Lợi dụng scandal Hiền Hồ để bán 'clip nhạy cảm', chiếm đoạt tiền?

22/03/2022 23:21 GMT+7

Lợi dụng tâm lý tò mò của nhiều người, kẻ gian phao tin mình có 'clip nhạy cảm của Hiền Hồ' và yêu cầu chuyển khoản để cung cấp đoạn video thực chất lấy về từ YouTube.

Những ngày qua, từ khóa liên quan tới nữ ca sĩ Hiền Hồ có tỉ lệ tìm kiếm tăng chóng mặt trên Google, Facebook. Không ít người đồn nhau về 'clip nhạy cảm' kéo dài nhiều phút của giọng ca sinh năm 1997 trên mạng.

Thông tin về clip nhạy cảm có thể biến thành công cụ để kẻ gian lừa đảo tài sản

chụp màn hình

Lợi dụng tâm lý tò mò này, kẻ gian có thể đưa "con mồi" vào bẫy bằng nhiều chiêu trò. Theo đó, những người này lên các hội, nhóm trên Facebook và khẳng định mình đang có đường link chứa clip nhạy cảm của nữ ca sĩ. Ai quan tâm sẽ được yêu cầu inbox (gửi tin nhắn riêng vào hộp thư Mesenger) để "giao dịch".

Mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện ảnh chụp màn hình một đoạn giao dịch liên quan tới "clip nhạy cảm" của Hiền Hồ. Dù còn nhiều nghi vấn liên quan tới tính xác thực của nội dung này, đây vẫn có thể xem là lời cảnh báo cho những ai đang tò mò muốn xem những cảnh quay vẫn chưa rõ thực hư.

Cụ thể, nội dung tin nhắn trao đổi giữa một người yêu cầu chủ tài khoản Facebook khác chuyển số tiền 200.000 đồng vào ví điện tử của mình nếu muốn được gửi đường link. Sau khi "con mồi" sập bẫy và chuyển khoản thành công, gửi kèm hóa đơn xác nhận, kẻ gian thực hiện đúng giao kèo, gửi một đường link dẫn tới clip của Hiền Hồ. Tuy nhiên, đây chỉ đơn giản là một MV của cô được đăng trên nền tảng YouTube mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tìm ra chỉ bằng vài thao tác cơ bản.

"Không biết chừng đó là nội dung dàn dựng của hai người quen biết nhau từ trước up lên 'câu view', nhưng cũng nhờ vậy cho mấy người ham hố biết để cẩn thận", một tài khoản Facebook bình luận dưới bài đăng tấm hình trên.

Hiện tại, các từ khóa liên quan đến Hiền Hồ hay con số 10p33s đang được tìm kiếm chóng mặt trên Google. Cụ thể, từ khóa “10p33s" hay “Hiền Hồ 10p33s” có tỉ lệ tìm kiếm tăng 800%. Trong khi đó, từ khóa “clip Hồ Hiền 10p33s" có tỉ lệ tìm kiếm tăng 1.000%. Trên Facebook, nhiều người xem cũng để lại bài đăng tò mò về con số 10p33s và ngỏ ý xin... clip. Hôm 19 và 20.3, từ khóa “Hiền Hồ" cũng đứng đầu với hơn 500.000 lượt tìm kiếm trên Google.

Không chỉ chiếm đoạt tiền của những người tò mò, một số người chớp thời cơ nhanh tay tạo ra hàng loạt fanpage trên Facebook, đặt tên liên quan tới anti (phản đối) nữ ca sĩ để câu like. Nhiều fanpage mới lập kêu gọi tẩy chay nữ ca sĩ và nhanh chóng đạt hàng nghìn, thậm chí chục nghìn lượt Like (Thích), theo dõi. Để tăng tương tác, các trang này liên tục đăng tải hình ảnh, nội dung liên quan tới Hiền Hồ xuất hiện gần đây trên mạng xã hội.

Các fanpage anti nhanh chóng xuất hiện

Chụp màn hình

Theo một chuyên gia giấu tên có nhiều năm làm việc và chạy quảng cáo cho các fanpage Facebook tại Việt Nam, những trang anti Hiền Hồ được lập ra để "đu trend", bắt kịp xu hướng cũng như tâm lý của người dùng, mục đích cuối cùng là thu hút lượng Like khổng lồ và tạo được càng nhiều tương tác càng tốt. Điều này giúp những người lập ra page nhanh chóng sở hữu một trang có lượt theo dõi đông đảo mà không tốn một xu quảng cáo nào để thu hút người dùng.

"Các trang này sau đó sẽ được rao bán lại cho những cá nhân, tập thể có nhu cầu và đổi tên, xóa các nội dung cũ. Giá bán page rất đa dạng, tùy thuộc vào lượng tương tác tự nhiên không qua quảng cáo, số lượt Like, theo dõi... Thường một page mới thành lập sở hữu lượng Like lớn sẽ có giá vài triệu tới hơn chục triệu đồng, các page cũ với tương tác ổn định thì giá sẽ cao hơn nhiều", vị này chia sẻ.

Chiêu lập page giả để câu Like rồi bán lại không còn là hiện tượng mới. Người dùng Facebook tại Việt Nam có thể đã rất quen với hành vi này sau mỗi trận thi đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia. Ngay sau khi biết tên trọng tài bắt chính trận đấu, một số người đã nhanh tay tạo ra các page, trang Facebook cá nhân giả mạo người này và chờ thời cơ. Khi "vị vua áo đen" trên sân đưa ra những quyết định bất lợi cho đội tuyển, cộng đồng sẽ lùng sục Facebook người này và tấn công bằng những lời lẽ thiếu thiện cảm mà không hay đó là trang giả mạo được tạo ra nhằm hút tương tác và lượt theo dõi, lượt Like. Cuối cùng, những người đứng sau được lợi khi sở hữu một fanpage có lượng tương tác "khủng" chỉ sau một ngày mà không cần chạy quảng cáo.

Theo chuyên gia an ninh mạng, câu chuyện lừa đảo dựa theo sự kiện hay scandal trên mạng đã trở nên quá phổ biến nhưng do tâm lý tò mò, thiếu cảnh giác của nhiều người mà kẻ gian vẫn có cơ hội để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo của mình. "Clip nhạy cảm luôn kích thích sự tò mò của người khác. Trong trường hợp của Hiền Hồ, nạn nhân mất tiền mà nhận về đường link YouTube. Nhưng phải đề phòng trường hợp tệ hơn, kẻ gian có thể gửi link chứa phần mềm độc hại để chiếm quyền trên thiết bị, sao chép thao tác bàn phím sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều", ông nhắn nhủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.