Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine?

08/02/2022 07:23 GMT+7

Dù nói rằng phương Tây là bên leo thang căng thẳng về Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thỏa hiệp và xem xét các đề xuất do người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong cuộc đối thoại song phương hôm 7.2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ở Moscow hôm 7.2

afp

Sau cuộc đối thoại kéo dài gần 5 giờ tại Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng có thể tìm đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh, theo Hãng tin AFP hôm 8.2.

Tại cuộc họp báo chung ở Moscow, ông Putin cho hay một số ý tưởng của ông Macron đáng để cân nhắc.

“Một số ý tưởng, đề xuất của ông ấy khả thi để làm cơ sở cho những bước tiếp theo. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tìm đến sự thỏa hiệp phù hợp cho tất cả các bên”, theo tổng thống Nga.

Tổng thống Putin cảnh báo "chiến tranh hạt nhân" nếu Ukraine gia nhập NATO

Chủ nhân Điện Kremlin không cung cấp chi tiết, nhưng nói rằng ông sẽ điện đàm với Tổng thống Macron sau khi nhà lãnh đạo Pháp gặp gỡ và đối thoại với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 8.2.

Về phần mình, ông Macron cho hay đề nghị của ông tập trung vào “những đảm bảo an ninh cụ thể”, và nhận được sự tán đồng của ông Putin.

Theo phía Pháp, nội dung các đề xuất bao gồm Nga và phương Tây không thực hiện những hành động quân sự mới, khởi động cuộc đối thoại chiến lược mới và tăng tốc các nỗ lực khôi phục quá trình đàm phán hòa bình ở Ukraine.

Tổng thống Putin một lần nữa nhấn mạnh Nga không phải là bên hành xử khiêu khích trong thời gian qua. “Chúng tôi không phải là bên áp sát các biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, theo nhà lãnh đạo.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày khuyên người Mỹ hãy rời khỏi Ukraine để tránh nguy cơ bùng nổ xung đột trong trường hợp Nga tiến quân.

“Tôi cho rằng cách hành xử khôn ngoan là rời khỏi nước này (Ukraine)”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng.

Tương quan quân sự Nga-Ukraine: Cuộc đối đầu không cân sức?

Tuần trước, ông Biden cũng phê chuẩn việc đưa 3.000 quân đến Đông Âu để bổ sung binh lực cho các đồng minh NATO, bao gồm Đức.

Cuộc gặp giữa hai ông Biden và Scholz diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách thể hiện mặt trận thống nhất với các đồng minh nhằm đẩy lùi nguy cơ bùng nổ xung đột tại Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.