Lũng đoạn ở Nhà xuất bản Giáo dục

20/12/2016 10:02 GMT+7

Được nhà nước giao trọng trách tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa nhưng nhiều năm qua, ở Nhà xuất bản Giáo dục VN lại bị một số người thao túng, lũng đoạn, gây bức xúc bất bình cho cán bộ, công nhân viên.

Tiền nhà nước chảy vào túi riêng
Công văn số 176/CV-NXBGDVN của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN ký ngày 25.11.2016 gửi Báo Thanh Niên cho biết những sự việc đã diễn ra tại đơn vị này như sau: Ngày 9.1.2010, ông Mạc Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa ký một văn bản được gọi là Nghị quyết số 15/QĐ-HĐQT của HĐQT Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa với nội dung: “Đồng ý cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền vay vốn tối đa không quá 14 tỉ đồng với thời gian, phương thức, lãi suất vay theo tờ trình ngày 8.1.2010 của ông tổng giám đốc công ty”.
Lúc ký Nghị quyết số 15, thì ông Thiện đang là Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục VN, chức vụ Chủ tịch HĐQT của Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa là một chức vụ kiêm nhiệm. Vào thời điểm này, Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa là một công ty trực thuộc NXB Giáo dục VN. Còn hiện nay, ông Mạc Văn Thiện đang làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của NXB Giáo dục VN.
Sau khi cho cá nhân bà Hiền vay, mãi đến ngày 22.9.2014, theo Quyết định số 138/2014/QĐST-DS công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) xác lập, bà Hiền “thừa nhận còn nợ Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa số tiền nợ gốc là 14.230.000.000 đồng và lãi vay tính đến ngày 22.7.2014 là 1.307.242.666 đồng. Tổng số tiền bà Huỳnh Thị Thanh Hiền phải trả là 15.537.242.666 đồng”.
Quyết định của tòa án trong đó có ghi rõ bà Hiền thừa nhận nợ Công ty Thiên Hóa cả gốc lẫn lãi là trên 15 tỉ đồng
Cũng theo Quyết định số 138 nói trên, thì cả hai bên cho vay (Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa) và người vay (bà Huỳnh Thị Thanh Hiền) thống nhất với nhau về thời gian trả nợ như sau: lần 1 là vào ngày 1.10.2014 là 7.000.000.000 đồng; lần 2 là vào ngày 15.10.2014 số tiền 8.537.242.666 đồng. Ở mục 3 của quyết định cũng ghi rõ: “Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.
Trên cơ sở Quyết định 138 của TAND Q.Hải Châu, ngày 20.10.2014 và 12.11.2014, Chi cục Thi hành án dân sự Q.Hải Châu đã ký ban hành 2 quyết định số 152 và số 355, với nội dung buộc bà Hiền phải trả cho Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa các khoản tiền 7.000.000.000 đồng và 8.537.242.666 đồng như quyết định của tòa án đã nêu.
Thế nhưng, theo Công văn số 176/CV-NXBGDVN nói trên, cho đến nay bà Hiền vẫn không trả số tiền này cho Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa. Có thể thấy, tiền của một công ty trực thuộc NXB Giáo dục, là tiền của nhà nước và các cổ đông từ tháng 1.2010 đến nay, đã qua gần 7 năm bị thất thoát. Những cán bộ, công nhân viên của NXB Giáo dục và nhiều cổ đông của Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa đã khiếu nại khắp nơi, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ngoài ra, các cán bộ ở NXB Giáo dục và cổ đông cũng tố cáo “ông Mạc Văn Thiện và bà Huỳnh Thị Thanh Hiền đã kết hợp mua nhiều đất đai, xe cộ và xây dựng khách sạn tại TP.Đà Nẵng. Đặc biệt, việc mua đất đai kê giá khống để nhập vào công ty sau đó cấn nợ cho NXB Giáo dục với giá rất cao. Cụ thể như lô đất 700 m2 tại đường Hoàng Diệu, TP.Đà Nẵng” - nội dung công văn tố cáo nêu rõ.
Công văn số 176 của NXB Giáo dục VN ký ngày 25.11.2016 gửi Báo Thanh Niên
Thao túng hoạt động phát hành
Do tính chất độc quyền, nên hoạt động in ấn và phát hành sách giáo khoa và các chủng loại thiết bị giáo dục trong trường học của NXB Giáo dục hằng năm chiếm một tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của đơn vị này. Ông Mạc Văn Thiện - Chủ tịch Hội đồng thành viên của NXB Giáo dục đã cấu kết với một số cá nhân khác thành lập Công ty TNHH dịch vụ Thiên Nhân Việt và giao chức danh giám đốc cho bà Đ.T.P.T. Công ty này thực ra là “công ty sân sau”, hay là một trong những “công ty chân rết” của những “đại gia” trong ngành in ấn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa và thiết bị giáo dục cho tất cả các địa phương trên cả nước.
Chưa hết, Công ty Thiên Nhân Việt còn là “bình phong” đồng thời là “cầu nối” cho các hoạt động của ông Thiện và một công ty khác do ông lập ra vào năm 2015.
Đó là Công ty CP thiết bị giáo dục và công nghệ Việt Nam, có trụ sở đặt tại Q.Đống Đa, Hà Nội. Chiêu thức hoạt động của công ty cho thấy nhóm này đang làm mọi cách để lũng đoạn hoạt động và tạo ra những chân rết thu và chuyển hóa tiền từ việc lợi dụng danh nghĩa của một cơ quan nhà nước để đổ vào túi riêng.
Đó là Công ty CP thiết bị giáo dục và công nghệ Việt Nam dịch sách giáo khoa của NXB Giáo dục nhưng không xin phép NXB và không trả tiền bản quyền cho tác giả biên soạn các bộ sách giáo khoa; Công ty CP thiết bị giáo dục và công nghệ Việt Nam của ông Thiện dù không hề có đồng vốn nào của NXB Giáo dục góp vào, nhưng lại mang danh NXB Giáo dục để bán sách khắp các tỉnh, thành thông qua Công ty TNHH dịch vụ Thiên Nhân Việt với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng hằng năm, tiền lãi thì vào túi của một nhóm người.
Với việc dùng các chiêu trò tinh vi, lũng đoạn một NXB vốn từ lâu rất có uy tín của ngành giáo dục, dư luận cho rằng đã đến lúc cần phải có những động thái quyết liệt như tổ chức thanh tra, hoặc thậm chí là điều tra, để làm rõ và xử lý nghiêm minh những khuất tất tồn tại lâu nay ở NXB Giáo dục VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.