Lồng tiếng phim - Qua rồi thời vàng son

17/08/2005 22:22 GMT+7

Sự thu hẹp của thị trường phim bộ, công nghệ thu tiếng trực tiếp tại trường quay đang bắt đầu và phim phụ đề ngày càng được ưa chuộng đã đẩy nghề lồng tiếng phim vào giai đoạn khó khăn.

Theo anh Phước Trang - một trong những diễn viên lồng tiếng kỳ cựu 30 năm, từng gắn bó với hầu hết các vai diễn của diễn viên Huỳnh Anh Tuấn, thì 10 năm trước thật sự là thời kỳ vàng son của nghề lồng tiếng. Thời đó, diễn viên lồng tiếng được xem trọng. Chỉ riêng TP.HCM có tới 5 - 6 nhóm lồng tiếng, mỗi tháng mỗi nhóm đều đặn nhận 1 - 2 phim (phim truyền hình Việt Nam hoặc phim nước ngoài) nhiều tập và thu nhập cũng khá.
Nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, nghề lồng tiếng phim đang dần xuống dốc. Qua rồi cái thời phim bộ Hồng Kông, Đài Loan với đội ngũ lồng tiếng của Fafilm "làm mưa làm gió" trong các gia đình. Hồi ấy, chỉ cần những cái tên của diễn viên lồng tiếng Thế Thanh, Bích Ngọc, Huỳnh Hoa, Thế Phương, Trung Châu... được giới thiệu ở đầu phim cũng đã làm người xem náo nức. Nay thị trường phim bộ Hồng Kông, Đài Loan ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó sự xâm nhập của phim nhiều tập Hàn Quốc lại ngày càng mạnh, mà với phim Hàn Quốc khán giả lại chuộng hình thức thuyết minh hơn, làm cho các diễn viên lồng tiếng càng ít việc, có khi "ngồi chơi xơi nước" suốt ba tháng.

Theo chị Mộng Vân, người đã gắn bó với nghề lồng tiếng 20 năm và hiện đang phụ trách lồng tiếng ở Đài Truyền hình TP.HCM, những diễn viên lồng tiếng gọi là "sống chết với nghề" hiện nay chỉ còn hơn 20 người, còn số lượng đội ngũ lồng tiếng trẻ từ 50 - 60 người, ít hơn nhiều so với thời kỳ "vàng son". Những người đến với nghề lồng tiếng phần nhiều để thỏa mãn đam mê và cũng chỉ có niềm đam mê mới giữ chân họ ở lại với nghề chứ không thể xem đây là phương tiện mưu sinh.

Nhưng cũng chính sự đam mê đã biến cái nghề thành cái nghiệp nên những nghệ sĩ thực sự yêu nghề không dễ từ bỏ. Trong thời gian chờ đợi có phim để lồng tiếng, họ làm những công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Mai Phượng, người lồng tiếng cho vai Vân của diễn viên Kim Hiền trong phim Dốc tình thì tham gia đóng kịch hằng đêm ở Sân khấu IDECAF. Diễn viên lồng tiếng kỳ cựu của Hãng TVB Trung Châu nay có thêm nghề đọc quảng cáo. Còn lại đa số nghệ sĩ chuyển sang nghề thuyết minh phim. Anh Hán Thao - người đã từng tham gia lồng tiếng hàng loạt những phim bộ của Hãng TVB và phim Việt Nam 10 năm nay, giờ chuyển sang học thuyết minh nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn do thuyết minh và lồng tiếng có nhiều điểm khác biệt trong cách phát âm và nhấn nhá giọng. Vài cái tên thuyết minh phim đã trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình HTV như Thy Mai, Bích Ngọc, Khánh Phương... Một số diễn viên lồng tiếng trẻ chuyển sang làm nhân viên trong các hãng phim.

Một ngày nào đó nghề lồng tiếng phim sẽ chỉ còn là dĩ vãng nhạt nhòa? Thật ra đó chỉ là nỗi lo xa. Công nghệ làm phim mới đang ào ạt thu hút các nhà làm phim nhưng trên thực tế nó chưa đem lại hiệu quả như mong muốn của khán giả (phim Vòng xoáy tình yêu, Ảo ảnh), vì khả năng diễn xuất với giọng thật của đội ngũ diễn viên điện ảnh của chúng ta vẫn còn rất yếu. Bởi vậy, chắc chắn rằng trong nhiều năm tới phim Việt Nam - cả phim nhựa lẫn truyền hình vẫn rất cần đến đội ngũ nghệ sĩ lồng tiếng. Diễn viên Kinh Quốc khẳng định, thành công của anh trong các phim Dòng đời, Hướng nghiệp, Chúa tàu Kim Quy... có 50% sự hỗ trợ của khâu lồng tiếng và anh vẫn chưa hoàn toàn tự tin tiếp cận với công nghệ thu tiếng trực tiếp. Với đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng (đạo diễn phim Ngọn nến hoàng cung), thì thu tiếng trực tiếp hay lồng tiếng đều là phương tiện mang lại hiệu quả cho bộ phim. Vì vậy, lồng tiếng ở giai đoạn nào cũng rất cần cho điện ảnh.

Minh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.