Lực lượng hải quân bí hiểm của Nga

11/10/2015 09:22 GMT+7

Xung đột leo thang ở Syria đã thúc đẩy một trong những lực lượng hải quân bí hiểm nhất của Nga xuất đầu lộ diện.

Xung đột leo thang ở Syria đã thúc đẩy một trong những lực lượng hải quân bí hiểm nhất của Nga xuất đầu lộ diện.

Các tàu chiến thuộc Hải đội Caspi của Nga tham gia tấn công IS ở Syria -  Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Các tàu chiến thuộc Hải đội Caspi của Nga tham gia tấn công IS ở Syria - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Tại đại bản doanh Hải đội Caspi của Nga ở thành phố Astrakhan có một tấm bảng đồng khắc câu nói của Sa hoàng Peter Đại đế: “Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào tranh giành biển Caspi”. Peter Đại đế là người thành lập Hải đội Caspi vào năm 1722 để bảo vệ lợi ích Nga ở vùng nước nằm trong nội địa.
Trong nhiều thế kỷ qua, biển Caspi chủ yếu là mục tiêu tranh chấp giữa Nga và Ba Tư (về sau là Iran), với ưu thế nghiêng tuyệt đối về phía Nga, cho đến khi sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 hình thành nên 3 quốc gia độc lập khác bên bờ biển là Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaizan.
Có lẽ khi thành lập Hải đội Caspi, Peter Đại đế sẽ không bao giờ nghĩ đến một ngày các tàu chiến đóng tại vùng biển nổi tiếng về trữ lượng dầu khí và cá tầm này tham gia vào một chiến dịch quân sự phối hợp giữa Iran, Iraq, Syria và Nga.
Lực lượng hải quân bí hiểm của NgaLược đồ đường bay của tên lửa Klub bắn từ Hải đội Caspi đến Syria - Đồ họa: S.D
Hải đội hiện đại
300 năm qua, ngoài những lần giao tranh Nga - Ba Tư trong các thế kỷ 18 và 19, các thủy thủ của Hải đội Caspi hiếm khi lâm trận. Ẩn sâu trong nội địa và tránh được con mắt tò mò của các lực lượng hải quân khác trên thế giới, biển Caspi từng được Liên Xô sử dụng để thử nghiệm nhiều loại vũ khí bí mật. Hải đội Caspi chính là nơi đảm trách nhiệm vụ đó. Lực lượng này cũng từng tiếp nhận một số phương tiện thử nghiệm, chẳng hạn như chiếc ekranoplan (thủy phi cơ kiêm tàu đệm khí) nổi tiếng từng được mệnh danh là “Quái vật biển Caspi”. Chiếc ekranoplan lớp Lun khổng lồ được chế tạo từ thời Liên Xô và bị cho về vườn trong thập niên 1990. Tuy nhiên, Nga được cho là đang phát triển mẫu ekranoplan mới, có khả năng trang bị tên lửa hành trình.
Theo Hãng tin Sputnik, Hải đội Caspi có 2 tàu hộ vệ lớp Gepard và 7 tàu tên lửa, cùng với 22 tàu nhỏ hơn. Lực lượng này được hiện đại hóa đáng kể từ năm 2010, tiếp nhận nhiều loại tàu mới trang bị tên lửa, ngư lôi và pháo hạm, bao gồm cả những tàu chiến đã lâm trận ngày 7.10.
Theo giới thiệu trên website của Bộ Quốc phòng Nga, nhiệm vụ của Hải đội Caspi là bảo vệ lợi ích khu vực của Nga và chống khủng bố. Trang tin Vesti.ru cho hay các tàu trang bị tên lửa hành trình Kalibr (còn gọi là Klub) mà Nga sử dụng trong đợt tấn công vừa qua là những loại tàu chiến hiện đại mà Hạm đội Biển Đen vẫn chưa thể sở hữu.
Lựa chọn duy nhất
Trong chiến dịch quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài kể từ khi Liên Xô tan rã, vùng biển phân cách Trung Á và Trung Đông trở thành bàn đạp bất đắc dĩ để Nga phát động loạt tấn công bằng tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa hành trình tấn công trên bộ trong chiến đấu.
Các tàu tham chiến được nhận diện là tàu lớp Gepard mang tên Dagestan và 3 tàu tên lửa lớp Buyan-M, gồm Grad Sviyazhsk, Uglich và Veliky Ustyug. Các tàu này được trang bị tên lửa hành trình Kalibr 3M-14 có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.500 km. Ngày 9.10, Đài CNN dẫn các nguồn ẩn danh từ giới quân sự và tình báo Mỹ cho hay ít nhất 4 tên lửa đã rơi xuống Iran trên đường bay đến Syria. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận điều này.
Theo các chuyên gia, sử dụng Hải đội Caspi là lựa chọn duy nhất của các viên tướng Nga muốn phô trương năng lực quân sự trong cuộc xung đột Syria. Nếu phóng từ các tàu chiến ở biển Đen, Nga sẽ phải xin phép sử dụng không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và chắc chắn thành viên NATO này sẽ cự tuyệt. Chuyên gia quốc phòng Alexander Golts, Phó tổng biên tập báo mạng Yezhednevny Zhurnal ở Nga bình luận: “Rất đơn giản. Họ có thể nhanh chóng đạt thỏa thuận với Iraq và Iran nhưng không thể với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Việc sử dụng tên lửa phóng từ trên bộ cũng bị loại bỏ do Hiệp ước tên lửa tầm trung ký với Mỹ năm 1987 cấm sử dụng tên lửa phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Nga hiện có tàu tuần dương tên lửa Moskva thuộc lớp Slava trang bị tên lửa hành trình P-500 Bazalt ở Địa Trung Hải nhưng chúng dùng để chống hạm chứ không phải tấn công mục tiêu trên bộ. “Đó đơn giản là lựa chọn duy nhất”, chuyên gia Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow, nói với Reuters.
Theo chuyên gia Igor Sutyagin thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, quyết định sử dụng tên lửa của Moscow được thúc đẩy bởi mong muốn nhấn mạnh vai trò ngang hàng với Mỹ và NATO. Các cuộc tấn công tên lửa thường được sử dụng để làm tiêu hao lực lượng đối địch trước các cuộc tấn công quy mô lớn trên chiến địa hoặc triệt hạ những mục tiêu mà không quân không thể tiếp cận. Thời gian qua Nga liên tục bác bỏ kế hoạch cử bộ binh đến Syria nhưng cùng lúc với đợt tấn công bằng tên lửa, quân đội chính phủ Syria đã phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn chống lại phe nổi dậy.
Vùng biển độc đáo

Biển Caspi được ước lượng có trữ lượng khoảng 40 tỉ thùng dầu, chỉ xếp sau vịnh Ba Tư về trữ lượng dầu khí. Với diện tích 371.000 km2, biển Caspi đôi khi còn được gọi là hồ nước lớn nhất thế giới.
Khi Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan giành độc lập vào năm 1991, các nước này ký hợp đồng với các công ty dầu khí lớn của phương Tây để khai thác. Tuy nhiên, việc xác định ranh giới ở biển Caspi vẫn là điều cực kỳ khó khăn. Mặc dù một số trong 5 quốc gia ven biển đã ký các thỏa thuận song phương để phân định song nhiều ranh giới vẫn còn rất mơ hồ. Iran một mực đòi phân chia đều 20% vùng biển cho mỗi bên trong 5 quốc gia ven biển trong khi Nga khăng khăng muốn phân chia theo độ dài đường bờ biển của mỗi nước. Các nước này thậm chí không thể nhất trí chuyện Caspi là biển hay hồ về mặt pháp lý để có thể áp dụng phân chia theo các quy định quốc tế.
Vào năm 2001, Iran từng điều tàu chiến và máy bay đe dọa một tàu thăm dò của Hãng BP thực hiện khảo sát theo thỏa thuận với Azerbaijan tại khu vực mà cả hai nước đều cho là của mình. Năm 2008, Azerbaijan cũng điều chiến hạm uy hiếp các giàn khoan dầu của các công ty Malaysia và Canada thực hiện hợp đồng với Turkmenistan.
Là vùng biển kín, Caspi không có liên kết tự nhiên với các vùng biển khác. Nó kết nối với vùng biển quốc tế qua ngã biển Đen và biển Baltic, thông qua sông Volga và hệ thống kênh đào. Vào năm 2014, 5 quốc gia Nga, Iran, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan đã ký hiệp ước cấm triển khai lực lượng quân sự của các nước không nằm ven biển Caspi tại vùng biển này, qua đó loại bỏ mọi khả năng NATO triển khai lực lượng tại đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.