Lợi dụng Zalo, mạng xã hội để đánh cắp tiền, thông tin cá nhân

12/04/2023 21:54 GMT+7

Tội phạm công nghệ ngày càng phát triển các kịch bản lừa đảo tinh vi, lợi dụng những phương thức liên lạc phổ biến như Zalo, Facebook... làm phương tiện thực hiện.

Giả công an, người của Cục Thuế gọi Zalo để lừa đảo

Mới đây, một người dân tại Hà Nội đăng trên tài khoản Facebook cá nhân tên Đ.H.V về câu chuyện một "chị công an" gọi điện để hỗ trợ, báo án liên quan đến trường hợp sử dụng số điện thoại kêu gọi từ thiện nhưng chiếm đoạt cho mục đích khác. Người mạo danh lực lượng chức năng gọi điện bằng video qua ứng dụng Zalo và yêu cầu "nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải" trong quá trình gọi.

Tuy nhiên theo các chuyên gia bảo mật, đó thực chất là hành vi lừa đảo, mạo danh công an để "bẫy" người dùng thực hiện thao tác định danh cá nhân (KYC) bằng cách quay, chụp màn hình các góc khác nhau của khuôn mặt để xác thực tài khoản (thường liên quan đến ngân hàng). Sau khi kích hoạt được tài khoản nhờ KYC do nạn nhân vô tình cung cấp (là video "nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải), kẻ gian sẽ triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch lừa đảo.

Đầu tháng 4, Cục Thuế TP.HCM cũng phát đi thông báo về các trường hợp mạo danh nhân viên của cơ quan, gọi điện qua Zalo để yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng khai báo thuế trên thiết bị di động, qua đó âm thầm đánh cắp thông tin. Ngày 6.4, chị A.T (cư trú tại TP.HCM) thuật lại câu chuyện bị lừa của mình để cảnh báo mọi người trong tình huống tương tự khiến mất toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Nạn nhân cho biết trong thời gian chờ kết quả thủ tục đăng ký mã số thuế mới đã có người gọi điện tự nhận là nhân viên IT của cơ quan thuế hỗ trợ chị cài đặt một ứng dụng lên điện thoại. Sau khi cài và cấp quyền mà ứng dụng yêu cầu, đăng ký tài khoản, do chương trình nặng gây đơ máy nên chị đã gỡ đi mà không hay biết đã bị hack thông tin và kẻ gian truy cập được vào điện thoại.

Đại diện đơn vị chức năng cho biết hiện nay các đối tượng mạo danh người của tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động tinh vi hơn, thực hiện nhiều biến thể kịch bản để chiếm đoạt được thông tin cá nhân của người dùng. Người dân cần hết sức cảnh giác và lưu ý cán bộ nhà nước không chủ động liên hệ cá nhân, làm việc thông qua Zalo hay hình thức giao tiếp mạng xã hội, OTT.

Các ứng dụng phục vụ cho hoạt động chuyên môn chỉ được phát hành chính thức trên kho ứng dụng Google Play Store (Android) hoặc Apple App Store (iOS). Người dùng không nên tải hay truy cập vào các đường dẫn lạ được gửi vào máy, đồng thời lưu ý thông tin đơn vị phát triển phần mềm trước khi cài đặt.

"Người dùng nên đọc kỹ thông tin về các quyền mà ứng dụng yêu cầu phải có khi cài đặt. Các yêu cầu như xem màn hình, dữ liệu nhập, truy cập danh bạ/tin nhắn, điều khiển màn hình... hết sức nhạy cảm và đa phần trong số này không có ở những phần mềm chính thức do cơ quan nhà nước phát hành", một chuyên gia bảo mật khuyến cáo.

Đóng giả hệ thống di động, công ty truyền thông để tuyển cộng tác viên (CTV)

Hình thức lừa đảo tiền cọc của nạn nhân dưới danh nghĩa các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp nước ngoài đã có thêm biến tướng khi gần đây kẻ gian lợi dụng nhiều thương hiệu của các hãng bán lẻ di động lớn trên cả nước để "tuyển người đi làm thời vụ" với mức thu nhập hấp dẫn, có thể lên tới 400.000 đồng/giờ.

Bài đăng lừa đảo tuyển CTV online mạo danh các fanpage lớn trên mạng xã hội

Bài đăng lừa đảo tuyển CTV online mạo danh các fanpage lớn trên mạng xã hội

Anh Quân

Những kẻ đứng sau tạo các fanpage giả mạo tên thương hiệu hoặc KOL (người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng, được biết tới) trên mạng xã hội Facebook, sau đó chạy quảng cáo tuyển cộng tác viên làm tại nhà.

"Các bạn thân mến, sau tin nhắn giả danh tuyển CTV làm việc, chúng mình tiếp tục nhận được những thông tin về hợp đồng giả danh công ty nhằm trục lợi. Một lần nữa, chúng mình khẳng định hiện không tuyển CTV làm việc (mọi thông tin tuyển dụng đều được up trên fanpage không qua trung gian, không tuyển qua tin nhắn). Đặc biệt phía công ty không có các bản cam kết số tiền đầu tư với quý khách hàng", anh N.L.H, giám đốc công ty truyền thông S (thuộc một chuỗi hệ thống di động lớn) lên tiếng trên trang chính thức của doanh nghiệp cũng như tài khoản cá nhân.

Trước đó, một hệ thống kinh doanh di động lớn khác tại Việt Nam cũng trở thành nạn nhân khi kẻ lừa đảo tạo fanpage giả mạo và rao bán các sản phẩm của công ty với giá rẻ hơn nhiều so với niêm yết chính thức. Khi khách hàng cọc tiền sản phẩm, chúng lập tức chặn liên lạc và "biến mất" khiến nạn nhân quay sang khiếu nại với công ty, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.