Lưỡi có thể là chìa khóa phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

31/01/2019 14:26 GMT+7

Phát hiện từ một nghiên cứu mới lấy cảm hứng từ y học cổ truyền Trung Quốc có thể đưa ra cách phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến tụy, làm tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân.

Theo Newatlas, ung thư tuyến tụy không phải là ung thư phổ biến nhất, nhưng nó là một trong những bệnh nguy hiểm nhất.
Hiệp hội Ung thư Mỹ phát hiện chỉ 8% số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư này sống hơn 5 năm - tỉ lệ thấp nhất trong số hơn 20 bệnh ung thư phổ biến khác nhau được khảo sát.
Lý do ung thư tuyến tụy gây tử vong nhiều là vì nó tiến triển đến giai đoạn nặng mà không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Do đó, khi ai đó phát hiện bệnh thì thường đã quá muộn để điều trị hiệu quả.
Rất nhiều nhóm nghiên cứu tìm cách phát hiện bệnh sớm, nhanh, rẻ bằng cách đào sâu tìm kiếm kiếm dấu ấn sinh học ung thư tuyến tụy trong các chất dịch cơ thể như nước tiểu, máu…
Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc tìm ra vi khuẩn trên lưỡi có thể đóng vai trò là chỉ số của bệnh. Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Journal of Oral Microbiology lấy cảm hứng từ phương pháp khám bệnh trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Theo đó, người ta tin rằng bằng cách kiểm tra lưỡi, có thể hiểu rõ hơn về tình trạng của một số chức năng của cơ quan người. Nhóm khoa học đã quyết định thử nghiệm kỹ thuật truyền thống này và sử dụng công nghệ giải trình tự DNA hiện đại, cố gắng tìm hiểu xem có sự khác biệt đáng kể nào về thành phần microbiome* lưỡi giữa những người khỏe mạnh và những người mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu hay không.
Kết quả, bệnh nhân ung thư tuyến tụy có biểu hiện các vi sinh vật lưỡi khác biệt đáng kể so với các đối tượng khỏe mạnh. Họ tìm ra 4 loại vi khuẩn nổi bật (Leptotrichia, Fusobacterium, Haemophilus và Porphyromonas) có mức độ khác biệt rõ rệt ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng phản ứng viêm của cơ thể do sự phát triển của ung thư, gây ra sự thay đổi vi khuẩn nói trên trong hệ vi sinh vật lưỡi.
Lanjuan Li, tác giả chính của nghiên cứu, thừa nhận với Newatlas rằng cần phải làm thêm nghiên cứu với nhóm bệnh nhân lớn hơn nhưng chắc chắn kết quả sẽ đầy hứa hẹn. Lanjuan Li cho rằng nếu mối liên hệ này một lần nữa được chứng thực trong nghiên cứu lớn hơn thì nhiều khả năng dẫn nhanh đến sự phát triển các công cụ chẩn đoán hoặc phòng ngừa sớm ung thư tuyến tụy dựa trên microbiome.
* Theo Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ TP.HCM (CESTI), chúng ta tự gọi mình là “người”, nhưng hóa ra chỉ có khoảng 10% gien “người” trong cơ thể. Vậy những gì làm nên 90% tổng số gien còn lại?
Đó là một hệ sinh thái gồm hàng trăm ngàn tỉ vi sinh vật gồm vi khuẩn, vi rút, nấm, động vật nguyên sinh… đang sinh sống và bao phủ mọi ngóc ngách cơ thể. Chúng cực kỳ bé nhỏ, gần như vô hình dưới mắt thường, sống cuộc đời tưởng chừng nhàm chán (ăn, lớn lên và sinh sản) nhưng lại tác động rất lớn đến sức khỏe con người. Các nhà khoa học gọi chúng là “microbiome”, tức toàn bộ hệ gien của cộng đồng các vi sinh vật đang cư ngụ ở trên và bên trong cơ thể.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.