Lúc dùng đũa ngà voi có nghĩ tới voi bị giết, chặt vòi không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/01/2021 20:35 GMT+7

Voi bị giết hại để lấy ngà, những kẻ giết voi còn chặt vòi của voi, cắt nát mặt loài động vật đáng thương này. Hay ở châu Phi, những con tê giác bị cưa sừng, kẻ ác còn cắt mắt của nó.

“Những lúc dùng đũa ngà voi, đeo nhẫn ngà voi, bạn có nghĩ tới cảnh đáng thương đó không? Tại sao người ta đã nhẫn tâm giết voi, cắt mất ngà của voi, họ còn chặt vòi, cắt nát mặt con vật tội nghiệp đó?”, chị Hoàng Thị Minh Hồng, anh hùng khí hậu, nhà sáng lập và giám đốc điều hành CHANGE đã đặt câu hỏi đó ở buổi lễ trao giải Views Awards 2020 vừa diễn ra chiều nay tại Q.1, TP.HCM. Sự kiện thu hút đông sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt những bạn đang làm việc trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Làm vậy còn lương tri con người nữa không?

Views Awards 2020 với chủ đề "Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã". Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng đã mở đầu sự kiện này bằng việc điểm lại những câu chuyện và hình ảnh minh họa khiến nhiều người rùng mình, xót xa và phẫn nộ. Trên màn hình chiếu của sự kiện, những con voi, tê giác, tê tê… nằm la liệt trong những khu rừng, trên những vũng máu, và nó hoàn toàn không toàn thây bởi người ta đã cắt vòi, cắt ngà, mắt… và nhiều bộ phận của con vật.
“Mọi người chắc chắn sẽ hỏi vì sao voi bị giết để lấy ngà, rồi nó còn bị mất vòi, bị chặt hết mặt nữa. Bởi những con voi bị giết bằng súng AK47, súng phóng lựu. Một viên đạn cũng không thể giết chết con voi, vì nó rất khỏe. Nó chỉ nằm sụp xuống. Mọi người lấy cưa máy để cắt vòi voi vì voi thở bằng vòi, chặt mặt voi. 650 con voi ở Cameroon đã chết như vậy. Rất kinh khủng. Mọi người khi dùng đũa ngà voi có nghĩ tới cái này không?”.
Nhà báo với nhiều loạt bài điều tra Đỗ Doãn Hoàng cũng đặt một câu hỏi tại phần trao đổi về "Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã". Đó là mọi người có biết vì sao, những người tàn sát con tê giác ở châu Phi lấy sừng lại cắt hết bộ phận sinh dục và khoét cả mắt con tê giác rất thảm thương không?

Những con vật hoang dã bị tàn sát dã man vì nhu cầu ăn, uống, tín ngưỡng của nhiều người

Ảnh Thúy Hằng

Thực tế tới tác nghiệp tại tận châu Phi, trực tiếp bấm máy ảnh những khoảnh khắc người ta giết tê giác, cắt dương vật, khoét mắt con vật này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng miêu tả, khi đó, tay anh đã run lên. “Người ta cắt dương vật tê giác để phục vụ nhiều người châu Á, bởi thị trường này nghĩ ăn gì bổ nấy. Sau đó, người ta khoét mắt con tê giác bởi nghĩ rằng giác mạc con vật này sẽ lưu lại những hình ảnh cuối cùng con vật nhìn thấy. Từ châu Phi, chỉ 48 tiếng sau, những bộ phận của con tê giác đã được chuyển sang châu Á”, anh Hoàng cho hay.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể, tại châu Phi anh còn chứng kiến 2 người Việt Nam, chỉ trong 2 ngày mà nấu cao 40 con sư tử châu Phi. Rồi người ta nuôi hổ, nuôi sư tử ở châu Phi, cho những con vật này ăn thịt heo, gà, vịt… rồi nấu cao luôn ở châu Phi, sau đó bán về Việt Nam.  

Cùng gìn giữ thiên nhiên cho con cháu chúng ta

Views Awards 2020 là giải báo chí thường niên do CHANGE khởi xướng về các chủ đề môi truòng và phát triển ở Việt Nam dành cho báo chí và người dùng mạng xã hội. Đây là năm đầu tiên giải thưởng này được tổ chức, với chủ đề “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã”.

Triển lãm tại Views Awards

Ảnh Thúy Hằng

Chị Hoàng Thị Minh Hồng nhấn mạnh, Việt Nam đang vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới. Từ năm 2000 tới 2019 có tới 293 tấn ngà voi được tiêu thụ, tương đương với hơn 43.000 con voi bị chết.
Anh Bùi Văn Tuấn, YouTuber chuyên về bảo tồn vọoc, kể một câu chuyện rất đau lòng ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, đó là có những người dân giết vọoc, giết heo rừng, lòng thì lấy để ăn, còn thịt thì ướp phóoc môn (Formol - chất độc hại, tác dụng chống thối rữa) để sau thì mang bán, nấu cao…
Một câu chuyện để lại suy nghĩ trong các khán giả trẻ, những nhà báo trẻ và nhiều khách mời trong chương trình hôm nay là câu chuyện từ bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM.

Bà Emily Hamblin phát biểu tại sự kiện

Bà Emily Hamblin kể trước đây bà rất thích bơi trên sông Thames nước Anh và mới đây thì bà có trải nghiệm bơi trên sông Sài Gòn ở TP.HCM. Dù những cảm nhận không giống nhau thì đây cũng là trải nghiệm rất tuyệt vời. Bà và con trai đã reo lên khi thấy màu sắc con ếch đổi màu ra sao. Từ câu chuyện này, bà hiểu rằng, việc chúng ta phải gìn giữ thiên nhiên cho con chúng ta, rồi con của con chúng ta quan trọng như thế nào...
Chữ VIEWS trong Giải thưởng Views Awards 2020 là viết tắt từ tiếng Anh, tạm dịch là “Thông tin Việt Nam về môi trường - động vật hoang dã - Phát triển bền vững”.
Ban tổ chức trao giải nhất cho tác giả Lam Anh - Hoàng Chiên, báo điện tử Dân Việt, chuỗi phóng sự điều tra về xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia. 
Giải nhì thuộc về tác giả Nguyễn Hồng Thắm (báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng). Giải ba thuộc về Trần Minh Hiếu, Báo Công an TP.HCM. Các giải khuyến khích được trao cho các tác giả kênh Môi trường và Tài nguyên; báo điện tử Phụ Nữ; Báo Nông nghiệp; Báo Lao động; Tin tức. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân được trao giải ở hạng mục bài viết trên mạng xã hội.
Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, đánh giá cao giải thưởng này. Bà cho hay mình rất biết ơn những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó có cả những đóng góp của tất cả người dân Việt Nam, trong đại dịch Covid-19. Đại dịch này là thách thức cũng là cơ hội để chúng ta đoàn kết lại để cùng làm những điều tốt đẹp cho thế giới, trong đó có việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.