Lòng vẫn nhớ về Hà Nội

11/02/2021 11:08 GMT+7

Lần đầu được ngồi ô tô khách đi giữa phố phường Hà Nội rợp bóng cây xanh, trong tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Tước đó tôi chỉ biết Hà Nội qua những bức tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái...

Niềm hãnh diện

Đối với trẻ em nông thôn miền núi như chúng tôi, được ra thủ đô Hà Nội là mơ ước và là niềm hãnh diện lớn. Đó là vào năm 1992, tôi được vinh dự đi tham quan Hà Nội. Lần đầu được ra thăm thủ đô, có rất nhiều điều mới mẻ làm tôi bỡ ngỡ, có nhiều ấn tượng mãi mãi không thể nào quên.
Xe của đoàn chúng tôi đi mất hơn 6 tiếng. Do xe chạy rất êm nên tôi ngủ lúc nào không biết. Đến thủ đô, anh Tuấn, người anh cùng đoàn xã tôi lay tôi dậy bảo: “Đến Hà Nội rồi dậy thôi, nhìn phong cảnh thủ đô còn có chuyện về kể cho các bạn nghe nữa chứ”. Tôi giật mình mở mắt, qua cửa kính ô tô, bên đường thấy nhà cửa san sát.
Những dãy nhà bốn tầng cũ kỹ tường hoen ố, xen lẫn với nhà bằng, nhà mái ngói ngả màu rêu. Ở nhiều tuyến phố hai bên đường trồng cây xà cừ, cây hoa sữa cùng nhiều cây cổ thụ khác mà tôi không biết tên. Cây che mát cả những tuyến đường. Mát cả lòng người giữa trưa nắng oi bức.
Lần đầu được ngồi ô tô khách lại được đi giữa phố phường Hà Nội rợp bóng cây xanh trong tôi lại dâng lên những dòng cảm xúc khó tả. Trước kia tôi chỉ biết Hà Nội qua những bức tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái in trong sách báo, trong những đoạn văn được trích ở sách giáo khoa hay nghe những bài hát trên Đài tiếng nói Việt Nam mà bố tôi thường mở.
Những bài hát, bức tranh hay những câu chuyện tôi đã được đọc về thủ đô thân yêu lại càng làm tôi thêm khao khát được một lần đến với thủ đô. Bây giờ được tận mắt chứng kiến quang cảnh của phố phường Hà Nội, tôi không thể không có những cảm xúc hân hoan tự hào vì đã mãn nỗi niềm chờ đợi bấy lâu.
Đoàn của huyện chúng tôi nghỉ tại nhà nghỉ của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, số 20 phố Thụy Khuê. Tôi nhớ ở phố Thụy Khuê lúc bấy giờ có rất nhiều cây to. Đường phố Hà Nội không ồn ào đông đúc, người dân chủ yếu di chuyển bằng xe đạp. Thi thoảng mới có vài chiếc xe máy chạy qua. Ô tô con cũng hiếm, chủ yếu là xe công biển xanh, biển đỏ. Lần đầu tiên ra thủ đô, vô vàn cái mới, tôi đã bị Hà Nội chinh phục hoàn toàn.

Phở Hà Nội ăn lần đầu ngon đến tê đầu lưỡi...

Ảnh Lưu Quang Phổ

Những lần đầu tiên

Tôi cứ thế một mình dạo bước trên đường phố mải mê ngắm cảnh vật, phố xá, người xe tôi đã đi bộ khoảng một km thì phải. Tôi nhìn sang bên trái thấy một ngôi đền cổ, cổng thấy ghi là Đền Quán Thánh, sau này mới biết đền được xây dựng từ thời Lý đến bay giờ đã gần một nghìn năm.
Men theo đường Thanh Niên một đoạn phía trái đường ngôi chùa Trấn Quốc hiện lên. Trong khuôn viên chùa có cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959. Chùa Trấn Quốc hồi đó chưa có Bảo tháp lục độ sen như bây giờ. Tôi như đắm chìm trong những luồng suy tưởng về Kinh đô Thăng Long xưa đã là nguồn cảm hứng cho bao thi nhân sáng tác những áng thơ văn bất hủ. Hà Nội cũng luôn là nỗi nhớ của những người con lên đường đánh giặc mở mang bờ cõi: “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Trong biết bao cái “lần đầu tiên” ấy thì có lẽ ấn tượng nhất là lần đầu tiên ăn phở Hà Nội. Phở Hà Nội ngon đến tê tê cả đầu lưỡi, mùi hương từ bát phở bốc khói thật hấp dẫn, mùi vị ngọt của nước lèo và vị ngon của thịt bò thái mỏng. Tôi không muốn phải kết thúc bữa “tiệc phở” cho nên tôi cứ từ từ nhâm nhi từng sợi cho đến khi anh trưởng đoàn giục ăn nhanh lên để còn đi, tôi đành “tăng tốc” với món ngon nhất trong rất nhiều món ẩm thực mà tôi có dịp thưởng thức sau này.
Có lẽ cái Hạnh và anh Tuấn cùng đoàn với tôi cũng cảm nhận như vậy. Tôi nhìn sang bên cạnh hai người ăn rất ngon lành, chẳng mấy chốc ba anh em đã đánh bay ba tô phở của đất Thăng Long.
Cho đến bây giờ đã gần ba mươi năm, nhưng vị phở Hà Nội của cái lần đầu tiên thưởng thức ấy, lại vẫn tê tê nơi đầu lưỡi tôi. Vị đặc biệt của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến ấy đã đánh thức mọi giác quan của tôi, đưa tôi đến với dòng sông ký ức êm ả, chảy vào giấc mơ suốt tuổi thơ tôi và vẫn chảy mãi mãi tận mai sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.