Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có khắc phục được những vụ như SCB?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/01/2024 11:31 GMT+7

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, luật Các tổ chức tín dụng cũng đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết, trên cơ sở tính tự chịu trách nhiệm của ngân hàng.

Cuối sáng 18.1, ngay sau phiên bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo thông tin kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Tại họp báo, phóng viên Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: việc thông qua luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng; đặc biệt là ngăn chặn các vụ việc tiêu cực như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) như thế nào?

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có khắc phục được những vụ như SCB?- Ảnh 1.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến thông tin tại họp báo

GIA HÂN

Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vẫn còn 3 nội dung có ý kiến khác nhau, gồm: can thiệp sớm, hỗ trợ tiếp cận tín dụng với ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và các biện pháp kiểm soát đặc biệt.

Theo bà Yến, từ sau kỳ họp 6 tới kỳ họp bất thường thứ 5, cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã nghiên cứu, đề xuất phương án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều buổi họp, lắng nghe, cho ý kiến với các nội dung cụ thể.

Xem nhanh 12h ngày 18.1: Quốc hội thông qua luật Đất đai sửa đổi và luật Các tổ chức tín dụng

Do đó, các quy định tại dự thảo luật được thông qua, theo bà Yến, đã được đưa ra với tinh thần cẩn trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng các nguyên tắc kế thừa, đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật, đặc biệt là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các tổ chức tín dụng.

“Luật cũng đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết”, bà Yến thông tin.

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, luật bổ sung quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro để ngân hàng tiếp cận tốt với quản trị doanh nghiệp; các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ tổ chức tín dụng, nhất là quyền hạn của người quản lý, người điều hành, tổng giám đốc, tăng số lượng ban kiểm soát tại ngân hàng thương mại nhất là kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Bà Yến cho biết, những biện pháp này nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu của mỗi nhà băng trong nền kinh tế.

Ngoài ra, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, luật vừa thông qua cũng điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới hạn tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình.

Quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng được bổ sung, giúp tăng tối đa tính minh bạch thông tin liên quan tới sở hữu tổ chức tín dụng. Mặt khác, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được bổ sung nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, tổ chức tín dụng phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán.

Với các biện pháp can thiệp sớm, cho vay đặc biệt, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã xây dựng các quy định trên cơ sở tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn như tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án khắc phục trong trường hợp ở diện bị can thiệp sớm… để rủi ro mỗi ngân hàng không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

Các biện pháp kiểm soát nội bộ, giải pháp thanh tra kiểm tra, giám sát ngân hàng cũng được dự thảo luật hoàn thiện.

Trước đó, sáng 18.1, với 91,28% đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nội dung được sửa đổi rất căn bản, toàn diện và đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, luật sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chú trọng công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành; khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật về ngân hàng nhà nước, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.