Lúa, trái cây đối mặt với khô hạn

Chí Nhân
Chí Nhân
26/02/2024 06:38 GMT+7

Nam bộ bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng, xâm nhập mặn gia tăng đang ảnh hưởng đến vựa lúa và cây ăn trái miền Tây.

Nông dân đứng ngồi không yên

Nắng nóng và khô hạn khiến lúa đang vào vụ thu hoạch lẫn sắp trổ bông đều gặp khó khăn. Ông Lâm Văn Hùng, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết gia đình vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân trên diện tích hơn 1 ha. Năm nay, mưa kết thúc sớm lại thêm nắng nóng gay gắt khiến năng suất lúa cũng giảm dù lượng phân bón đã tăng. May mắn là giá lúa dù giảm so với trước tết nhưng vẫn ở mức trên 8.500 đồng/kg nên vẫn đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, theo ông Hùng, khó khăn lớn ở khu vực này là thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Ngay cả các kênh mương cũng khô cạn nên việc vận chuyển lúa đi bán cũng khó khăn và tốn thêm chi phí.

"Nắng nóng khiến nền đất ruộng, kênh rạch bị co rút lại, thêm vào đó người dân khoan giếng lấy nước lên sử dụng. Hai yếu tố này kết hợp làm xảy ra tình trạng sụt lún mặt đất, đường giao thông khá phổ biến ở địa phương", ông Hùng cho biết.

Lúa, trái cây đối mặt với khô hạn- Ảnh 1.

Lúa đông xuân sớm ở các vùng ven biển miền Tây đã thu hoạch an toàn

Đình Tuyển

Ở vùng đầu nguồn, ruộng lúa nhà ông Nguyễn Minh Điền ở H.Thanh Bình (Đồng Tháp) hiện mới chuẩn bị trổ bông nhưng đối mặt với thời tiết năm nay bất lợi. Trước tết thì ngày nóng đêm lạnh khiến sâu rầy phát triển mạnh. Hiện nay nắng nóng gay gắt nên cây dễ bị bệnh cháy lá. Vì vậy, vụ đông xuân năm nay "nặng" tiền phân thuốc hơn rất nhiều so với những vụ trước. "Chi phí đầu tư vụ này có thể tăng thêm từ 500.000 - 800.000 đồng/ha trong khi năng suất có thể giảm 20%. Từ sau tết đến nay, giá lúa liên tục giảm khiến tôi và nhiều bà con nơi đây đứng ngồi không yên", ông Điền lo lắng.

Nhiều nhà vườn ở Bến Tre cũng lo lắng cho những loại cây trồng mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Tình trạng nắng nóng và khô hạn làm cho sầu riêng vụ nghịch năng suất giảm còn sầu riêng chính vụ hoa ít. Chưa kể nắng nóng khiến lá cây bị cháy sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, còn dưới đất thì nguy cơ xâm nhập mặn chực chờ. Để đối phó thời tiết bất lợi, các chủ vườn đã tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Bên cạnh đó là giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

Tìm cách thích ứng lâu dài

Dù El Nino là hiện tượng có tính chu kỳ 4 năm một lần nhưng theo các chuyên gia, năm 2024 là một năm đặc biệt vì xảy ra hiện tượng El Nino nên khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đưa về. Nhưng nguồn nước này đang bị chi phối rất nhiều từ các đập thủy điện thượng nguồn và gần đây là các dự án chuyển nước ở một số quốc gia như Thái Lan hay Campuchia. Do đó, về lâu dài nguồn nước đối với ĐBSCL là một thách thức lớn cần có định hướng ứng phó và thích ứng phù hợp.

Lúa, trái cây đối mặt với khô hạn- Ảnh 2.

Nông dân ĐBSCL vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân

Công Hân

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN, nhận xét: Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch ứng phó sớm và phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ngay từ cuối năm ngoái khi giá lúa đang cao, nhiều nông dân và địa phương muốn mở rộng diện tích nhưng với những thông tin cảnh báo sớm bộ đã yêu cầu các địa phương giảm diện tích. Toàn vùng ĐBSCL gieo sạ trên diện tích 1,475 triệu ha, giảm 3.690 ha. Đây là sự chủ động thích ứng phù hợp để giảm thiệt hại vì thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, sự chủ động này vẫn mang tính mùa vụ. Để phát triển nông nghiệp bền vững cần có những chính sách dài hơi hơn.

"Phải làm gì, làm như thế nào để phù hợp với tự nhiên, cần phải có sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của nền nông nghiệp VN trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Thái Lan, nước chịu tác động của nắng nóng và khô hạn mạnh hơn và cũng là đối thủ chính của nông nghiệp VN, đầu tư cho khoa học rất tốt và có kế hoạch chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu", GS Bửu nói.

TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, thông tin: ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước với hơn 389.000 ha. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bão lụt với tần suất ngày càng nhiều. Đợt hạn mặn năm 2015 - 2016, ĐBSCL có hơn 9.400 ha trồng cây ăn quả bị thiệt hại với các mức độ khác nhau.

Trước thực trạng trên, Viện đã nghiên cứu các giải pháp phòng chống hạn, mặn trên cây ăn quả nói chung, đặc biệt là cây sầu riêng. Theo đó, để ngành rau quả phát triển bền vững thì cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực. Từ đó quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi, xây dựng đập ngăn mặn theo từng vùng. Tiến tới quy hoạch lại vùng trồng thích hợp.

Bên cạnh đó, đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra cần tăng cường quản lý nước tưới và sử dụng nước tưới, nên có hạn mức nước tưới trên một diện tích đất cần tưới cho từng loại cây, trên từng vùng đất.

"Chúng ta cũng cần tăng nguồn dự trữ nước mặt để cung cấp nước trong mùa khô ở quy mô và cấp độ khác nhau. Bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kênh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới. Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu. Tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm nước, không lãng phí nước, sử dụng nước hiệu quả. Các nhà khoa học cần nghiên cứu ứng dụng các hệ thống tưới, thiết bị tưới, chế độ tưới thích hợp cho từng vùng, từng giống cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng nước. Đối với công tác giống, cần nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với điều kiện hạn, mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu", TS Thoại khuyến cáo.

Giảm diện tích lúa, xuống giống sớm né hạn mặn

Vụ đông xuân 2023/2024, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ 1,475 triệu ha, giảm 3.690 ha, năng suất ước đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn, giảm 20.000 tấn so với cùng kỳ. Vùng ven biển xuống giống sớm từ cuối tháng 10 với diện tích khoảng 375.000 ha còn đợt xuống giống chính kéo dài trong tháng 11 khoảng 700.000 ha. Đợt cuối khoảng 400.000 ha trong tháng 12.2023. Trả lời Thanh Niên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nói: "Nhờ có hệ thống thông tin cảnh báo sớm và chúng ta đã chủ động ứng phó như xuống giống sớm nên đến thời điểm hiện tại dù khô hạn, xâm nhập mặn đang vào cao điểm nhưng chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ các địa phương về tình hình thiệt hại. Đối với phần diện tích lúa đông xuân sớm thì đến thời điểm này bà con đã và đang thu hoạch nên chúng ta có thể yên tâm. Việc xuống giống sớm tạo cơ hội tận dụng nguồn nước để cuối vụ không bị hạn, đồng thời tận dụng cơ hội giá tốt.

Các đợt xâm nhập mặn sắp tới

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - 3.2024. Cụ thể liên quan trực tiếp tới các đợt triều cường từ ngày 10 - 13.2; đợt từ ngày 22 - 27.2 và đợt từ ngày 7 - 12.3. Riêng đối với các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn cao điểm xâm nhập mặn vào tháng 3 - 4.2024; cụ thể có một số đợt vào kỳ triều cường từ ngày 7 - 12.3, từ ngày 22 - 27.3, từ ngày 7 - 12.4 và đợt từ ngày 21 - 26.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.