Luật sư nói gì vụ Nathan Lee đăng ký độc quyền thương hiệu 'Cao Thái Sơn'?

31/03/2022 19:04 GMT+7

Trước thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc Nathan Lee đăng ký độc quyền thương hiệu 'Cao Thái Sơn' có đúng theo quy định, chúng tôi đã trao đổi với các luật sư về vấn đề này.

Việc Nathan Lee nộp đơn xin sử dụng độc quyền thương hiệu 'Cao Thái Sơn' gây tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội

fbnv

Hôm 31.3, ca sĩ Nathan Lee xác nhận với Thanh Niên anh đã nộp đơn đăng ký độc quyền thương hiệu “Cao Thái Sơn". Vụ việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm và gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người thắc mắc về việc giọng ca Xinh đăng ký độc quyền thương hiệu như vậy là đúng hay sai.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt - Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) không ngăn cản việc đăng ký một nhãn hiệu là tên họ của một người hoặc cả họ và tên. Tên, họ của một người được xử lý trong đăng ký như các nhãn hiệu khác. Bên cạnh đó, Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng quy định rằng tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Do đó, ông Trương Triều Trúc Lân (Nathan Lee) có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa mà mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

Sau sau ồn ào "khẩu chiến" với Cao Thái Sơn, Nathan Lee mua độc quyền các ca khúc của đồng nghiệp và mới đây là nộp đơn đăng ký sử dụng độc quyền thương hiệu "Cao Thái Sơn"

nvcc

Cũng theo luật sư Tiến, Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng quy định các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Trong đó có “dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ”. Vì thế, luật sư cho rằng nếu Cao Thái Sơn là tên thật và cũng là một ca sĩ nổi tiếng thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tên Cao Thái Sơn có thể làm cho người tiêu dùng nghĩ rằng nhãn hiệu đó do nam ca sĩ cung cấp hay thuộc sở hữu của anh, mà thực tế lại không phải như vậy. “Từ đó việc đăng ký tên người nổi tiếng có thể bị coi là có yếu tố gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”, ông Tiến phân tích.

Luật sư Tiến nói đối với thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tên người nổi tiếng, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu người đăng ký chứng minh được việc đăng ký tên Cao Thái Sơn đã được chính ông Cao Thái Sơn đồng ý và cho phép hoặc chứng minh việc sử dụng tên này không ảnh hưởng đến người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, uy tín, danh dự của những người nổi tiếng đó. “Và ông Cao Thái Sơn có quyền gửi đơn phản đối việc ông Nathan Lee sử dụng tên của mình để đăng ký nhãn hiệu”, nam luật sư chia sẻ.

Luật sư Tiến cho biết Cao Thái Sơn có quyền gửi đơn phản đối việc Nathan Lee sử dụng tên của mình để đăng ký nhãn hiệu

nvcc

Luật sư Ngô Việt Bắc - Trưởng văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009) thì một trong các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu là “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài”. Do đó, thương hiệu “Cao Thái Sơn” có thể gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu của một ca sĩ nổi tiếng nên không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.

Theo ông Bắc, phía Cao Thái Sơn có quyền gửi đơn phản đối việc ông Nathan Lee sử dụng tên của mình để đăng ký nhãn hiệu. “Khi thấy quyền lợi của mình có thể hoặc khả năng bị ảnh hưởng bởi hành động của một bên khác, thì có quyền làm đơn phản đối gửi cơ quan cấp phép văn bằng”, luật sư nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.