Lợi nhuận cao, kinh doanh hàng giả tiếp tục gia tăng

31/12/2023 17:13 GMT+7

Trong năm 2023, số lượng trường hợp vi phạm kinh doanh hàng giả trên địa bàn TP.HCM đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 1.302 trường hợp vi phạm, tăng 101,23%.

Lợi nhuận cao, kinh doanh hàng giả tiếp tục gia tăng- Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu bị bắt giữ

Q.LTT TP.HCM

Ngày 31.12.2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết tổng kết công tác kiểm tra, xử lý tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm, thể hiện rõ ở số lượng trường hợp vi phạm đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như: hành vi kinh doanh hàng lậu là 1.063 trường hợp vi phạm (tăng 3,4%); kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là 1.593 trường hợp vi phạm (tăng 105,81%); kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 1.302 trường hợp vi phạm (tăng 101,23%).

Theo Cục QLTT TP.HCM, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 1.302 trường hợp vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; tổng số tiền phạt xử lý hơn 14,9 tỉ đồng.

Hàng hóa vi phạm có tổng số lượng là 182.374 đơn vị sản phẩm gồm: mắt kính, đồng hồ, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, trang sức, hàng điện tử, hàng gia dụng, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, bao bì, túi xách, ví, vải, phụ liệu may mặc, đồ dùng cá nhân, phụ kiện thời trang… mang nhãn hiệu Chanel, Burberry, Louis Vuitton, Hermes, Apple, Gucci, Dior, Adidas, Valentino, Zara, Montblanc, Yamaha, Samsung, Bvlgari, Fila, Rolex, Patek Phileppe, Salvatore Ferragamo, Nike, CK, Honda, JBL, Levi's, Kova, Apple… và nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác.

Lợi nhuận cao, kinh doanh hàng giả tiếp tục gia tăng- Ảnh 2.

Hàng giả sau khi bắt giữ được mang đi tiêu hủy

Q.LTT TP.HCM

Mặc dù Cục QLTT TP.HCM đã không ngừng tăng cường kiểm tra tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại và phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa nhưng tình hình kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn không có dấu hiệu suy giảm, số lượng nhãn hiệu bị làm giả cũng ngày càng đa dạng, nhiều thương hiệu, gây khó khăn trong công tác xác định hàng hóa thật giả cho lực lượng QLTT.

Đối với công tác phối hợp với các đơn vị đại diện của các nhãn hiệu cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, có những nhãn hiệu được bảo hộ nhưng không nổi tiếng, khi bắt giữ lực lượng QLTT TP.HCM khó khăn trong việc liên hệ các đơn vị đại diện nhãn hiệu để xác định thật - giả; thứ hai, kết quả giám định của một số đơn vị đại diện nhãn hiệu còn chậm, không đảm bảo được thời gian để xử lý hồ sơ theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hoạt động trên nền tảng di động trong tình hình hiện nay rất phức tạp, việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.

Yếu tố gây khó khăn nhất cho QLTT là dân số TP.HCM đông, địa bàn rộng, các hoạt động chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được các đối tượng chuyển vào các căn nhà trong hẻm sâu, nhiều ngách hoặc trong các chung cư cao cấp khó phát hiện. Nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận lớn dẫn đến nhiều trường hợp tiếp tục tái phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.