Lúng túng sang nhượng trường, lớp mầm non: Tháo gỡ để không lãng phí nguồn lực

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/09/2023 07:31 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc không cho phép chuyển nhượng trường, lớp mầm non không giải quyết được cái gốc của vấn đề thẩm định và điều kiện cấp phép mà còn gây lãng phí nguồn lực xã hội.

TÌM NHIỀU CÁCH LÁCH

Chị U.P, một nhà đầu tư giáo dục, cho biết có nhiều trường mầm non tư thục hoặc cơ sở giáo dục mầm non độc lập hoạt động không hiệu quả, họ muốn sang nhượng hoặc nhập vào hệ thống khác tốt hơn thì thủ tục rất lằng nhằng. Bên muốn bán buộc phải tuyên bố giải thể rồi bên muốn mua lại phải làm lại hết giấy tờ, thủ tục pháp lý, tốn kém nhiều thời gian, công sức.

"Nhiều người muốn được sang nhượng lại trường mầm non vì muốn tiết kiệm thời gian set up (xây dựng - NV), gầy dựng tên tuổi, chỉ tập trung làm tốt công tác chuyên môn của mình, nhưng khi sang nhượng rồi thấy còn mệt mỏi hơn là mở trường mới, nên nhiều người nản, bỏ cuộc. Hoặc nhiều cơ sở giáo dục mầm non trước đây dưới 9 lớp vẫn được công nhận là trường, nhưng theo thông tư mới, khi làm lại giấy tờ, thủ tục, chỉ còn là nhóm lớp mầm non thôi (trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp, theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ GD-ĐT - NV).

Lúng túng sang nhượng trường, lớp mầm non: Tháo gỡ để không lãng phí nguồn lực - Ảnh 1.

Nhiều trường, lớp mầm non tư thục có nhu cầu sang nhượng

CHÂU ANH

"Hay khi một doanh nghiệp chỉ có một cơ sở giáo dục mầm non thì chuyển nhượng doanh nghiệp đó cho người khác là có luật quy định rồi. Nhưng nếu doanh nghiệp có những 5 cơ sở giáo dục mầm non, và tôi chỉ muốn mua lại 1 trong số 5 trường đó thì thủ tục ra sao? Chúng tôi cũng gặp lúng túng", chị U.P nói.

Một thực tế mà chị U.P chỉ ra, vì không có quy định về sang nhượng trường, lớp mầm non tư thục nên trong thực tế, nhiều bên đã lách bằng cách sang nhượng trường lớp bằng giấy viết tay, giao dịch số tiền hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng, nhưng họ thỏa thuận là trên quyết định thành lập trường, lớp thì vẫn người chủ cũ đứng tên còn người mới thì điều hành.

Chị N., chủ nhiều trường, lớp mầm non tư thục tại các quận ở TP.HCM kể bản thân chị sang nhượng một trường mầm non tại Q.Bình Tân vào năm ngoái, người chủ mới tên L. cũng nhờ chị đứng tên trên giấy tờ của trường này khoảng 1 năm. Chị N. nhận lời vì biết và tin tưởng cách quản lý của cô L. "Nhưng quản lý chỉ bằng niềm tin thôi thì không đủ. Nếu trong quá trình hoạt động trường, lớp có vấn đề, sai sót gì xảy ra, người thiệt thòi đầu tiên là trẻ em đang học và người chịu trách nhiệm đầu tiên là người có tên trên giấy phép, quyết định thành lập trường, lớp", chị N. nói.

ĐỂ XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC HIỆU QUẢ

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết về nguyên tắc trường học không phải là nơi lập ra để kinh doanh.

Song, luật sư Phát cũng nhìn nhận: "Thực tế cạnh tranh về giáo dục như hiện nay thì việc duy trì phát triển một cơ sở giáo dục không phải là dễ dàng. Một số cơ sở thành lập lâu, hoạt động ổn định, tạo công việc cho nhiều giáo viên. Nếu chủ sở hữu không thể tiếp tục duy trì thì cũng sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho địa phương. Vì vậy, tôi có kiến nghị đến Bộ GD-ĐT xem xét sửa đổi một số nội dung còn thiếu sót trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non, đặc biệt là việc chuyển nhượng vốn và rút vốn đầu tư vào cơ sở giáo dục mầm non, chuyển chủ trường, chủ các nhóm lớp theo nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập".

Cần có hướng dẫn, quy định thủ tục sang nhượng  trường mầm non tư thục hợp lý hơn để không lãng phí nguồn lực xã hội

CHÂU ANH

"Việc không quy định chuyển nhượng không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Vấn đề ở đây là khâu thẩm định cấp phép, điều kiện cấp phép. Chỉ cần người mua đáp ứng được các tiêu chí để đảm bảo sự hoạt động của trường bằng hoặc tốt hơn so với chủ trước, là có thể yên tâm để cấp phép cho họ. Nếu cần, thì có thể làm theo như quy định về việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện theo luật Doanh nghiệp (trước khi bán, bên bán cổ phần có văn bản gửi lên Sở KH-ĐT để sở có văn bản chấp thuận người nước ngoài có được mua hay không, nếu được, thì sau đó các bên được mua bán cổ phần với nhau). Ở đây, văn bản sẽ gửi UBND cấp xã/phường, quận/huyện, là nhằm xem xét năng lực của người mua trường, lớp mầm non tư thục, xem xét dự thảo hợp đồng mà các bên mua bán có đảm bảo được trường vẫn có thể tiếp tục hoạt động hay không như: mặt bằng, nhân sự, cơ sở vật chất...

"Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc này, cũng giúp hệ thống trường công lập bớt áp lực, phụ huynh cũng có nhiều lựa chọn cho việc chọn trường cho con theo điều kiện thực tế của mình. Nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận lĩnh vực đầu tư này", luật sư Phát trao đổi.

Anh N.M, chủ một trường mầm non tư thục tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho hay để xây dựng, vận hành một trường mầm non bài bản thì cần nguồn lực rất lớn, từ quỹ đất, tài chính và sự "khớp", kết hợp ăn ý giữa những người đầu tư: có chuyên môn, có tâm làm giáo dục và người có tiền. Do đó, theo chủ trường này, cần một quy trình chuyển giao tinh gọn, nhịp nhàng hơn khi chuyển đổi chủ trường. Như thẩm định lại hồ sơ trường, lớp trong giai đoạn chuyển đổi, làm sao để không gián đoạn việc học tập của trẻ nhỏ và việc làm của giáo viên, nhân viên.

Chị U.P cũng lên tiếng: "Giáo dục ở TP.HCM và nhiều đô thị lớn đã mất bao lâu để xã hội hóa giáo dục mầm non thành công nhưng đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đang càn quét, ảnh hưởng rất lớn. Trường lớp mầm non tư thục đang bị phân mảnh, nhỏ, vụn, không thu hút được nguồn lực đầu tư lớn và chuyên nghiệp. Kinh tế khó khăn, nhiều trường, lớp nhỏ lẻ cũng đang cầm cự không nổi phải bán hoặc đóng cửa. Do đó, cần có hướng dẫn, quy định thủ tục sang nhượng hợp lý hơn để không lãng phí nguồn lực xã hội.Nguồn lực đầu tư cho giáo dục rất quý, những nhà đầu tư bỏ tiền vào lĩnh vực giáo dục càng cần trân quý và phải ưu tiên, để không lãng phí và không cản trở việc xã hội hóa giáo dục". 

Xem xét sửa đổi một số nội dung bất cập

Mới đây, tại hội nghị tổng kết giáo dục mầm non của TP.HCM năm học 2022 - 2023, bàn nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét sửa đổi một số nội dung bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm rào cản, góp phần thu hút đầu tư phát triển giáo dục mầm non TP, tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đề xuất bổ sung, hướng dẫn thủ tục giải quyết các trường hợp chuyển địa điểm, chuyển chủ trường, chủ các nhóm lớp theo nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.