Lợi dụng ‘Việt kiều hồi hương’, buôn lậu ô tô từ Mỹ: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

25/10/2016 14:58 GMT+7

Các bị cáo đã thuê 54 Việt kiều đứng tên nhập khẩu xe ô tô các loại Roll Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche, Toyota, Jaguar, Honda và 12 xe mô tô.

Ngày 25.10, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu đối với các bị cáo: Nguyễn Giang Lam (41 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, nguyên cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM), Nguyễn Quang Vinh (34 tuổi, ngụ Q.7), Trần Phước Thạnh (49 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), Trần Thái Nguyên (33 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, cùng làm dịch vụ thủ tục xuất nhập khẩu).
Trong phần thủ tục xét hỏi, HĐXX nhận định vẫn chưa làm rõ ai là người chủ mưu của vụ án. Bên cạnh đó, lời khai giữa các bị cáo còn có những điểm mâu thuẫn, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và vi phạm tố tụng nên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại.
Trước đó, ngày 31.12, TAND TP.HCM tuyên xử Lam, Vinh cùng 16 năm tù, Thạnh 12 năm tù, Nguyên 9 năm tù. Cấp sơ thẩm cũng tuyên hủy bỏ lệnh kê biên toàn bộ  ô tô nhập khẩu bất hợp pháp, giao lại cho các chủ sở hữu đang sử dụng vì các chủ sở hữu mua ngay tình, các xe được đăng ký đúng quy định pháp luật. Đối với các cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an và Phòng quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM trực tiếp tham gia đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh khống nhiều lần; một số khác là cán bộ thuộc Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, căn cứ kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quyết định được gửi đến Viện KSND TP.HCM điều tra theo thẩm quyền.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 1.2011 đến 12.2012, lợi dụng chính sách của nhà nước đối với người VN định cư ở nước ngoài khi hồi hương mỗi người được nhập một ô tô cá nhân đang sử dụng, Vinh, Thạnh, Nguyên móc nối với Lam tổ chức buôn lậu ô tô từ Mỹ về VN tiêu thụ bằng hình thức thuê 54 Việt kiều hồi hương đứng tên nhập khẩu ô tô, làm giả thủ tục, hồ sơ xuất nhập cảnh để hợp thức hóa hồ sơ nhằm thu lợi bất chính.
Trong đó, Lam là người trực tiếp ký xác nhận tình trạng Việt kiều hồi hương để họ được nhập hộ khẩu, giới thiệu 36/54 Việt kiều cho Vinh và đóng dấu khống xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của 36 Việt kiều, nhưng thực chất các Việt kiều này không đi nước ngoài. Mỗi người giới thiệu Lam được Vinh trả 10.000 USD. Vinh, Thạnh, Nguyên trực tiếp thuê các Việt kiều làm hồ sơ khống xuất nhập cảnh để buôn lậu xe, thu lợi bất chính hơn 1,5 tỉ đồng.
Với 54 Việt kiều được thuê đứng tên nhập khẩu ô tô trái pháp luật, hiện có 22 Việt kiều đã tự nguyện nộp lại 915 triệu đồng và 4.300 USD để khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra cũng đã kê biên 38 ô tô do các Việt kiều được thuê đứng tên nhập khẩu như nói trên, số còn lại đã ủy thác cho cơ quan điều tra các tỉnh, thành phố thi hành lệnh kê biên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư cũng đặt vấn đề mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Cụ thể, trong kết luật điều tra của Công an TP.HCM, theo Cục Hải quan TP.HCM, căn cứ vào hồ sơ nhập khẩu xác định 54 Việt kiều được thuê nhập khẩu ô tô các loại Roll Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche, Toyota, Jaguar, Honda không đúng quy định có tổng trị giá 5.178.091 USD (tương đương 110 tỉ đồng) và 12 mô tô tổng trị giá 157.405 USD (khoảng 3,5 tỉ đồng), tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp là hơn 64 tỉ đồng và tổng số tiền thuế phải nộp bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nếu không được miễn là hơn 218 tỉ đồng. Trong vụ án buôn lậu này các bị cáo và đồng phạm (nếu có) đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước là 218 tỉ đồng, nhưng đến nay hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa HĐXX cũng chưa làm rõ ai đang chiếm hưởng số tiền này...
Theo kết luận điều tra, 38 ô tô nhập khẩu bất hợp pháp hiện đang thuộc chủ sở hữu một số tổ chức như ngân hàng, công ty bất động sản và một số cá nhân khét tiếng trong lĩnh vực ngân hàng tài chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.