Luẩn quẩn chia nhà hát thành đoàn cổ điển và đương đại

06/08/2019 06:18 GMT+7

Nhà hát Kịch VN vừa công bố quyết định đổi tên đoàn biểu diễn theo đúng chức năng, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phê duyệt trong đề án kiện toàn và phát triển .

Theo đó, hai đoàn diễn của nhà hát sẽ đổi tên thành Đoàn kịch Đương đại và Đoàn kịch Cổ điển, thay vì trước đó chỉ là Đoàn 1 và Đoàn 2.
Cách phân chia này khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ. Nếu căn cứ vào thời điểm sáng tác kịch bản, những kịch bản xưa cũ vẫn hoàn toàn có thể rất hiện đại nếu được dàn dựng theo phong cách mới mang phong cách đương đại. Còn nhớ, khi NSND Lan Hương dựng Hamlet cho Nhà hát Tuổi Trẻ, kịch bản kinh điển này đã có một vẻ hiện đại với cách dựng mà bà Hương gọi là hình thể. Vậy vở diễn đó có thể coi là cổ điển hay đương đại? Nếu căn cứ vào đề tài của vở diễn thì cách phân chia này càng trở nên khó khăn, khó thuyết phục hơn. Chẳng hạn, các vở diễn lịch sử thường vẫn bị coi là cổ điển, tuy nhiên nếu nó mang cách nhìn lịch sử mới mẻ thì liệu có thể coi đó là vở diễn đương đại được không? Vở diễn Tả quân Lê Văn Duyệt dàn dựng hồi năm 2012 đánh thẳng vào thói tham nhũng liệu có được coi là vở diễn đương đại hay không, hay sẽ bị “nhốt” vào khung cổ điển do có truyện xưa tích cũ?
Việc phân chia này, hơn thế còn ảnh hưởng tới cách phân bổ vở diễn và cơ hội phát triển nghề của diễn viên. Các nghệ sĩ, do được phân công, sẽ chỉ chuyên một kiểu vai diễn. Họ có thể bị “giam” vĩnh viễn vào những vở diễn với kịch bản kinh điển rất xưa, hoặc những kịch bản với vấn đề xã hội mới. Trong khi sự đa dạng sắc màu của một diễn viên là điều nghệ sĩ nào cũng đều hướng tới.
Khi vận hành, để công bằng, có thể nhà hát sẽ phải tính cách “chia cỗ” cho 2 đoàn sao cho đều. Điều đó khả thi hay không? Có thể, có thời điểm Nhà hát Kịch VN sẽ rất nhiều kịch bản tốt mà theo phân chia là cổ điển. Như vậy, dù tốt có thể nó vẫn sẽ phải nhường chỗ cho kịch bản đương đại nhưng không tốt bằng hay sao? Hoặc giả, cách dàn dựng một vở theo hướng hiện đại tuy sẽ tốt hơn nhưng lại phải theo lối cũ để cho có tính “mặt trận”?
Quan trọng hơn cả, cách phân chia này cho thấy một tư duy kỳ lạ khi thúc đẩy nghệ thuật. Nó không hướng tới sự đa dạng của các vai diễn cho từng diễn viên, cũng không hướng tới sự đa dạng trong chọn lựa đề tài và cách dàn dựng của đạo diễn. Điều đó mới thực sự đáng lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.