Loại pháo phản lực khiến Ukraine 'bức xúc' vì đề nghị cấp mà Mỹ chưa cho

20/05/2022 14:26 GMT+7

Theo trang tin Politico, giới chức Ukraine đang thất vọng vì chính phủ Mỹ không cung cấp các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa Mỹ sản xuất cho Kyiv.

Theo 3 nguồn tin ẩn danh thân cận với vấn đề, dù Kyiv đã nhiều lần kêu gọi Mỹ chuyển giao hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) trong nhiều tháng qua, Nhà Trắng vẫn tỏ ra không ủng hộ vì lo ngại đây có thể là bước đi gây leo thang căng thẳng với Điện Kremlin.

Politico hôm 18.5 dẫn lời một viên chức quốc hội nói rằng động lực từ cuộc họp 40 quốc gia về viện trợ quân sự cho Ukraine hồi tháng 4.2022 “dường như đã giảm nhiệt” và kết quả là Kyiv “ngày càng bức xúc”. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ khác xác nhận Washington và Kyiv “đang tích cực thảo luận” về hệ thống MLRS.

Nhưng quan chức này nhấn mạnh không phải vũ khí nào Ukraine yêu cầu cũng có thể được chuyển giao nhanh chóng. Người này giải thích rằng Nhà Trắng phải đưa ra quyết định về việc hệ thống vũ khí nào “mang lại hiệu quả lớn nhất với số tiền hiện có”.

Vì vậy, Mỹ được cho là đã quyết định gửi 90 lựu pháo M777 cho Kyiv vì cùng số tiền được phân bổ, số lượng lựu pháo và đạn được gửi đi sẽ nhiều hơn so với gửi hệ thống MLRS. Cũng theo Politico, Mỹ đã ngầm cung cấp nhiều hệ thống pháo phản lực thời Liên Xô cũ cho Ukraine trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, Mỹ không cung cấp các hệ thống pháo phản lực tầm xa và có sức công phá lớn mà Kyiv mong muốn vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng các vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 Mỹ chuyển cho Kyiv

Theo bài báo, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã liệt kê các các hệ thống pháo phản lực bắn loạt M142 HIMARS và M270 MLRS trong số các vũ khí mà Kyiv hiện cần nhất. M270 MLRS có tầm bắn lên đến 70 km và có thể đạt tầm bắn hơn 165 km với các đạn hỏa tiễn tiên tiến hơn. HIMARS hiện đại hơn có thể bắn trúng mục tiêu cách xa từ 300 đến 500 km.

Ngoài Mỹ, Ukraine còn thể hiện sự thất vọng với Đức. Hồi cuối tuần qua, báo Đức Die Welt đưa tin Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã trò chuyện riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht và yêu cầu bà trả lời thành thật liên quan đến lô pháo phòng không tự hành Gepard mà trước đó Berlin đã hứa với Kyiv.

Theo Die Welt, ông Kuleba đã “thực sự nổi giận” trong cuộc đối thoại “khó khăn”. Ngoại trưởng Ukraine được cho là đã nói với bà Lambrecht rằng việc “tuyên bố chuyển giao pháo dù biết là không có đạn” là “không được”.

Một số quan chức Ukraine giấu cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã cam kết với ông Kuleba rằng Berlin sẽ tiếp tục tìm kiếm số đạn còn thiếu ở các nước thứ ba.

Đức đã bật đèn xanh để chuyển pháo Gepard cho Ukraine hồi cuối tháng 4.2022. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn không có tiến triển mới về lô hàng này.

Ukraine có thể nhận được những tên lửa chống hạm đáng sợ này để kiểm soát biển Đen
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.