Lớp học lúc thủy triều lên

08/03/2007 21:41 GMT+7

Lớp có 39 học sinh, "ém" trên 10 cái bàn gỗ cũ kỹ được kê trước hiên nhà một ông lão mù chữ. Lớp không có giờ học cụ thể, thầy giáo phải canh đúng lúc thủy triều lên là đến, ở đó những đứa nhỏ cắp tập đi học chữ i, chữ tờ.

Tại đó, có anh lính biên phòng lặng lẽ gieo cho chúng những mầm chữ đầu tiên. Vì lớp học theo con nước lớn, nên nhiều người dân ở đây gọi nôm na là "lớp học... lúc thủy triều lên".

Bên phải lớp 1, bên trái lớp 4 !

Đúng hẹn, hai giờ chiều tôi đến. Thầy đang cho nhóm bên tay trái lớp học đọc theo một bài đọc của chương trình lớp 4, còn nhóm phía tay phải, các em nhỏ bập bẹ vỡ lòng lớp 1. Trung úy Đào Minh Nam (31 tuổi), Đồn biên phòng 664, Nhà Mát, Bạc Liêu khoe: "Hổm rày trời bão, lớp học tạm giải tán. Nhưng khi tập trung lại thì các em đi học không vắng em nào. Có một số đứa lẹt đẹt lớp 1 còn phần lớn đã "đeo" tới lớp 4 rồi đó".

Lớp học được tổ chức trước hiên nhà của ông lão Lý Khél, tuy còn lụp xụp nhưng vẫn được coi là khang trang nhất làng cá nằm cặp bên con đê phòng hộ ven biển Đông. Tại đây, hàng chục hộ dân gần như sống biệt lập với thế giới chữ nghĩa. Không còn đất canh tác, họ kiếm ăn chủ yếu bằng nghề mò cua, bắt ốc ven bãi cạn, lúc nhật triều xuống. Nghèo khó, từ cụ già đến đứa bé lên 5, lên 6 ở đây cũng phải ra biển. Đến lúc cua, ốc không còn nhiều, họ dùng lưới mành vớt ấu trùng cua để đem bán cho các trại giống. Trẻ con, người lớn đều quần quật trên bãi, bận bịu mưu sinh, nên một thời gian dài, việc học hành, trường lớp đối với xóm này là chuyện ở đâu đó xa vời. Ông Lý Khél nói: "Thời gian trước, xã cũng có đưa mấy thầy cô giáo xuống dạy cho tụi nhỏ, mượn nhà ở gần đó. Nhưng chỉ được một thời gian, tụi nhỏ không đi học nữa, vì bận đi kiếm ăn nên trường cũng tan theo".

Độ 3 năm trước đây, khi trung úy Nam về xóm để điều tra dân số, anh lính trẻ giật mình khi đi cả xóm chẳng thấy ai biết... ký tên. Ban đầu, anh dạy cho một vài người cầm viết, chí ít là nắn nót được tên của mình. Thế nhưng càng đi sâu vào, số người mù chữ càng quá đông. Thế là đề xuất một lớp học xóa mù của anh cán bộ biên phòng được Ban chỉ huy đồn và chính quyền địa phương ủng hộ. Phòng Giáo dục thị xã cho tập viết, xã Vĩnh Trạch Đông đầu tư 10 cái bàn gỗ. Nam cho biết, cực nhất là những ngày đi vận động. Đi một vài nhà là gặp một... sòng nhậu, đôi khi có vài ba cốc rượu anh mới nhận được cái gật đầu chịu đến lớp. Có những gia đình cả nhà đều rủ nhau đi... xóa mù chữ. Nhưng cũng cơ khổ lắm mới thành công. Tỷ như chuyện "thầy" đang giảng trên bảng, phía dưới lại có giọng ông nào chỏi lên: "Đi về nấu cơm, đàn bà học vậy được rồi". Cũng có khi giữa lớp học có tiếng... em bé khóc. Hóa ra một chị nào đó tranh thủ ẵm con còn bú đến lớp học. Ấy vậy mà sau 3 tháng, dân làng cá đã có nhiều người biết đọc, biết cộng trừ số tiền gạo mắm hằng ngày. Dĩ nhiên, họ đã biết... ký tên.

Thầy phải ra biển gọi học trò về học

Nam nhớ lại: lúc dạy lớp xóa mù, rất nhiều đứa trẻ sau khi đi biển về cũng chạy lại ngồi nghe. Hỏi ra mới biết, hầu hết các em đều cũng không được đến trường. Thế là một lớp học phổ cập được mở ngay sau khi lớp xóa mù kết thúc. Nói thì đơn giản thế, nhưng để được buổi học đầu tiên, Nam phải một phen nữa đi vận động xin tập vở đến quần áo. Không ít em có duy nhất bộ đồ rách, đi biển ướt, không có gì mặc để đến lớp. Tuy giờ giấc có "linh động" nhưng những buổi đầu các em vẫn cứ "quên". Có bữa đi vớt không có cua, các em nán lại ở bãi để hy vọng kiếm đủ tiền về mua gạo. Vậy là thầy lại phải lội ra biển để réo từng đứa vào học. Lớp học thường bắt đầu khi có đầy đủ học sinh, có lúc bắt đầu từ tờ mờ sáng và cũng có khi bắt đầu lúc trời đã sụp tối.

Và thế là thầy và trò quấn quýt nhau, từ những con chữ vỡ lòng còn xa lạ, giờ đây các em đã đọc, viết lưu loát, đã biết làm những phép toán đơn giản. Đào Minh Nam tâm sự: "Nhiều lúc mình bận phải đi công tác xa, lúc về thấy người mặc áo lính từ xa là chúng chạy ùa ra đón. Bây giờ, trong mắt bà con, "thầy Nam" như là một cư dân của làng cá. Mà không vậy sao được khi thấy trò mặc áo rách, Nam lại đi xin quần áo đem về cho; khi khác là những bao muối i-ốt, có bữa là viên kẹo, là bột nêm..." - tất cả Nam đều vận động từ các mạnh thường quân.

Nam nói, có nhiều em hoàn cảnh rất đáng thương. Như đứa trẻ mặc quần cụt ngồi ở góc bàn tên Lý Mạnh học rất chăm chỉ. Vì khó khăn, cha mẹ em phải qua tận Campuchia làm ăn, rồi bỏ thân nơi xứ người. Mới 14 tuổi, nhưng đã 5 năm Mạnh đi mò cua nuôi bà ngoại 83 tuổi mù lòa, trong một căn chòi ở đậu người hàng xóm. Như Lý Thị Diễm, 6 tuổi, đã phải đi ra biển bắt cua kiếm gạo từ lúc... lên 5 tuổi. Như Thạch Ul, 12 tuổi, cha mẹ bỏ đi Campuhia, giờ phải ở trong căn chòi bên triền đê, em không biết rồi sẽ phải ở đâu vì đất trên đê không được ở lâu dài.

Nhá nhem tối. Lúc chạy xe về qua triền đê, Nam băn khoăn với tôi: có nhiều đứa học trò nói với anh nó muốn học tiếp, học cao, học để đi làm việc, để thoát cái cảnh mò cua bắt ốc cả đời trên bãi cạn. Nam nói, khả năng anh chỉ có thể cố gắng duy trì "lớp học" đặc biệt này cho các em biết đọc biết viết. Còn tiếp sức cho những đứa trẻ từ tuổi thơ đã sớm tần tảo, để có ý chí vươn lên, cũng như hàng trăm con người lam lũ ở làng cá này thì đó là chuyện ngoài tầm tay của anh lính trẻ.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.