Lớp học hai người

30/10/2022 18:00 GMT+7

Lớp bắt đầu khoảng bốn năm và không biết bao giờ sẽ kết thúc. Nhà cô ở cù lao Phú Tân, một cù lao nằm giữa hai con sông lớn: sông Tiền và sông Hậu và con sông Vàm Nao nối hai dòng sông ấy. Nhà trò ở Tây Ninh , cách nhà cô mấy trăm cây số.

Học trò chưa một lần đến An Giang quê cô, cô cũng chưa đến nhà trò ở Tây Ninh.Vậy dạy và học bằng cách nào? Học online ngay từ khi dịch Covid còn chưa xuất hiện trên thế giới này. Vậy mà lớp học vẫn diễn ra suôn sẻ hơn bốn năm nay và trò không biết bao giờ mới tốt nghiệp bởi mỗi bài học như một câu chuyện nhỏ trong truyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm. Bài học này kết thúc lại mở ra một bài học mới thú vị hơn, hấp dẫn hơn, cứ vậy cứ vậy mà tiếp diễn… như nước sông quê cô hết lớp này đến lớp khác chảy theo những cửa sông đổ về biển lớn.

Học trò chưa một lần đến An Giang quê cô...

thanh dũng

Đó là chuyện của sông, chuyện của dòng chảy vận hành bằng áp lực cao thấp. Còn cô không bao giờ áp lực kiểu học trò phải giỏi như người này, người kia. Em cứ học khi nào em còn tìm đến cô, cô sẽ giúp em. Những gì cô trải qua, đã chắt chiu gầy dựng như những lớp phù sa mỏng bồi đắp thành những dạt đất màu mỡ, hay chính cù lao nơi cô ở cũng từ phù sa qua bao đời bồi tụ mà nên. Cô am hiểu quy luật dịch chuyển của nước, dịch chuyển của cát của những con sông cũng như là am hiểu sự dịch chuyển của dòng cảm xúc, dòng tâm lý của học học trò. Cô là giáo viên tiểu học. Học trò cô lại là người đã tốt nghiệp đại học. Học trò nào thì cũng là học trò thôi. Dĩ nhiên học trò lớn tuổi cuộc sống va vấp nhiều, tâm lý cũng phức tạp hơn nhưng cô biết học trò nào cũng cần có sự khích lệ để tìm được niềm vui trong học tập, để mà phấn đấu tiến bộ hơn. Nỗ lực nhưng không phải gồng. Cô nói gồng nhiều sẽ mỏi. Nỗ lực vì thấy việc học vui, thấy háo hức trước những điều mới mẻ. Không có kiểu khen tâng bốc gây ảo tưởng cũng không chê vùi dập. Khen đúng, thật công tâm để trò biết chỗ phát huy, chê đúng để trò biết chỗ sửa chữa khắc phục mà vẫn không hề cảm thấy tổn thương.

Năm học trò bốn mươi. Bắt đầu từ một bài thơ lục bát gửi vào inbox Facebook khi cô có lời mời cộng tác cho tập san Phú Tân. Học trò gửi và chờ. Một ngày cô đọc bài thơ thấy thương. Bài thơ hay mà thấy thương là chuyện hết sức bình thường. Còn bài thơ của học trò này (lúc đó chưa là học trò) cô thương vì nó thường quá, nó không có ngôn ngữ thơ, kiểu nghĩ sao viết vậy. Cô nói chắc thằng nhóc này đang học phổ thông. Khi bài thơ được đăng, tác giả bài thơ mừng rỡ khoe với cô đó là bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí, trước đây đã gửi cho nhiều nơi nhưng bặt vô âm tín trừ một lần có một email trả lời. Cái lần nhận mail đó cậu học trò mừng rỡ mở ra xem, trong email người biên tập khuyên tác giả nghiêm túc nghĩ đến việc dừng viết, vô ích thôi chỉ như công dã tràng.

Cậu tác giả khi ấy đón chuyến xe buýt ngang qua nhà. Người thu tiền xe hỏi đi đâu. Đi là đi thôi, không có ý định đi đâu. Tận cùng hành trình là cái hồ nhân tạo do ngăn dòng chảy một con sông. Hồ mênh mông những chiếc xuồng đang nằm im lìm trên bãi đất bé nhỏ. Cậu học trò cũng lọt thỏm giữa hồ nước bao la. Ta về đâu hỡi ta. Tự nhiên cậu học trò thấy nhớ tới Lý Bạch. Ông tìm trăng đẹp ở gềnh đá ven sông, không thể kìm lòng mà nhảy xuống bắt trăng rồi chết nơi đáy nước. Cậu không là nhà thơ, cậu chỉ có những bài thơ vụn vặt trong cuốn sổ con con ai đọc cũng lắc đầu. Cậu men xuống bờ hồ, trời chiều chưa có trăng để tìm, cũng không có ai cho thuê thuyền ra giữa hồ. Người ta nói thơ cần sự khác biệt, tìm trăng đáy nước có rồi, tìm quên những muộn phiền giữa dòng sông thẳm sâu cũng có rồi. Cậu tìm mặt trời cuối chiều đã là khác chưa. Cần gì ra giữa sông, sát bờ hồ cũng đủ sâu thăm thẳm cho một cuộc đời. Một luồng lấp lánh bạc dạt theo sóng hồ đến sát mấp mé nước chỗ cậu đang đứng. Ánh sáng đến từ những con cá thác lác, cá sơn trương phình và mùi phân hủy xộc vào mũi. Đột nhiên cậu nhớ những cái xác vớt lên từ “cầu xóa nợ” cách nhà 5 cây số, thịt rửa, người trắng bệch…Người ta đâu có nói khi vớt Lý Bạch, Khuất Nguyên lên xác họ thế nào. Thi tiên thì mãi là đẹp. Cậu không phải là thi tiên. Nên dòng sông sẽ lưu dấu cậu như những cái xác trương phình hôi hám nơi “cầu xóa nợ”. Dòng sông hay bất cứ nơi nào cũng không dung chứa cậu.

Cô hỏi cậu học trò già “sao em tìm đến thơ?”. Không có một lý do gì đặc biệt, viết ghi lại những nỗi buồn, trăn trở vậy thôi. Như lao mình mải miết vào con hẻm cụt. Đáng sợ nó lại là con đường duy nhất tâm hồn cậu bám vào.

Cô chưa làm thơ bao giờ nhưng cô biết gợi để cậu học trò hình dung một bài thơ hay phải tứ mới, cách dùng từ mới và từ dùng phải thật gợi, đọc lên người ta cảm thấy gật gù hay bất ngờ. Cô gợi ý có thể viết tản văn vì cũng gần thơ. Cũng đừng viết gì xa xôi quá. Viết về những gì gần gũi nơi mình đang sống, người mình đã gặp rồi, những chất liệu ngồn ngộn sẵn đó tìm chi cho xa. Cậu gửi cho cô qua mesenger những tản văn ngăn ngắn và chờ đợi. Những giờ giải lao ở trường, những khi cơm trưa, trước khi chợp mắt ngủ một chút, trước giờ dạy buổi chiều cô đọc qua và gõ những lời nhận xét. Cẩn trọng từng chút một, là người viết cô hiểu người viết kiểu gì tâm hồn cũng đầy mẫn cảm. Một lời nhận xét dù chính xác mà cách nói hơi quá cũng làm cho người viết chìm trong dằn vặt tự trách móc, tự rẻ rúng bản thân.

Việc dạy học đã khó, dạy sáng tác càng khó hơn rất nhiều lần nhất là những người không học chuyên môn về văn hay sáng tác, còn năng khiếu thì nằm trong thể loại được khuyên“ nghiêm túc bỏ nghề”. Học trò cô như nước trong leo lẻo không gợn chút phù sa. Việc của cô là làm cho nó chảy qua những miền đất, những miền ký ức, những thực tại gom góp phù sa bồi đắp những trang văn. Học trò cô có lần tế nhị hỏi cô chuyện học phí bởi thực tế “có thực mới vực được đạo”. Cô không suy nghĩ gì mà trả lời ngay, phí bao nhiêu cho vừa, cô giúp em vì em là người cần được giúp nên đừng bận tâm thêm. Cứ vậy cô đem sự cần mẫn, đem những kiến thức, sự quan tâm để ươm hạt mầm quá lứa lên chồi. Niềm vui của cô là khi cậu học trò viết tiến bộ hơn và tìm thấy niềm vui trong sáng tác. Cậu học trò đã thôi không còn muốn leo lên xe buýt rồi ngồi thờ thẩn trên đó để nó trôi về nơi vô định khi người ta chê này chê nọ. Cậu hiểu khen chê trong sáng tác là thường. Không còn ai thật lòng khuyên cậu bỏ nghề nữa. Họ kỳ vọng có thể cậu sẽ làm được gì đó.

Cô vẫn vậy, vẫn miệt mài nhận xét như ngày đầu cậu rón rén gửi bài. Cô vẫn mộc mạc như chính cô người miền Tây sống giữa những con sông, quen nhìn sông hiến cho bờ bãi những hạt phù sa không lấp lánh nhưng làm nên những vùng đất đai trù mật lấp lánh hoa thơm trái ngọt. Sông cứ chảy và bồi đắp. Cô cũng vậy. Cứ bồi đắp, chảy miết không thôi…

* Kính tặng cô giáo Võ Diệu Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.