Lửa nhân ái vẫn đượm nồng và lan tỏa

26/03/2022 06:55 GMT+7

418 tác phẩm tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do báo Thanh Niên tổ chức là 418 câu chuyện đẹp, cảm động về những tấm gương luôn hết mình trong công việc thiện nguyện, giúp những mảnh đời cơ cực vượt lên số phận. Nhờ đó mà lửa nhân ái vẫn lan tỏa mỗi ngày...

Chiều 25.3, tại TP.HCM, cuộc thi viết Sống đẹp lần 1 với tổng số tiền thưởng 260 triệu đồng do báo Thanh Niên tổ chức đã khép lại bằng buổi lễ tổng kết và trao giải long trọng, đồng thời tiếp tục mở ra hành trình mùa 2 với nhiều nội dung thi hấp dẫn, nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2022).

Trong mùa đầu tiên, 418 tác phẩm dự thi là 418 câu chuyện về những con người đã cống hiến hết mình để mang lại những điều tốt lành cho các mảnh đời bất hạnh, cho cộng đồng và môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh, không ai giống ai, nhưng đều lan tỏa mạnh mẽ nghị lực sống và năng lượng tích cực.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên (trái) và nhà văn Trầm Hương (phải) trao giải cho tác giả Dương Châu Giang (giải nhì), Kem Ly (giải nhất) và đại diện tác giả Mai Đức Trung (giải nhì) - từ trái qua

Đào Ngọc Thạch

Buổi lễ có sự tham dự của nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên - Trưởng ban tổ chức cuộc thi; nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập; nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Tổng thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên; cùng lãnh đạo của các thương hiệu đồng hành: ông Hồ Song Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á; ông Lê Hùng Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn One IBC; đại diện Ban giám khảo là nhà văn Trầm Hương, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, và các khách mời.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng (phải) – Tổng thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên và ông Lê Hùng Anh – Tổng giám đốc Tập đoàn One IBC (trái) trao giải cho tác giả Việt Ngô (giải ba) và đại diện tác giả Lê Văn Hiến (giải khuyến khích)

Đào Ngọc Thạch

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: “Trong thời điểm đầy khó khăn của người dân TP.HCM nói riêng, người dân Việt Nam nói chung khi đại dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt, những bài dự thi Sống đẹp và những nhân vật “Phật giữa đời thường” như ngọn lửa ấm áp soi chiếu những ngày buồn, mang đến cho mọi người niềm tin yêu cuộc sống, niềm tin về tình người, về những giá trị thiêng liêng ở cuộc đời này, gắn kết con người với nhau, cùng nương nhau vượt qua đau thương dịch bệnh. Các nhân vật sống đẹp trong cuộc thi cũng là tấm gương sáng để mọi người, nhất là giới trẻ, soi vào đó học hỏi, hình thành nhân cách, lối sống, qua đó góp phần xây dựng xã hội nhân văn hơn, đẹp hơn, nghĩa tình hơn. Âu đó cũng là giá trị cốt lõi cuộc thi Sống đẹp hướng tới và đạt được”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hùng Anh cho rằng: “Từ xưa đến nay, đạo lý truyền thống 'Thương người như thể thương thân' của dân tộc ta luôn được các thế hệ gìn giữ, vun bồi và tiếp nối. Lịch sử vẫn còn kể mãi về những tấm gương sống đẹp của những người hùng nhỏ tuổi khi Tổ quốc cần là ra trận, như: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, chàng Lía, anh Kim Đồng… Ngày nay, trong thời bình, cuộc chiến với Covid-19, bên cạnh những gam màu u ám do đại dịch, còn đó rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người và sự nhân văn cao cả, góp phần truyền cảm hứng đến những người trẻ để ngày càng có thêm nhiều con người vừa có tài, vừa có đức, biết hy sinh vì người khác như câu nhắn nhủ của nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Đẹp mãi những tấm lòng, cuốn sách tuyển chọn những bài viết từ cuộc thi Sống đẹp do NXB Trẻ và báo Thanh Niên phát hành

Đào Ngọc Thạch

Những nhân vật “Phật giữa đời thường”

Buổi lễ diễn ra vô cùng xúc động với sự xuất hiện của các nhân vật Sống đẹp. Bà Nguyễn Thị Phương (79 tuổi), nhân vật trong bài viết Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn, cho biết tuy không còn nấu chính 2-3 năm nay nhưng bà là người giữ lửa cho bếp ăn từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10 (Q.3, TP.HCM). Từ năm 1995, vừa nấu cơm nuôi trẻ mồ côi, bà Phương còn trích thêm tiền thương binh của chồng và tiền các con cho hằng tháng để mua thêm gạo, dầu ăn cho những gia đình đặc biệt khó khăn và người già neo đơn sống gần nhà. Bà cũng chia sẻ thêm tin vui rằng: “Chúng tôi vừa mở thêm 6 bếp ăn ở các tỉnh miền núi, gồm 2 bếp ăn ở trường dân tộc thiểu số và 4 bếp ăn ở bệnh viện dân tộc thiểu số”.

Nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên, trao kỷ niệm chương và quà tặng cho nhân vật Nguyễn Thị Ngọc Tâm (bài Lớp học “5 không” của cô giáo xương thủy tinh)

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch (nhân vật trong bài Cha Tịch thai nhi) cho biết: “Đã là con người thì sống hay chết cũng cần đối xử như nhau… Khi đi tới các phòng khám, bệnh viện, tôi xin và muốn đón nhận, đưa các thai nhi, các em nhỏ bất hạnh về chôn cất, đơn giản vậy thôi…”.

Xúc động trước nghĩa cử này, nhà văn Trầm Hương cũng bày tỏ sự quan tâm hơn dành cho các thai phụ: “Có cách nào đó để các cô gái lỡ lầm không có điều kiện sinh con có nơi tạm lánh, và chúng ta có thể vận động thêm những cánh tay để nối dài sự sẻ chia, giúp đỡ…”. Theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch, “Chôn cất thai nhi hay an ủi những người phụ nữ chỉ là phần ngọn của vấn đề. Vậy nên với việc làm sao để cứu các thai nhi còn trong bụng mẹ, cùng với nghĩa trang cho thai nhi, chúng tôi cũng mở ngôi nhà tạm lánh dành cho những người phụ nữ đang mang thai, tạo cho họ sự bình an để vượt cạn cũng như sau đó giúp họ trở lại hội nhập cuộc sống. Ngay hôm nay trên đường đi đến dự buổi lễ này tôi nhận thông báo có người chuẩn bị sanh. Lúc dịch bệnh vừa rồi mới là khó khăn nhất vì không ai ra ngoài được, tôi làm linh mục mà đưa các bà bầu đi sanh nên nhiều người cũng hơi ngạc nhiên, thắc mắc…”.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng và ông Hồ Song Ngọc – Tổng giám đốc Tôn Đông Á trao kỷ niệm chương, tặng thưởng cho nhân vật Nguyễn Thị Phương và linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch

Đào Ngọc Thạch

Lắng nghe những câu chuyện người thật việc thật đượm lửa nhân ái, ông Hồ Song Ngọc chia sẻ: “Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, chinh phục thị trường trong và ngoài nước bằng sản phẩm chất lượng cao, Tôn Đông Á cũng rất quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện, chăm lo đời sống tinh thần của người dân, thể hiện trách nhiệm một doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Từ che chở vật chất đến che chở tinh thần, bằng những nỗ lực lan tỏa yêu thương, khi được đồng hành cuộc thi viết Sống đẹp lần 1, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào vì sự thành công và những giá trị nhân văn mà chương trình mang lại. Chúng tôi quyết định đồng hành với báo Thanh Niên trong cuộc thi viết Sống đẹp lần 2, cũng là hành động thiết thực để vinh danh những tấm gương tốt, nhiều hành động đẹp, biết sống vì mọi người như slogan Cùng xây cuộc sống xanh của Tôn Đông Á”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn (trái) trao hoa cảm ơn cho lãnh đạo hai thương hiệu đồng hành với cuộc thi

Đào Ngọc Thạch

Sống đẹp lần 2 có thêm hạng mục truyện ngắn

Tiếp nối thành công của cuộc thi viết chủ đề Sống đẹp lần 1, báo Thanh Niên chính thức phát động cuộc thi viết Sống đẹp lần 2 với sân chơi mới thú vị, ý nghĩa cho bạn đọc thể hiện khả năng viết lách đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những gương sáng đời thường, người thật, việc thật, người tốt, việc tốt ngay chính nơi mình sinh sống hoặc tình cờ biết đến ở khắp mọi miền Tổ quốc. Thể lệ được ban tổ chức cuộc thi bổ sung thêm hạng mục Sáng tác truyện ngắn, với tổng giải thưởng hơn 355 triệu đồng.

12 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết Sống đẹp lần 1

Giải nhất (30 triệu đồng): Những người đem cả gia tài “đổ xuống biển” của tác giả Kem Ly.

2 giải nhì (15 triệu đồng/giải): Ngồi hát giữa cuộc đời (Dương Châu Giang); Lê Hữu Nam và trái tim không tật nguyền! (Mai Đức Trung).

3 giải ba (10 triệu đồng/giải): Susanne - “bà Tây từ thiện” với trái tim nhân ái (Nguyễn Văn Lực); Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn (Nhật Linh); Bông hoa đẹp giữa cuộc đời (Việt Ngô).

5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải): Biến nỗi đau sau tai nạn thành hành động sẻ chia (Lê Văn Hiến); Người “thổi tù và” trên rẻo cao Tây Bắc (Phạm Thị Yến); Cha Tịch thai nhi (Bùi Thuận); Trái tim người ở núi (Lộc Vừng); Sự tử tế thầm lặng giữa đêm khuya (Phạm Thị Mỹ Nhung).

Bài viết được yêu thích nhất (bài có số lượt xem và lượt like cao nhất trên Thanh Niên Online) (5 triệu đồng): Cưu mang mẹ con người phụ nữ tâm thần bằng lòng nhân ái (Hương Ly).

Ban tổ chức cuộc thi cũng đã lựa chọn và đặc biệt vinh danh 5 nhân vật tiêu biểu (mỗi nhân vật được ban tổ chức trao phần tặng thưởng trị giá 30 triệu đồng) trong các tác phẩm: Lớp học “5 không” của cô giáo xương thủy tinh (Thái Bình); Cha Tịch thai nhi (Bùi Thuận); Susanne - “bà Tây từ thiện” với trái tim nhân ái (Nguyễn Văn Lực); Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn (Nhật Linh); Cụ ông 100 tuổi giúp đời không mệt mỏi (Thiên Lộc).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.