Loay hoay kiểm tra khí thải xe máy

08/01/2021 07:39 GMT+7

TP.HCM và Hà Nội đều đã hướng tới việc kiểm tra khí thải xe máy. Song cả 2 thành phố lớn vẫn đang loay hoay trong việc áp dụng chính thức kiểm tra khí thải định kỳ với xe máy.

TP.HCM đã thí điểm một số điểm kiểm tra khí thải xe máy miễn phí, Hà Nội cũng đề xuất đổi xe máy cũ lấy xe máy mới và kiểm tra khí thải, nhưng việc áp dụng chính thức kiểm tra khí thải định kỳ vẫn chưa thể triển khai.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đã kết thúc vào ngày 2.9.2020. Sở GTVT báo cáo kết quả thực hiện chương trình lên UBND TP để làm cơ sở đề xuất HĐND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, mô tô đang lưu thông trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát, thống kê thực tế, Viện Khoa học công nghệ GTVT (Bộ GTVT) sẽ đề xuất một chương trình lớn, bài bản về việc kiểm tra khí thải, trong đó có áp dụng chế tài đối với những phương tiện không đủ tiêu chuẩn để triển khai trên địa bàn toàn TP. Cuối tháng 12.2020, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể, nên hiện nay TP.HCM đang tiếp tục chờ Bộ hướng dẫn để có cơ sở pháp lý chặt chẽ và đồng bộ trên toàn quốc.
“Xe máy cũ tuy xả khí thải khá lớn nhưng qua khảo sát cho thấy mọi chính sách hạn chế cần có lộ trình và bước đi thích hợp, do sẽ ảnh hưởng tới quyền sở hữu tài sản của người dân. Đây là phương tiện mưu sinh của rất nhiều người, đa số là những người khó khăn về kinh tế”, ông An nhận định.
Tháng 9.2020, Sở TN-MT Hà Nội đã đề xuất UBND TP triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này chương trình vẫn đang trong giai đoạn xem xét, nghiên cứu.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, cho rằng xe gắn máy là phương tiện sống của đa số người dân tại TP.HCM và Hà Nội, nếu ngay lập tức thu hồi sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, Nhà nước không thể hỗ trợ hay chuyển đổi nghề nghiệp 100%.
Theo ông Ninh, các nước không cần nhiều chính sách hỗ trợ, thu hồi mà yêu cầu phải loại bỏ, tiêu hủy bởi vì luật quy định rõ ràng, thi hành nghiêm túc. Tại Việt Nam hiện chưa có giải pháp hỗ trợ, cân đối nên người dân lo ngại, phản ứng, không thể tịch thu. Dần dần, cơ quan quản lý cũng “ngại” và thi hành luật không nghiêm túc.
“Chính sách vì dân thì phải mang tính đồng bộ và đa dạng, không theo kiểu áp mệnh lệnh hành chính. Đôi bên phải hài hòa, thống nhất hành động mới có kết quả. Chính phủ cần trực tiếp điều tra xã hội một cách chi tiết, ban hành những chính sách hỗ trợ phù hợp với từng loại đối tượng, giúp họ chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề nghiệp. Phải giải quyết hài hòa, có lộ trình từ từ trong khoảng 5 - 10 năm nữa mới có thể trở thành quy luật”, ông Ninh đề xuất.
TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng việc thu hồi xe hết niên hạn cần chú ý áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện, bao gồm cả ô tô và xe máy. Chính sách công bằng cho tất cả các loại phương tiện sẽ tránh dẫn đến tâm lý tiêu cực cho những người sử dụng xe gắn máy.
Theo ông Mai, không thể phủ nhận hiện vẫn còn rất nhiều người nghèo mưu sinh dựa vào xe máy. Nhưng nếu cứ mãi vì thế mà “ngại” không dám thực hiện chính sách nào thì đất nước sẽ mãi không thể phát triển. “Hiện nay nhận thức của người dân cũng đã có nhiều thay đổi. Họ hiểu rõ tác động tiêu cực của những phương tiện cũ, không đạt tiêu chuẩn. Chỉ cần Nhà nước có chính sách và lộ trình thích hợp thì sẽ nhận được ủng hộ”, ông Mai đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.