'Lớp học động' là gì mà nhiều trường học ở TP.HCM thực hiện?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/02/2023 19:42 GMT+7

'Lớp học động' là mô hình nhiều trường ở TP.HCM thực hiện trong bối cảnh thiếu phòng học và nhiều học sinh chưa được học 2 buổi/ngày.

'Lớp học động' là gì mà nhiều trường học ở TP.HCM thực hiện? - Ảnh 1.

Thiếu lớp học, thiếu giáo viên đang là khó khăn của nhiều trường tiểu học tại TP.HCM

THÚY HẰNG

Chiều 15.2, Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện sơ kết năm học 2022-2023 của giáo dục tiểu học. Bên cạnh các kết quả đạt được, Sở GD-ĐT báo cáo những vấn đề khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục tiểu học trong học kỳ 1.

Vấn đề nổi cộm trong học kỳ 1 đối với giáo dục tiểu học TP.HCM được nhắc đến trong hội nghị là thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Nhiều quận, huyện gặp khó khăn trong việc cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xây thêm trường, lớp cũng không kịp với tốc độ tăng dân số

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các phòng GD-ĐT tại quận, huyện, TP.Thủ Đức chia sẻ những giải pháp trong bối cảnh thiếu phòng học/lớp học, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt 100%.

Cô Lê Thị Xinh, Phó phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết vấn đề tăng dân số cơ học tại thành phố này cao, gây áp lực lớn đến trường lớp. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa những trường tại các phường cũng xa nhau. Chẳng hạn, P.Bình Thọ có đủ phòng học nhưng không thể "gánh" cho P.Bình Chiểu vì khoảng cách giữa 2 phường rất xa nhau, học sinh gặp khó khăn trong việc đi lại.

Những phường có trường thiếu phòng học nhiều là Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh. Giải pháp mà thầy cô áp dụng là học tăng cường thứ bảy hay thứ hai thì học sinh có thể học trong phòng học khác như phòng tin học. Theo cô Xinh, ban đầu phụ huynh học sinh cũng lo lắng về giải pháp này. Tuy nhiên, sau đó, nhà trường gặp gỡ, giải thích cụ thể nên phụ huynh đã yên tâm.

'Lớp học động' là gì mà nhiều trường học ở TP.HCM thực hiện? - Ảnh 2.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, chia sẻ tại hội nghị

THÚY HẰNG

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh các lớp 1, 2, 3 phải được học 2 buổi/ngày. Hiện Q.Gò Vấp chỉ có khoảng 77-78% học sinh được học 2 buổi/ngày. Trước tình trạng không đủ phòng học thì những "lớp học động" được ra đời. Đó là trong những giờ học mà có lớp học môn thể dục, tin học… các em học ở phòng học chuyên môn thì phòng học đó trống. Học sinh lớp khác sẽ được di chuyển qua học trong lớp học đó.

Ban đầu, học sinh còn bỡ ngỡ nhưng sau đó dần dần làm quen. Mô hình "lớp học động" cũng có thể giải quyết tạm thời tình trạng thiếu phòng học hiện nay, theo ông Thanh.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Chánh, cho biết Bình Chánh là huyện ngoại thành có hơn 50.000 học sinh. Trong thời gian qua, H.Bình Chánh có thêm 2 trường tiểu học mới nhưng vẫn không đủ cho học sinh vì dân số tăng nhanh. Sang năm, dự kiến huyện có thêm 2 trường tiểu học nhưng vẫn thiếu phòng học cục bộ. Điều này khiến các trường không thể dạy học 100% 2 buổi/ngày ở lớp 1, 2, 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý, tình trạng thiếu phòng học/lớp học cục bộ diễn ra ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.

'Lớp học động' là gì mà nhiều trường học ở TP.HCM thực hiện? - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Chánh, phát biểu tại hội nghị

THÚY HẰNG

Khi chưa thể xây thêm trường mới, Phòng GD-ĐT H.Bình Chánh áp dụng giải pháp xây thêm phòng mới, cải tạo sân chơi cho học sinh.

Thầy Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cũng cho biết quận này có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp vì tăng dân số cơ học nhanh, việc xây dựng trường mới, lớp mới gặp nhiều khó khăn nên không thể tổ chức hết 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh.

Phòng học đủ diện tích nhưng thiếu bàn ghế, còn đủ bàn ghế lại thiếu diện tích

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM được công bố trong buổi họp chiều nay, toàn thành phố có 150 điểm trường với 16.481 phòng học trên cấp 4, 3.430 phòng học cấp 4, 1.013 phòng học tạm và 15 phòng học mượn.

Trong đó, có 22.282 phòng học đủ điều kiện về diện tích và bàn ghế để tổ chức dạy học, 1.517 phòng học đủ diện tích nhưng thiếu bàn ghế và 583 phòng học đủ bàn ghế nhưng thiếu diện tích.

Không chỉ thiếu phòng học, vấn đề thiếu giáo viên tiểu học cũng nổi cộm. Theo thống kê mới nhất, tính đến ngày 22.12.2022 toàn thành phố có 17.197 lớp học với 24.789 giáo viên tiểu học. Tuy nhiên, số giáo viên cần có theo định mức là 28.432 (thiếu 3.643 giáo viên).

'Lớp học động' là gì mà nhiều trường học ở TP.HCM thực hiện? - Ảnh 4.

Học sinh nhiều trường phải đi học nhờ, mượn phòng học, học trong các phòng chức năng...

THÚY HẰNG

Số lượng giáo viên được tuyển dụng trong năm học 2022-2023 chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các trường tiểu học, dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên dạy bộ môn, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, tin học-công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật thiếu rất nhiều. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả khối lớp.

Dù trường lớp được xây mới hằng năm nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Vì vậy, nhiều trường thiếu phòng học/lớp học phải mượn phòng học của cơ sở khác gần trường để dạy; một số trường phải sử dụng phòng chức năng làm phòng học nên chưa đảm bảo có đủ phòng chức năng theo quy định. Cũng từ đây các sáng tạo "lớp học động" ra đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.