Luật sư Nguyễn Minh Thuận: “Tâm nguyện của báo Thanh Niên cũng là tâm nguyện của chúng tôi”

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
04/10/2021 07:45 GMT+7

Bộc bạch về tình cảm và tâm huyết với các em nhỏ mồ côi trong đại dịch Covid-19 , luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM, Công ty luật Sài Gòn VN) đã nói như thế. Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ pháp lý, đồng hành chặng đường dài lâu với Báo Thanh Niên.

Những ngày qua, theo dõi thông tin về chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, ông nhận thấy ý nghĩa và hành trình của Báo Thanh Niên nhằm nâng đỡ trẻ mồ côi ra sao?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập phụ trách Báo Thanh Niên (phải), trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Thuận về nội dung hợp tác, đồng hành với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Điều đầu tiên tôi nhận thấy, đây là một chương trình cực kỳ nhân văn và kịp thời của quý báo. Như đã biết, trong mọi trường hợp thì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vậy nên luật Trẻ em có hẳn 1 điều quy định về Tháng hành động vì trẻ em nhằm mục đích thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Do đó, việc Báo Thanh Niên đứng ra kêu gọi cộng đồng chung tay nâng đỡ không những giúp cho đời sống các em vơi đi khó khăn mà còn giúp tinh thần của các em được xoa dịu. Việc giúp đỡ của báo và các nhà hảo tâm sẽ giúp các em hiểu rằng các em không bị bỏ lại phía sau, mà luôn có những vòng tay nhân ái sẵn sàng của cộng đồng, của xã hội.

Tâm nguyện của báo cũng là tâm nguyện của nhiều người, trong đó có bản thân tôi và công ty chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chương trình, nếu hai bên bắt tay thì sẽ cùng ký kết văn bản, xem như chúng tôi là một đơn vị đồng hành.

Đại diện Báo Thanh Niên thăm hỏi và hỗ trợ khẩn cho em Nguyễn Thế Tân (lớp 4/4 Trường tiểu học Trung Nhất, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Ba em Tân mất vì Covid-19, mẹ làm công nhân, từ nay phải cáng đáng nuôi em và một người anh đang học lớp 9

DUY KHANG

Tính đến nay, số lượng các em mồ côi được nhà hảo tâm nhận bảo trợ qua chương trình của Báo Thanh Niên là hơn 500 em. Xin luật sư cho biết đối với 2 hình thức bảo trợ (nhận nuôi và chu cấp hàng tháng), ở góc độ pháp lý, ông sẽ bắt đầu cùng với báo bằng những công việc cụ thể ra sao?

Với câu hỏi này, cần chia thành 2 trường hợp:

1. Đối với trường hợp nhận các em làm con nuôi, chúng ta sẽ hỗ trợ pháp lý để các em được nuôi dưỡng theo đúng quy định của luật Nuôi con nuôi. Trong đó cần lưu ý kỹ các trường hợp đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định tại điều 14 của luật này.

2. Đối với việc bảo trợ bằng hình thức chu cấp hàng tháng thì tùy theo số lượng, có thể có kế hoạch khác nhau. Nếu số lượng ít (vài chục em) thì Báo Thanh Niên và các bên (nhà bảo trợ và gia đình các em) có thể ký một văn bản thỏa thuận về việc chu cấp hàng tháng cho các em, trong đó báo giữ vai trò kết nối và giám sát việc thực hiện thỏa thuận. Nội dung văn bản thỏa thuận này nêu rõ các vấn đề: bảo trợ cho các em bao nhiêu tiền/tháng, thời hạn bảo trợ, cam kết của các bên về việc cùng mục tiêu vì tương lai của các em được phát triển lành mạnh...

Cũng phải lưu ý mấy điểm sau:

- Vật giá có thể tăng những năm sau đó nên các nhà bảo trợ nên tính toán trước và dự phòng.

- Vì nhiều lý do khác nhau, một khi các nhà bảo trợ thay đổi hoặc dừng chương trình bảo trợ thì quý báo cần có kế hoạch dự phòng nguồn kinh phí để duy trì việc bảo trợ cho các em không bị gián đoạn.

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có: Đơn xin nhận con nuôi; bản sao hộ chiếu, giấy CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều 14 của luật này.

- Báo cần thông tin hằng tháng về việc thực hiện bảo trợ này. Đây cũng là cách tri ân thường xuyên đối với các nhà hảo tâm, đồng thời cũng là cách giám sát việc thực hiện cam kết của tất cả các bên.

Còn nếu số lượng trẻ nhiều thì tôi nghĩ báo có thể lập một đề án quy củ, trong đó có nhiều bộ phận được phân công thực hiện các nhóm công việc với nhau. Hoặc quý báo có thể lập một tài khoản mang tên báo, chỉ nhằm một mục đích duy nhất để nhận khoản trợ cấp hàng tháng của các nhà hảo tâm, sau đó chuyển tiền đến tài khoản của người giám hộ của các cháu. Cách này khá đơn giản và ngân hàng có thể dễ dàng thực hiện.

Việc cho và nhận con nuôi thông qua một chương trình có tính chất trung gian, là nhịp cầu kết nối như chương trình của báo để giúp đỡ, hỗ trợ các cháu mồ côi sẽ cần phải thực hiện các thủ tục cụ thể ra sao?

Luật Nuôi con nuôi quy định: Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến UBND cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết. Trong trường hợp báo tổ chức chương trình này thì cần kết hợp với UBND phường, xã, nơi các em thường trú để thực hiện các thủ tục. Tôi nghĩ trường hợp này các nhà hảo tâm có thể ký một thỏa thuận nguyên tắc với báo. Sau đó báo và công ty luật sẽ hỗ trợ các nhà hảo tâm và các em hoàn tất thủ tục đăng ký nhận con nuôi tại UBND phường, xã, nơi các em thường trú đúng theo quy định của luật Nuôi con nuôi hiện hành.

Cũng theo luật này thì người được nhận làm con nuôi phải thỏa mãn các điều kiện:

Là trẻ em dưới 16 tuổi; Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi; một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Còn điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

Thời hạn giải quyết thủ tục nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã, phường nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trong trường hợp này, một khi giữa trẻ và nhà bảo trợ đã hình thành mối quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi thì quyền lợi và nghĩa vụ của họ sẽ được pháp luật liên quan điều chỉnh.

Đối với những trường hợp nhận bảo trợ chu cấp hàng tháng cho trẻ thì chỉ dựa trên sự thỏa thuận của các bên hay có những điều kiện ràng buộc gì từ phía quy định của pháp luật?

Trường hợp thỏa thuận nhận bảo trợ chu cấp ăn học hàng tháng cho trẻ thì đây chỉ là sự thỏa thuận trên cơ sở sự tự nguyện của nhà hảo tâm. Nhà nước khuyến khích mọi người thực hiện chứ pháp luật không có điều kiện hay yêu cầu ràng buộc gì. Mặc dù theo thỏa thuận không có sự ràng buộc, chế tài pháp lý nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu của tất cả các bên. Nếu không thực hiện nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà tổ chức lẫn người bảo trợ.

Xin cảm ơn ông và mong sự đồng hành giữa hai bên diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.