Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có phải cấp dưới của công an xã?

29/11/2023 07:21 GMT+7

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở có phải là cấp dưới của công an xã, quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương như thế nào?

Chiều 28.11, Quốc hội chính thức thông qua luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, có hiệu lực kể từ 1.7.2024. Với luật này, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng sẽ được hợp nhất thành một, với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có phải cấp dưới của công an xã? - Ảnh 1.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do UBND xã quản lý, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của công an xã

BỘ CÔNG AN

Có phải cấp dưới của công an xã?

Quá trình thảo luận về dự án luật nêu trên, một số đại biểu đề nghị giao lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cho cấp ủy, UBND cấp xã lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành, phân công, tuyển dụng, kiểm tra và chăm lo chính sách.

Có ý kiến đề nghị làm rõ lực lượng này có phải là cấp dưới của công an xã hay không; đồng thời cân nhắc không nên quy định công an xã chỉ đạo, điều hành lực lượng này, chỉ nên quy định theo hướng phân công, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

Giải trình với đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, nhiệm vụ bảo vệ ANTT và lực lượng thực hiện nhiệm vụ này phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.

Bảo vệ ANTT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng CAND làm nòng cốt, chủ trì và chịu trách nhiệm trước chính quyền trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện.

Quốc hội chính thức đổi tên cho lực lượng bảo vệ dân phố

Lực lượng CAND có trách nhiệm giúp chính quyền cùng cấp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành các lực lượng quần chúng tham gia; trực tiếp phân công, hướng dẫn, kiểm tra các lực lượng quần chúng tham gia để việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT được thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Từ những căn cứ đã nêu, luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở xác định rõ lực lượng này chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND cấp xã.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không phải là tổ chức cấp dưới của công an xã mà do UBND cấp xã thành lập, quản lý và chịu sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT.

"Công an cấp xã chịu trách nhiệm và giúp UBND cấp xã trực tiếp quản lý về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở", Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có phải cấp dưới của công an xã? - Ảnh 2.

Quốc hội thông qua luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

GIA HÂN

Mất ANTT trên địa bàn, lực lượng nào chịu trách nhiệm?

Quá trình xây dựng luật, một số ý kiến đề nghị xác định lực lượng chủ trì trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn; đồng thời xác định trách nhiệm khi để xảy ra vấn đề mất ANTT.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể, tổ chức quần chúng khác ở cơ sở đều là các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT. Việc quản lý về ANTT là do lực lượng công an nhân dân chủ trì phối hợp.

Do đó, nếu xác định một trong các lực lượng nêu trên làm chủ trì phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở là không phù hợp.

Vẫn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mất ANTT có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và việc xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật có liên quan, không thể quy trách nhiệm ngay cho lực lượng công an nhân dân hay lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Do vậy, luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không quy định trách nhiệm khi để xảy ra vấn đề mất ANTT trên địa bàn phụ trách.

Mỗi năm cần hơn 3.500 tỉ đồng để duy trì hoạt động

Quá trình xây dựng luật, một số đại biểu băn khoăn về việc kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ làm tăng biên chế, "phình" ngân sách, do đó cần phải tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực, bao gồm cả tài chính, cơ sở vật chất và con người.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến tháng 12.2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi đơn vị đều thành lập một tổ bảo vệ ANTT như quy định tại luật, thì cần có ít nhất 254.163 người tham gia.

Dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động của toàn bộ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là 3.505 tỉ đồng/năm. Trung bình mỗi tỉnh cần 55,6 tỉ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỉ đồng/tháng.

Các con số trên không tăng, cả số lượng người tham gia và kinh phí bảo đảm, so với thực tế đang chi trả hiện nay cho các lực lượng trước khi được thống nhất làm một.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.