'Lùm xùm' ở Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau

20/08/2019 06:08 GMT+7

Vụ ông Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý bị bắt điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người quan tâm hơn đến Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Việc ông Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH XD-TM-DL Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người quan tâm hơn đến nhà máy xử lý rác thải này.

Nhiều ưu đãi

Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau có công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm, hiện là nhà máy xử lý rác thải duy nhất ở tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư trên 329 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, nhà máy ra đời năm 2010; được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường. Cụ thể, được nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (khoảng hơn 163 tỉ đồng), ưu đãi vay vốn ngân hàng (tổng cộng 215 tỉ đồng); chưa kể những ưu đãi khác về đất đai, thuế... Ngoài ra, trong khoảng 7 năm hoạt động (từ năm 2012 đến nay), nhà máy được tỉnh hỗ trợ về nhiều mặt.
Năm 2015, nhà máy bảo trì lần đầu. Tuy đăng ký bảo trì trong 2 tháng, nhưng 6 tháng mới hoàn thành và mượn quỹ đất khoảng 2,5 ha để trữ rác trong lúc bảo trì. Đến nay, phần rác tồn vẫn chưa xử lý xong; hàng ngàn tấn rác vẫn còn trong và ngoài khuôn viên nhà máy...
Trước đó, năm 2012, khi nhà máy hoàn thành, tỉnh Cà Mau đã cho ứng 20 tỉ đồng tiền xử lý rác. Cuối năm 2016, tỉnh lại cho ứng 25 tỉ đồng để bảo trì nhà máy. Khi chưa trả hết tiền tạm ứng, cuối tháng 7.2018, nhà máy lại xin ngưng tiếp nhận rác trong 3 tháng để bảo trì nhưng hơn 6 tháng sau mới hoạt động trở lại.
Ngày 5.6.2018, Công ty Công Lý lại có tờ trình gửi Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Cà Mau xin nâng mức hỗ trợ đơn giá xử lý rác thải từ 350.000 đồng/tấn lên 500.000 đồng/tấn (chưa gồm VAT), với lý do kể từ khi hoạt động đến nay, hằng tháng công ty phải bù lỗ khoảng 1,7 tỉ đồng, phải trả lãi vay và nợ gốc hơn 3,1 tỉ đồng nên không kham nổi; đồng thời xin giao thêm 10 ha đất.

Vận hành “quy trình lụi”

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ngày 16.7, Sở KH-CN tỉnh Cà Mau có văn bản về việc xác định tỷ lệ chôn lấp rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau. Theo đó, sau khi lắp đặt hệ thống kiểm soát số lượng rác đầu vào, đầu ra của nhà máy, việc truy xuất dữ liệu rác đầu vào được hệ thống truy xuất bất cứ lúc nào. Thế nhưng, riêng với thu thập số liệu rác đầu ra (tỷ lệ chôn lấp dưới 10%) gặp khó khăn vì hiện tại nhà máy không vận hành theo quy trình xử lý rác đã được phê duyệt.
Theo quy trình, tất cả rác sau khi qua máy xé, thì qua băng tải chọn lọc phế liệu đem tái chế; rác qua sàn phân loại và đi ra 3 hướng: rác chôn lấp (vận chuyển qua bãi chôn lấp); rác đốt (vận chuyển qua hệ thống đốt) và rác xử lý (vào ống sinh hóa, ủ vi sinh và sản xuất phân compost). Nhưng thực tế, hiện tất cả rác sau khi qua sàn phân loại được gom vào một nơi và dùng xe vận chuyển ra nhà ủ, tập kết ở đó. Vì vậy, phần số liệu rác đầu ra từ ngày 15.3.2019 đến nay là không có nên hệ thống không phát hiện, không giám sát và ghi nhận tự động để cập nhật.

Tập kết rác về chứa ở nhà kho

Trả lời câu hỏi bằng văn bản của Thanh Niên về việc dư luận cho rằng thời gian qua Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau không xử lý rác thải khi nhập rác vào, mà chỉ cho công nhân lựa phế liệu, phần còn lại được chôn lấp và chứa lại trong khuôn viên, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau, ký văn bản trả lời: Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau từ khi tạm ngưng hoạt động (tháng 7.2018 để bảo trì và hoạt động trở lại vào ngày 8.2.2019) thì không thực hiện đầy đủ theo dây chuyền công nghệ của dự án được phê duyệt trước đây, rác chuyển vào nhà kho để chứa. Cụ thể, rác được tiếp nhận qua trạm cân, thực hiện khử mùi, hệ thống trục đánh tơi, tách nước rỉ rác, chỉ chạy qua ống sinh hóa và tách lọc phân chuyển vào nhà kho của nhà máy để chứa.
Trong khi đó, lãnh đạo Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau từng phát biểu “nhà máy sử dụng Vibio, công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, theo tiêu chuẩn ICC, có khả năng mở rộng công suất hoạt động của hệ thống để xử lý bất kỳ khối lượng rác thải phát sinh”.

Báo cáo sai thực tế vụ “300 thai nhi”

Tháng 10.2016, Công ty Công Lý có tờ trình xin ứng 30 tỉ đồng để bảo trì nhà máy và được UBND tỉnh thống nhất cho ứng 25 tỉ đồng để sửa chữa các thiết bị như: sàn Blini, linh kiện máy nghiền xé, băng tải, tấm thép... Tiếp đến, vào khoảng giữa cuối tháng 4.2019, Công ty Công Lý làm tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau cho rằng “vấn đề nhức nhối” mà đơn vị gặp phải là tình trạng thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hằng ngày tập kết về nhà máy.
Tính từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay, nhà máy đã phát hiện hơn 300 thai nhi và đã phải thực hiện việc chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy. Đến nay, không còn chỗ chôn cất, mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí, do vậy đề nghị UBND tỉnh cấp thêm đất và hỗ trợ chi phí chôn cất thai nhi.
Tuy nhiên, sau khi giao công an tỉnh xác minh làm rõ, ngày 9.8, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản khẳng định việc Công ty Công Lý khai báo phát hiện hơn 300 xác thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong lượng rác đưa về nhà máy là chưa có cơ sở.
G.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.