Loạt công trình trọng điểm tái khởi động

30/09/2021 06:58 GMT+7

Đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch Covid-19 , loạt dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM sẽ chính thức thi công trở lại sau ngày 1.10.

Khoảng 90 công trình “nóng máy” trở lại

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt: Ban Giao thông) vừa thông báo: Dự kiến giai đoạn từ sau ngày 1.10 sẽ có 45 gói thầu thuộc 25 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM lần lượt thi công trở lại. Đây đều là các dự án đáp ứng đầy đủ 7 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng chống dịch theo quy định của UBND TP.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường. Tái thi công dự án cũ, khởi công dự án mới sẽ là tiền đề kích hoạt kinh tế TP.HCM sau kỳ ngủ đông quá dài vì Covid-19.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết trong số 45 gói thầu tái thi công, có 5 gói thầu thuộc 3 dự án giao thông trọng điểm đã duy trì công tác thi công liên tục trong suốt thời gian giãn cách vừa qua, gồm: dự án Xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên đường xa lộ Hà Nội; dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; và công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Các đơn vị thi công đã cố gắng duy trì tiến độ theo mô hình “3 tại chỗ”, ăn ngủ trên công trường, đưa các công trình tăng tốc về đích. Đến nay, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới và hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gần hoàn tất các khối lượng thi công, dự kiến hoàn thiện toàn bộ công trình vào cuối tháng 9 này.
Bên cạnh đó, 40 gói thầu thuộc 22 dự án giao thông đã phải tạm dừng thi công trong thời gian giãn cách sẽ lần lượt thi công trở lại trong giai đoạn từ ngày 28.9 - 15.10. Đây đều là các dự án nằm trong danh sách trọng điểm, nhận được nhiều mong chờ của người dân như: dự án Xây dựng mới cầu Bưng; nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương); xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương; xây dựng mới cầu Hang Ngoài; xây dựng cầu Cây Da; dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2...
Trong số 40 gói thầu trên, Ban Giao thông cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành 11 gói thầu, dự án. Trong đó có 9 gói thầu, dự án dự kiến hoàn thành trước ngày 31.12 và 2 gói thầu, dự án sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
“Các khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết để ổn định và đẩy nhanh tiến độ thi công tại các công trường trong tháng 10.2021 chủ yếu tập trung vào việc di chuyển của lực lượng lao động từ các tỉnh về TP.HCM; vận chuyển vật tư, nguyên liệu, bê tông, cấu kiện đúc sẵn... từ các tỉnh về TP và thực hiện các công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các công trường... Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời của UBND TP, các sở, ngành và chính quyền địa phương, tập thể Ban Giao thông cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu quyết tâm khắc phục các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công tại công trường, góp phần vào mục tiêu chiến đấu chống dịch Covid-19 và phát triển TP trong giai đoạn bình thường mới”, ông Lương Minh Phúc khẳng định.
Trong khi đó, Sở GTVT TP.HCM cũng vừa ban hành quyết định chấp thuận cho 65 công trình được phép triển khai thi công trở lại cũng như khởi công mới. Như vậy, trong tháng 10, sẽ có khoảng 90 công trình tại TP.HCM “nóng máy” trở lại sau thời gian dài ngừng trệ vì dịch.

Tái phục hồi kinh tế

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND TP về xây dựng các chính sách, kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Sở sẽ xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án với tổng số vốn 675.000 tỉ đồng. Trong danh sách có nhiều dự án “khủng” như: đường trên cao số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố); số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); tuyến trên cao Bắc - Nam đoạn từ đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh; cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Bình Quới, cầu Bình Quới - Rạch Chiếc; cùng các tuyến metro số 2, 3a, 3b, 4, 4b, 5, 6; tuyến xe điện mặt đất số 1, tàu điện một ray (monorail) số 2, số 3...
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, đánh giá: Khi một nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, việc tập trung các nguồn lực, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, không cắt giảm, thậm chí tăng nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng bằng ngân sách nhà nước là hướng đi bắt buộc để khôi phục kinh tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động thu hút nhiều lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng.
Đồng tình, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh đầu tư công là lĩnh vực dễ kích hoạt, dễ thúc đẩy nhất để tái phục hồi nền kinh tế. Đầu tư công của TP.HCM hiện nay có một phần của địa phương nhưng cũng còn nhiều đại dự án phụ thuộc lớn vào ngân sách quốc gia. Sau thời gian căng mình chống dịch, ngân sách TP rất khó đảm bảo để cân đối bố trí cho dự án trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Nếu Chính phủ ưu tiên giải ngân, để lại tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn hơn, TP.HCM sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và nền tảng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số. Các công trình chuyển động không chỉ là vốn mồi trong tổng vốn đầu tư xã hội, kích thích tiêu dùng, giải quyết bài toán người lao động mà còn là cơ sở hạ tầng quan trọng để TP.HCM phát triển trong tương lai”, ông Dũng đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.