Lợi ích nào, chính sách nấy

15/10/2015 08:17 GMT+7

Việc nới lỏng trừng phạt Belarus sẽ là bằng chứng cho thấy EU điều chỉnh cơ bản chính sách đối với nước này và cá nhân Tổng thống Alexander Lukashenko.

Việc nới lỏng trừng phạt Belarus sẽ là bằng chứng cho thấy EU điều chỉnh cơ bản chính sách đối với nước này và cá nhân Tổng thống Alexander Lukashenko.

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko nói chuyện tại một điểm bỏ phiếu bầu cử ở Minsk ngày 11.10 - Ảnh: AFPTổng thống Belarus, Alexander Lukashenko nói chuyện tại một điểm bỏ phiếu bầu cử ở Minsk ngày 11.10 - Ảnh: AFP
Nó phản ánh sự giằng co quyết liệt giữa tính nguyên tắc và tính thực dụng trong chính sách đối ngoại - an ninh chung của EU cũng như xung khắc lợi ích giữa khối này và Mỹ.
Từ hơn 9 năm nay, EU cùng Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt Belarus. Washington thậm chí coi ông Lukashenko là “độc tài cuối cùng ở châu Âu”. Vậy mà bây giờ EU chủ động tìm cách cải thiện quan hệ với Belarus và tranh thủ cá nhân ông Lukashenko.
Mới đây, ông vừa chiến thắng lần thứ 5 liên tiếp trong kỳ bầu cử tổng thống với tỷ lệ phiếu rất cao. EU không những không phê phán hay cáo buộc gian lận mà còn dự định nới lỏng biện pháp trừng phạt Belarus và cá nhân ông Lukashenko.
Nguyên do ở chỗ lợi ích nào thì sẽ có chính sách nấy. Tổng thống Lukashenko thời gian qua không hề thay đổi chính sách đối nội và cung cách cầm quyền, nhưng tận dụng vấn đề Ukraine để trở thành đối tác quý giá của EU. Ông đã gây dựng được vai trò trung gian giữa EU và Nga cũng như giữa Ukraine và Nga. Việc các cuộc thương thảo dẫn đến 2 thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine đều được ký ở thủ đô Minsk của Belarus là bằng chứng điển hình nhất.
EU vừa muốn lôi kéo Belarus khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga vừa phải tận dụng vai trò cầu nối nói trên. Mỹ không có lợi ích cấp thiết trong vấn đề Ukraine như EU nên không có nhu cầu tranh thủ hay hợp tác với Tổng thống Lukashenko. Lợi ích như thế thì dù không muốn, EU cũng không thể làm khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.