Lớp học ở 'phố chị Dậu'

06/03/2015 05:05 GMT+7

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, họ đã vượt lên bao khó khăn thường nhật để tìm đến 'phố chị Dậu' bên sông Cửa Tiền (P.Vĩnh Tân, TP.Vinh, Nghệ An), đem chữ đến cho những trẻ em nghèo.

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, họ đã vượt lên bao khó khăn thường nhật để tìm đến "phố chị Dậu" bên sông Cửa Tiền (P.Vĩnh Tân, TP.Vinh, Nghệ An), đem chữ đến cho những trẻ em nghèo.

Lớp học trong những cái chòi tạm bợ ven sông của các sinh viên tình nguyện - Ảnh: Phan NgọcLớp học trong những cái chòi tạm bợ ven sông của các sinh viên tình nguyện - Ảnh: Phan Ngọc
Chúng tôi đến với khu phố bên bến sông Cửa Tiền. Hầu hết người dân ở đây đều đến từ nhiều miền quê khác nhau, sống tạm trên thuyền hay dựng chòi tạm bợ bên bờ sông sinh sống mưu sinh.

Bám lấy học trò

Con đường để đến với “phố chị Dậu” nhầy nhụa bởi mấy ngày mưa phùn rét mướt. Những đứa trẻ trong xóm im lìm, ngồi co ro trong những căn nhà nổi trống trơ trên sông. Nói là xóm nhưng thực chất chỉ có 7 hộ dân sống trong những mái chòi bằng tranh xập xệ chưa tới 15 m2. 

“Hôm nay trời lạnh nên nhiều đứa không phải theo bố mẹ đi làm, chứ bình thường thì bọn mình phải cử một vài bạn tới tranh thủ dạy vào buổi trưa để buổi chiều các em còn đi làm với bố mẹ”, Thái Thị Oanh, sinh viên Trường ĐH Vinh vừa nói.

Cái sự “vừa học vừa hành” của các em nhỏ ở đây dường như chỉ dừng lại ở mức xóa mù chữ mà thôi, điều kiện gia đình không cho phép các em theo đuổi giấc mơ cao xa. Riêng chuyện vận động để các em tới học cũng rất khó khăn vì không thể bỏ làm. Các bạn sinh viên thường phải đến tận nhà để dạy. 

Là người đứng ra vận động bạn bè dành thời gian rảnh để tìm đến dạy chữ cho trẻ em nghèo, suốt 1 năm từ lúc bắt đầu tổ chức lớp học cho đến nay, Oanh vẫn chưa nghỉ một buổi nào. Oanh cho biết những hộ dân ở đây rất khó khăn, mới 11 tuổi đã phải theo bố mẹ mưu sinh kiếm sống rồi. Đứa theo bố đi thả lưới đánh cá, đứa theo mẹ ra chợ bán hàng, có đứa lại rong ruổi khắp nơi đi đánh giày, bán vé số… nên sợ nhất là khi tới dạy mà các em lại đi làm hết là coi như trắng tay.

Không gian yên tĩnh chỉ bị phá vỡ khi lớp học được bắt đầu, trong căn phòng nhỏ chưa đến 15 m2 nhưng có đến gần 30 người cả “thầy” lẫn trò. Mái chòi quá thấp nên không thể sử dụng tới bàn ghế được, các bạn phải tìm các tấm ván kê lên làm bàn, sàn nhà làm ghế ngồi. Mỗi “giáo viên” dạy kèm cho một học sinh, nhưng cũng có lúc 2, 3 “giáo viên” kèm 1 vì các em đi làm chưa về kịp.

Các “thầy cô” ân cần chỉ dạy các em nhỏ, xoa mái tóc, nựng đôi má những cô cậu học trò thân yêu của mình như những người anh, người chị yêu thương em út. Hồ Hữu Ngọc, sinh viên Trường ĐH Vinh, không giấu vẻ hào hứng: “Thấy các em nghèo nhưng hiếu học, cả nhóm dường như quên hết mệt nhọc. Bọn mình vừa dạy, vừa động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường. Đến với mấy em, mình cảm thấy thời gian trở nên quý giá và không vô ích nữa”.

“Cô ơi... em phải đi làm”

Lớp học với đủ thành phần, từ 3 tuổi đến 15 tuổi. Nhiều bạn còn phải kiêm luôn chức “giáo viên mầm non” vì 1 số em còn quá nhỏ, nhưng cái khó nhất vẫn là việc các em phải đi theo bố mẹ để làm việc mưu sinh nên rất khó để dạy.

“Nhiều hôm bọn mình tới nhưng tụi nhỏ đi làm hết, đợi mãi không thấy ai về. Những ngày mưa gió thì rất cực vì những cái chòi vừa nhỏ vừa hư nát cả rồi nên hễ mưa là bị ướt hết. Mỗi lúc mưa kéo dài, không có địa điểm để dạy nên phải nghỉ, rất lo cho các em”, Vũ Thị Tâm , sinh viên Trường ĐH Vinh tâm sự.

Giờ học đang tiếp tục thì nghe tiếng lạch cạch soạn đồ từ phía ngoài, Hùng (13 tuổi) vội đứng dậy: “Cô ơi, em phải đi làm”. Nói xong, Hùng vội vã gấp sách vở lấy đồ trèo sang thuyền theo cha đi đánh cá. 

Ngoài giờ lên lớp ban ngày, nhiều đêm, các tình nguyện viên còn tới đây tranh thủ dạy các em học bài, nhất là những lúc ôn thi học kỳ. Nhiều lần trời khuya, kèm mưa to, nước lũ ở thượng nguồn đổ về nên họ đành phải ngủ lại chờ đến sáng mới về.

“Mấy căn nhà chòi ở đây xuống cấp lắm rồi, mặc dù bọn mình đã rất nhiều lần đến để cùng sửa chữa lại nhưng cũng chỉ được ít bữa. Chúng mình đang vận động quyên góp xây một ngôi nhà kiên cố để các em có chỗ học thoải mái hơn, nhưng kinh phí quá lớn… không biết bao giờ mới thực hiện được”, Oanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.