Lời giải cho bài toán 'về quê ăn tết'

07/02/2016 10:24 GMT+7

Về quê ăn tết là câu chuyện hàng năm của khoảng 15 triệu người Việt. Nó cũng gắn liền với điệp khúc quá tải, khốn khổ, vật vạ của người hành hương. Dù có thể chủ động giải quyết nhưng sao ngành vận tải vẫn mãi loay hoay.

Về quê ăn tết là câu chuyện hàng năm của khoảng 15 triệu người Việt. Nó cũng gắn liền với điệp khúc quá tải, khốn khổ, vật vạ của người hành hương. Dù có thể chủ động giải quyết nhưng sao ngành vận tải vẫn mãi loay hoay.

Hết vé, chuyện bình thường trong dịp tết - Ảnh: Phạm HữuHết vé, chuyện bình thường trong dịp tết - Ảnh: Phạm Hữu
Tết đang đến rất gần. Không khí Xuân ngày càng hối hả phả vào muôn mặt cuộc sống. Mấy ngày này, đường quốc lộ từ các đô thị lớn đổ về những nẻo đường quê nhộn nhịp hơn trẩy hội. Nhiều nơi kẹt cứng, các phương tiện nhích từng bước một.
Người Việt đi đâu, làm gì đều muốn về quê ăn tết. Các bến xe, bến tàu, sân bay tấp nập hơn chợ tết. Nghĩ đến giây phút đoàn tụ gia đình, ai cũng nỗ lực vượt khó, rồng rắn xếp hàng, chen chúc, vật vã. So với nhiều năm trước, đường về quê và trở lại dễ thở hơn, nhưng vẫn còn lắm gian nan cực nhọc. Điều đáng mừng, cả nhà nước và xã hội bắt đầu tham gia nhiều hơn, góp sức cho đường về quê ngắn lại. Từ các tổ chức công đoàn, đoàn Thanh niên, phụ nữ, chính quyền cơ sở, chủ doanh nghiệp cho đến các nhà hảo tâm. Thông tin dồn dập “Những chuyến xe nghĩa tình” tặng công nhân, sinh viên và người nghèo về quê đón tết. Ít thì vài ba xe, nhiều thì vài ba chục, mỗi xe 45 ghế.
Cuộc đồng khởi di dân của hơn 15 triệu người Việt khắp thế giới đổ về quê ăn tết quả là quá lớn. Nhưng vẫn có thể chủ động giải quyết. Tại sao không có kế hoạch từ đầu năm mà cứ gần tết mới chỉ đạo tăng chuyến?
Sài Gòn là “hợp chủng tỉnh”, hội tụ dân tứ xứ. Chỉ riêng nhập cư và vãng lai cũng ngót nghét 3 triệu. Với họ, tha phương mưu sinh lập nghiệp nhưng sống chết cũng cố về quê đón tết. Số dân an cư ở Sài Gòn nhưng vẫn còn cha mẹ và người thân ở quê cũng khoảng 2 triệu. Số này một nửa cũng về quê trước tết, nửa còn lại đợi ra mùng, kết hợp du xuân.
Ước tính, từ 23 tháng chạp, có khoảng 2 triệu người Sài Gòn phải về quê bằng mọi giá. Cả nước khoảng hơn 15 triệu. Quá tải là lẽ đương nhiên. Đây là cuộc di dân tự nguyện hàng năm lớn nhất ở khu vực Asean.
Cuộc đồng khởi di dân của hơn 15 triệu người Việt khắp thế giới đổ về quê ăn tết quả là quá lớn. Tuy nhiên nếu so với 200 triệu người Trung Quốc thì chẳng thấm vào đâu. Đó là cuộc di dân tạm thời hàng năm lớn nhất trong lịch sử nhân loại, cứ năm sau tăng hơn năm trước. Trung Quốc có tàu cao tốc và nhiều phương tiện nhưng cũng đành bất lực, chưa có đáp số. Nhưng Việt Nam có thể chủ động giải quyết. Tại sao không có kế hoạch từ đầu năm mà cứ gần tết mới chỉ đạo tăng chuyến? Theo tôi, từng ngành cần có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt.
Người về quê ăn tết ngồi chờ la liệt bên đường, hành lang bến xe miền Đông (TP.HCM) - Ảnh: Phạm HữuNgười về quê ăn tết ngồi chờ la liệt bên đường, hành lang bến xe miền Đông (TP.HCM)
- Ảnh: Phạm Hữu

Tết 2016, ngành hàng không đã chủ động. Các hãng chẳng những tăng chuyến mà còn thuê thêm máy bay từ các nước. Ngành đường sắt cũng nỗ lực điều chuyển tàu, thay đổi cách bán vé dù chưa được như mong muốn. Ngành đường bộ là lúng túng nhất, dù được xem là đội quân vận chuyển chủ lực. Ngành đường thủy gần như đứng ngoài cuộc. Rõ ràng là thiếu hợp đồng tác chiến, từ Bộ Giao thông vận tải, các hãng máy bay, tàu, xe cho đến người dân. Gần như mọi nỗ lực chủ yếu nhắm vào đường về quê. Còn đường trở lại thành phố, cũng gian nan không kém nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Cần có thống kê nhu cầu về quê, ít nhất từ mùa hè để có kế hoạch phân bổ, sắp xếp nghỉ tết gối đầu hợp lý. Hàng không thuê thêm máy bay. Đường sắt nối thêm toa. Đường bộ thuê thêm xe từ Lào và Campuchia. Khai thác thêm đường thủy. Tất cả đều tăng chuyến tối đa. Tận dụng xe buýt, xe các công ty. Vận động xe gia đình cùng tham gia vận chuyển kiểu Gapcar. Khuyến khích khách du lịch hoán đổi phương tiện hoặc sử dụng ghế trống hỗ trợ vận chuyển. Cho phép tăng giá vé lượt đi trước tết và lượt về sau tết 50%, đồng thời miễn thuế cho các phương tiện tham gia từ 23 tháng chạp đến mồng 7 tết... Thuyết phục người lao động có thể về quê trước hoặc sau tết để giảm bớt áp lực. Bên cạnh đó, cần có những chế độ thỏa đáng cho những người trực chiến, lao động thông tầm.
Rất cần một tổng chỉ huy đủ năng lực điều phối và quyết đoán, xem việc đưa đón người dân về quê ăn tết và trở lại thành phố là chính sách nhân văn của nhà nước. Làm được thế cũng là cách “khoan thư sức dân”, để người dân bước vào năm mới nỗ lực làm việc, sản xuất có hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.