp nhất (năm 2015, VP ĐKĐĐ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở TN-MT và các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN-MT của 24 quận, huyện - PV).

Một số yếu tố dẫn đến việc chậm giải quyết thủ tục hành chính đất đai còn xuất phát từ bất cập quy định pháp luật đất đai và một số luật khác liên quan.

Tại buổi giám sát, vấn đề giải quyết thủ tục hành chính liên quan đăng ký đất đai cũng được nhiều đại biểu phản ánh, góp ý. Đơn cử như ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) về tình trạng các chi nhánh VP ĐKĐĐ tại TP.HCM không nắm bắt tình hình, không lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa chính qua các thời kỳ, dẫn đến khó khăn xác nhận hồ sơ.

Lượng hồ sơ đất đai TP.HCM cần số hóa trải dài hơn 40km - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại buổi giám sát

TRỌNG NGHĨA

Cạnh đó, các thủ tục hành chính trong đăng ký đất đai lần đầu rất phức tạp, rất nhiều người sử dụng đất không có trình độ sử dụng, không có khả năng, không tìm hiểu được các quy định của pháp luật, bộ phận hướng dẫn chỉ qua loa.

Theo luật sư Hậu, việc người dân, doanh nghiệp đi rất nhiều lần để giải quyết hồ sơ xuất phát từ nguyên nhân thay đổi liên tục những văn bản hướng dẫn, cán bộ công chức khi tiếp nhận hồ sơ không nắm được quy trình dẫn đến hướng dẫn chưa đúng.

“Vậy ngoài việc hoàn thiện mẫu phiếu hướng dẫn, phiếu từ chối nhận hồ sơ, chuẩn hóa quy trình hướng dẫn... thì còn biện pháp để khắc phục không. Việc nắm bắt thông tin và quy trình làm việc của cán bộ công chức sẽ thực hiện như thế nào để không còn tồn tại những tình trạng thiếu sót...”, luật sư Hậu cũng đặt vấn đề.

Bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc VP ĐKĐĐ TP.HCM cho hay, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra và xây dựng các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ, trình độ, chuyên môn, tính chuyên nghiệp và đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số.

Kết luận, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Trưởng đoàn giám sát, cho biết ông ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị trước khối lượng công việc rất lớn. Đồng thời, lưu ý đơn vị một số nội dung liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, quan tâm đến công tác tiếp dân, giải thích làm sao cho người dân hài lòng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.