Louis Vuitton gặp rắc rối giữa tâm bão scandal của Michael Jackson

29/03/2019 11:00 GMT+7

Bộ sưu tập nam Thu Đông 2019 của Louis Vuitton lấy cảm hứng từ huyền thoại nhạc pop đã sớm 'khai tử' các thiết kế khi phim tài liệu Leaving Neverland cáo buộc ca sĩ Michael Jackson lạm dục tình dục trẻ em.

Theo Daily Mail, chỉ vài hôm sau khi những thước phim được phát sóng, Paris Jackson, con gái Michael Jackson, đã xuất hiện trước công chúng. Cô kéo mũ len che mặt và lắc đầu trước những câu hỏi của phóng viên về scandal ấu dâm của cha mình. Kế tiếp, nhiều kênh radio quốc tế quyết định ngừng phát nhạc của siêu sao quá cố. Trang trại Neverland Ranch (Xứ sở thần tiên) của Michael Jackson sụt giá thảm hại trên thị trường bất động sản. Ngay cả thế giới thời trang cũng không thoát khỏi vòng xoáy tồi tệ này khi thương hiệu đình đám Louis Vuitton và tâm huyết của nhà thiết kế Virgil Abloh như “đổ sông đổ bể” sau khi trình làng bộ sưu tập Thu Đông 2019, lấy cảm hứng từ chính phong cách ăn mặc của ông hoàng nhạc pop này.

Leaving Neverland cáo buộc ca sĩ quá cố Michael Jackson có hành vi lạm dục tình dục trẻ em Ảnh: RERO
Bộ sưu tập của Virgil Abloh cho thương hiệu xa xỉ của Pháp gây tranh cãi trong cộng đồng giữa lợi nhuận và tính nhân văn, khiến các ông lớn của Louis Vuitton phải ra tay hành động để cứu vãn vị thế nhãn hàng. Một mặt họ can đảm khai tử các thiết kế kỳ công của mình ra khỏi sàn diễn và thị trường, một mặt lên án quá khứ tăm tối của Michael Jackson vừa bị bóc trần ở Liên hoan phim Sundance. Riêng nhà thiết kế Virgil Abloh chân thành thanh minh “mình vô tội”, vì anh không biết tí nào về những gì có trong Leaving Neverland trước khi phác họa thiết kế cho bộ sưu tập.

Với những nhà sáng tạo nghệ thuật, nguồn cảm hứng đến từ những thần tượng lịch sử lúc nào cũng như con dao hai lưỡi, vừa bi hài vừa nghiệt ngã. Cuộc đời của Attila, Hitler hay nhân vật Hannibal có thể thổi bùng lên những gì gọi là điểm nhấn của nghệ thuật, nhưng lại sẽ dễ dàng giết chết sản phẩm khi chúng bị soi ở khía cạnh nhân văn. Giờ đây, bộ sưu tập nam năm thứ hai của Virgil Abloh, Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trả lời phỏng vấn trước show diễn tháng 1 vừa qua ở Paris, anh đã say sưa nói về thần tượng thời thơ ấu Michael Jackson của mình, như một hình tượng gì đó cao hơn cả một nghệ sĩ giải trí tuyệt vời thuần túy. Từ hứng khởi ấy, Abloh chấm Michael là nhân vật đổi mới quan trọng nhất trong lịch sử trang phục nam và anh thả hồn bay bổng vào đấy với sức sáng tạo đáng nể phục, mãi cho đến khi Leaving Neverland lan ra. 

Nhà thiết kế Virgil Abloh đang gặp rắc rối giữa tâm bão scandal của Michael Jackson Ảnh: RERO

Thời gian gần đây, theo đánh giá của tờ New Yorker, Virgil Abloh là ngôi sao thiết kế trang phục nam lớn nhất đế chế thời trang hiện đại, làm lu mờ các tên tuổi như Alessandro Michele, Demna Gvasalia hay Craig Green. Thế nhưng Leaving Neverland đã phá đổ hết những công sức của nhà thiết kế thời trang người Mỹ, giám đốc thiết kế ngành hàng thời trang nam cho thương hiệu Louis Vuitton từ tháng 3.2018. Louis Vuitton đã có động thái dừng lại khi nhận ra rằng vinh danh sai thần tượng là sự báng bổ xã hội và Virgil Abloh cũng đưa ra tuyên bố đanh thép: “Tôi nghiêm khắc lên án bất kỳ hình thức lạm dụng, bạo lực hoặc xâm phạm trẻ em nào đối với quyền con người”. 

Xét về hình thức, bộ sưu tập theo chủ đề Jackson cũng có thể được xem là một nỗ lực để nắm bắt thị trường. Thật vậy, những lá cờ bằng da Abloh dùng làm biểu tượng trên dòng túi xách đắt tiền của mình cũng có chiếc mang cờ bang Jackson sinh sống, Indiana. Bộ sưu tập còn bao gồm những chiếc áo khoác đính sequin thể hiện trang phục sân khấu rực rỡ hoành tráng của Michael Jackson, trong khi chiếc áo thun phông có in hình đôi chân đi giày đế mềm kèm đôi tất trắng tỏ lòng trân trọng những bước nhảy thần kỳ của ông. Ngoài ra, còn có một loạt các kỹ thuật kéo vải đa lớp mang sắc thái xám, áo khoác ngoài được trang trí kiểu chữ lồng LV (Louis Vuitton) nổi tiếng, cộng với áo sơ mi, áo len và trenchcoat có in cờ các tiểu bang nước Mỹ.

Bộ sưu tập thời trang nam Thu Đông 2019 của Louis Vuitton Ảnh: RERO

Giữa cơn bão thị phi, Michael Burke, chủ tịch và giám đốc điều hành hãng cho biết: “Chúng tôi đã nhận ra những cáo buộc đầy rắc rối và đáng lo ngại được tìm thấy trong bộ phim tài liệu Leaving Neverland. An toàn và phúc lợi cho trẻ em là vô cùng quan trọng đối với Louis Vuitton. Chúng tôi cam kết ủng hộ tính nhân văn cộng đồng này”. Có vẻ như ngành công ngiệp thời trang nay đang sẵn sàng hi sinh lợi nhuận vì cộng đồng. Các phong trào PETA, Me Too và các bài học từ Dolce Gabbana hoặc Zara ở Trung Quốc ít nhiều đã hằn rõ điểm sáng này nơi giới thiết kế thời trang.

Louis Vuitton là cái tên mới nhất gặp rắc rối khi phải gấp rút giải quyết tranh cãi xung quanh các sản phẩm của mình, đến từ áp lực bị phản ánh mạnh mẽ của giới tiêu dùng cao cấp trong thời đại truyền thông xã hội, xoáy vào các vấn đề nhạy cảm chưa biết đúng sai tới đâu. Gucci tháng trước đã phải huy động chất xám để đưa ra một loạt sáng kiến nhằm cân bằng lại cuộc cách mạng đa văn hóa và nhận thức trong toàn bộ tổ chức và hoạt động của công ty trên toàn cầu, sau những cáo buộc từ dư luận cho rằng áo len kiểu Balaclava của họ dễ gợi lên khuôn mặt người dùng toàn là da màu. Trong khi đó, Prada thú nhận họ đã đành phải “chuyển công tác” một số thành viên trong hội đồng tư vấn nghệ thuật của công ty, sau khi bị đối mặt với cáo buộc trực tuyến rằng các bức tượng và linh vật cầu may trông giống như hình động vật trưng ở chuỗi cửa hàng của hãng gợi lên trong con mắt người xem toàn khuôn mặt da màu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.