Loay hoay với cá tầm

Hiển Cừ
Hiển Cừ
02/06/2018 06:38 GMT+7

Sau 4 năm triển khai, mô hình nuôi cá tầm ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) vẫn chỉ là mô hình, không thể nhân rộng đến với người dân, gây tốn kém ngân sách.

Mô hình nuôi cá tầm được H.Sơn Tây triển khai tại xã Sơn Bua từ năm 2014. Ban đầu, nuôi thử nghiệm 500 con, sau đó tăng lên 2.000 con trên diện tích hồ nuôi 500 m2. Theo ông Trần Quý, Trạm trưởng Trạm khuyến nông H.Sơn Tây, qua thời gian thả nuôi thử nghiệm cho thấy cá tầm tại Sơn Bua sinh trưởng và phát triển khá tốt.
“Đến thời điểm này có thể khẳng định, cá tầm sống được ở huyện miền núi Sơn Tây. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì việc nhân rộng mô hình nuôi cá tầm cho người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, không phải đơn giản ai cũng nuôi được”, ông Trần Quý thừa nhận.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, để thực hiện thành công và nhân rộng mô hình nuôi cá tầm cần đảm bảo 3 yếu tố: vốn, kỹ thuật và hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, ở huyện vùng cao Sơn Tây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Cà Dong đời sống còn quá khó khăn, kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu, mù mờ thông tin về thị trường nên đến thời điểm này mô hình nuôi cá tầm chưa thể nhân rộng là điều dễ hiểu.
Chính vì vậy, mô hình nuôi cá tầm đang đẩy H.Sơn Tây vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”. Bởi lẽ, mỗi ngày huyện phải bỏ ra 1 triệu đồng mua thức ăn cho cá. Nếu tính cả tiền giống, thức ăn và nhân công chăm sóc thì từ khi nuôi thử nghiệm đến nay số tiền lên đến hơn 2 tỉ đồng. Đó là chưa kể vài tỉ đồng đầu tư làm đường giao thông lên khu nuôi thử nghiệm. Nhiều tỉ đồng bỏ ra cho mô hình nuôi cá tầm là số tiền không nhỏ đối với một huyện nghèo nhất nước như Sơn Tây nhưng hiệu quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
“Nuôi cá tầm đòi hỏi phải có kinh phí đầu tư lớn nên không thể nhân rộng cho người dân trong huyện vì đời sống của họ còn nghèo. Trong khi đó, việc chuyển giao mô hình nuôi cá tầm cho các đơn vị có chức năng kinh doanh thì huyện chưa tìm ra. Do vậy, sắp tới huyện sẽ chuyển giao mô hình cho Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Tây quản lý, khai thác”, ông Đinh Quang Ven, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Tây, cho biết.
Việc thực hiện mô hình trồng trọt hay chăn nuôi không phải để người dân xem trình diễn cho biết, mà là “hậu trình diễn” có nhân rộng được không. Ở đây, mô hình nuôi cá tầm đã triển khai 4 năm nhưng chưa nhân rộng được thì việc kết thúc mô hình để không tốn thêm kinh phí là điều cần phải được tính đến. Tuy nhiên, H.Sơn Tây có dám “khai tử” mô hình này hay không thì vẫn phải chờ. Vì thế, hằng ngày ngân sách nhà nước phải tiếp tục rót ra đều đặn mua thức ăn cho cá tầm để cố giữ... mô hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.