Luật sư: Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường sai vì làm theo chỉ đạo cấp trên

Trần Cường
Trần Cường
16/05/2022 17:20 GMT+7

Tại tòa, luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng thân chủ bị đề nghị mức án đến 8 năm tù là quá cao, trong khi bị cáo Cường đã thẳng thắn khai báo, không quanh co, chủ động khắc phục hậu quả 1,8 tỉ đồng.

Ngày 16.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 đồng phạm trong vụ nhập, bán thuốc giả xảy ra tại Công ty CP VN Pharma, với phần tranh luận.

Theo cáo buộc, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường thời điểm xảy ra vụ án, với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, nhưng không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc nên đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện dẫn đến 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu, tiêu thụ tại Việt Nam.

Toàn cảnh phiên tòa

trần cường

Cơ quan tố tụng cũng cáo buộc bị cáo Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc giả dù đã nhận được cảnh báo về việc thuốc Health 2000 Canada không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang tiếp tục bị "gọi" tên

Gỡ tội cho thân chủ trước tòa, luật sư của bị cáo Trương Quốc Cường cho rằng đây là vụ án chưa được điều tra toàn diện, chưa đánh giá đúng tội, bởi lẽ bị cáo Cường đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Luật sư cũng viện dẫn lời khai của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang để chứng minh sai phạm xảy ra là do ông Quang, nhưng bị cáo Cường lại bị buộc tội. Theo luật sư, nếu phiên tòa này có mặt ông Cao Minh Quang thì sẽ làm rõ được hành vi của bị cáo Cường, bởi ông Quang thời điểm đó là người có trách nhiệm cao nhất và cuối cùng của Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế.

Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường tại tòa

trần cường

Về trách nhiệm của bị cáo Cường trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định, luật sư cho rằng, bị cáo không được giao nhiệm vụ này, bởi trách nhiệm của chuyên gia thẩm định, theo quy định của Quy chế 65, các chuyên gia thẩm định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động nghề nghiệp của mình.

Theo luật sư, áp dụng Quy chế 1753 của Bộ Y tế, bị cáo Cường với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc chỉ có trách nhiệm thành lập nhóm chuyên gia thẩm định và không có quy định bị cáo phải kiểm tra, kiểm soát hoạt động chuyên môn của các chuyên gia.

Luật sư cho rằng, trách nhiệm quản lý, báo cáo của nhóm chuyên gia là Trưởng phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), cũng là vai trò thư ký của Hội đồng xét duyệt thuốc, trong vụ án này là bị cáo Phạm Hồng Châu. Sau đó, Trưởng phòng Đăng ký thuốc sẽ báo cáo Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc, tức ông Cao Minh Quang. Như vậy, hoạt động thẩm định của nhóm chuyên gia sẽ do chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc quản lý, giám sát các hoạt động chuyên môn.

Ngoài ra, luật sư cũng gỡ tội “thiếu trách nhiệm trong quá trình xét duyệt thuốc, không phát hiện sai phạm của các hồ sơ thuốc” cho bị cáo Cường. Theo luật sư, ông Cao Minh Quang là người trực tiếp điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc, nên trách nhiệm với sai phạm này phải là của ông Quang, không phải của bị cáo Cường.

Bị cáo Cường không được giao xem xét phần nội dung pháp lý nên không phát hiện ra được các sai phạm, tẩy xoá biên bản thẩm định của nhóm chuyên gia. Theo quy chế, bị cáo có trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra, kiểm soát danh mục thuốc đã được hội đồng thống nhất đề nghị cấp số đăng ký trình lãnh đạo Bộ Y tế.

Sai vì làm theo văn bản chỉ đạo của cấp trên

Tiếp tục gỡ tội, một luật sư khác tham gia bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường cho rằng các bị cáo tại Cục Quản lý dược không có mục đích tư lợi. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sai phạm là các bất cập trong quy định. Trong đó, giấy phép lưu hành thuốc (FSC) và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) phải có hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng trong chính văn bản do ông Cao Minh Quang ký lại yêu cầu 2 giấy này không cần hợp pháp hóa, đây chính là trái với quy định của pháp luật.

“Sai phạm của các bị cáo bắt nguồn từ việc áp dụng văn bản của ông Quang ký, một văn bản trái pháp luật… Tại Hội đồng xét duyệt thuốc, ông Cường là phó chủ tịch, ông Quang là chủ tịch thì đương nhiên phải thực hiện theo”, luật sư bào chữa cho bị cáo Cường nói, và đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, nguyên nhân vì thực hiện theo văn bản do bị cáo Quang ký và mãi sau mới phát hiện đó là văn bản trái pháp luật.

Luật sư cũng phản bác cáo buộc bị cáo Cường chưa thành khẩn khai nhận hành vi cụ thể, như cáo trạng quy kết. Theo luật sư, tại bản tự khai, phiên bản phúc cung, bị cáo Cường đều thẳng thắn thừa nhận, không hề quanh co, rất ăn năn day dứt. Ngoài ra, tại tòa, bị cáo này đã giải trình về nguyên nhân, bối cảnh vi phạm, nếu cho rằng việc đó là không thành khẩn thừa nhận sai phạm nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thì đó là sự thiệt thòi cho bị cáo.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo Cường tự nguyện nộp 1,8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả làm tình tiết giảm nhẹ, bởi đó thể hiện sự ăn năn, day dứt của bị cáo.

“Tôi bàng hoàng trước đề nghị mức án của đại diện viện kiểm sát, mức án như vậy là quá cao. Đề nghị HĐXX cân nhắc bối cảnh, nguyên nhân, động cơ, mục đích,… để xem xét truy cứu đối với bị cáo Trương Quốc Cường, qua đó thể hiện sự nhân văn nhưng vẫn mang tính răn đe”, luật sư của bị cáo Trương Quốc Cường nói.

Được cho đứng lên nói, bị cáo Trương Quốc Cường đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư.

Trong phần trả lời thẩm vấn trước đó, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận trách nhiệm nhưng cho rằng HĐXX phải làm rõ trách nhiệm cao nhất và cuối cùng của Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế là ông Cao Minh Quang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.