Loạt phim Trung Quốc bị tẩy chay vì xuyên tạc lịch sử, ghép 'đường lưỡi bò'

Huệ Bình
Huệ Bình
01/10/2021 10:51 GMT+7

Phim Quân đội vương bài vấp phải sự phản đối từ khán giả Việt vì xuyên tạc lịch sử. Thế nhưng đây không phải là lần đầu phim Trung Quốc xuất hiện những thông tin sai sự thật về lịch sử, địa lý Việt Nam.

Trước Quân đội vương bài, hàng loạt phim Trung Quốc đã góp phần quảng bá cho sức mạnh của Trung Quốc, khiến dư luận phẫn nộ vì cài cắm "đường lưỡi bò", vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Mới đây nhất là vào giữa tháng 9, khán giả Việt bức xúc khi phim Trung Quốc lại lồng ghép bản đồ "đường lưỡi bò" trong bộ phim Nhất sinh nhất thế (Một đời một kiếp). Đây là phần hậu truyện của phim cổ trang Châu sinh như cố do hai diễn viên chính là Bạch Lộc và Nhậm Gia Luân thủ vai. Cụ thể ở tập 13, nhân vật Thời Nghi (Bạch Lộc đóng) đi máy bay sang Đức, cô cầm xem hình bản đồ nhưng nhiều khán giả đã tinh ý phát hiện "đường lưỡi bò" dù chỉ lên hình có vài giây. Sự việc ngay sau đó đã được các fanpage phim ảnh Hoa ngữ và cư dân mạng lên án. Về phía nền tảng iQiyi, đơn vị phát hành này đã âm thầm cắt bỏ đoạn gây tranh cãi, không hề thông báo với khán giả.

Hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" xuất hiện trong tập 13 của Nhất sinh nhất thế

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trước đó vào tháng 8, một số khán giả phát hiện ra ở tập 9 của phim Em là niềm kiêu hãnh của anh có hình ảnh "đường lưỡi bò" trong bản được chiếu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tại ứng dụng WeTV Việt Nam, bản đồ này bị làm mờ. Khán giả Việt bức xúc trước động thái đó của WeTV, nhiều người kêu gọi ngưng xem phim để tỏ rõ thái độ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Bản đồ Trung Quốc với "đường lưỡi bò" phi pháp cũng xuất hiện trong tập 15 của bộ phim Em là thành trì doanh lũy của anh hồi tháng 3. Bản đồ Trung Quốc hiện rõ đường chín đoạn bằng các dấu gạch trắng. Khi phát hiện sự việc, khán giả Việt thể hiện bức xúc trên mạng xã hội vì Trung Quốc không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ giữa nam cảnh sát Hình Khắc Lũy (Bạch Kính Đình) và nữ bác sĩ Mễ Kha (Mã Tư Thuần) khi gặp nhau trong một khóa huấn luyện cứu hộ khẩn cấp do đội đặc nhiệm SWAT tổ chức. Phim lồng ghép hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò trong khu chỉ huy.
Ngoài ra trong năm 2020, hình ảnh "đường lưỡi bò" cũng len lỏi trong các phim Trung Quốc như: Lấy danh nghĩa người nhà, Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta. Tháng 8.2020, khán giả lên tiếng phản đối bộ phim truyền hình Lấy danh nghĩa người nhà vì cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" trong tập 18. Trong tập phim này có cảnh một nhân vật bước vào thang máy, biển quảng cáo trong thang máy in hình bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò" phi lý. Bộ phim được phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) từ ngày 10.8.2020, FPT Play và Keeng là các đơn vị mua bản quyền phát sóng tại Việt Nam sau khi đài Hồ Nam phát xong mỗi tập. Ngoài ra, khán giả Việt cũng phản ứng gay gắt bộ phim vì phát hiện bộ ba diễn viên chính Tống Uy Long, Trương Tân Thành và Đàm Tùng Vận từng ủng hộ "đường lưỡi bò". Năm 2018, cả ba diễn viên này đều chia sẻ hình ảnh bản đồ Trung Quốc cùng "đường lưỡi bò" cùng với dòng chữ: “Trung Quốc, một tấc đất cũng không thể thiếu”.
Bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put Your Head On My Shoulder), được phát trên nền tảng Netflix vào tháng 7.2020, cũng xuất hiện các hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên biển Đông. Trong tập 9, khi bị đòi quà sinh nhật, một nhân vật trong phim lờ đi bằng cách chỉ vào màn hình ti vi đang phát dự báo thời tiết, trên đó có bản đồ đường lưỡi bò. Cảnh này chỉ xuất hiện chưa đến một giây. Netflix sau đó phải cắt bỏ cảnh phim có bản đồ "đường lưỡi bò" này.

Phim Thịnh Đường huyễn dạ bị khán giả Việt tố “ăn cắp” Nhã nhạc cung đình Huế

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Vào tháng 4.2020, phim cổ trang Thịnh Đường huyễn dạ được sản xuất năm 2018 tiếp tục bị khán giả Việt tố “ăn cắp” Nhã nhạc cung đình Huế vào một phân cảnh trong phim. Cụ thể, ngày 29.4, trang fanpage chuyên phim Hoa ngữ chia sẻ đoạn clip về một cảnh trong phim Thịnh Đường huyễn dạ có sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế, kèm theo dòng trạng thái bày tỏ bất bình: “Họ lấy Nhã nhạc cung đình Huế làm nhạc truyền thống trong phim cổ trang dưới thời Đường, trong khi Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu” và là văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2003”.
Thịnh Đường huyễn dạ sản xuất năm 2018 là tác phẩm cổ trang, huyền ảo với các diễn viên Ngô Thiến, Trương Vũ Kiếm, Trịnh Nghiệp Thành. Thời điểm phim mới được phát sóng, một số khán giả Việt đã nhận ra có sự dụng Nhã nhạc cung đình Huế vào một phân đoạn nên phản ứng gay gắt.  
Trước đó vào tháng 10.2019, phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ (Abominable) bị rút khỏi các rạp chiếu Việt Nam sau khi bị cư dân mạng lên án gay gắt vì tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" trong một cảnh phim. Phim do Hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc. Nhà phát hành CGV đã bị phạt 170 triệu đồng và phải tiêu hủy bản phim (các file phim kỹ thuật số đã nhập, các tài liệu quảng cáo phim). Bộ phim cũng bị các quốc gia Đông Nam Á phản đối dữ dội, như Philippines kêu gọi tẩy chay toàn cầu đối với hãng DreamWorks, Malaysia cấm phát hành bộ phim.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.