Loại bỏ tiền mặt - cách hiệu quả giảm bất bình đẳng?

16/01/2017 18:26 GMT+7

Loại bỏ tiền mặt ra khỏi lưu thông có thể là cách hiệu quả nhất để giảm bất bình đẳng. Đây là ý kiến của Giáo sư kinh tế Kenneth Rogoff ở Đại học Harvard (Mỹ), người cũng là tác giả quyển Lời nguyền của tiền mặt .

Theo Bloomberg, ông Kenneth Rogoff cho rằng người nghèo là nhóm người “hưởng lợi lớn nhất” trước các thay đổi vì tiền mặt “hết mốt”. Các lợi ích này bao gồm việc tỷ lệ tội phạm thấp hơn và sự sụt giảm của nhóm lao động được trả lương không chính thức.
Song việc “cai” tiền mặt đòi hỏi cơ sở hạ tầng phù hợp. Hiện tại, ý tưởng của việc này đến từ các nước Bắc Âu, khu vực mà ông Rogoff nói rằng đang tiến xa trong việc thử nghiệm không dùng tiền mặt. Các nước Bắc Âu thuộc top những nước ít tham nhũng nhất và minh bạch nhất thế giới. Tiền mặt chiếm ít hơn 5% lượng tiền trong lưu thông và các nước này nằm trong số những quốc gia ít phụ thuộc vào tiền mặt nhất thế giới.
“Ví dụ, nếu bạn làm tài chính theo cách họ làm ở Đan Mạch, nơi bạn phát cho mọi người thẻ ghi nợ miễn phí, việc này sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề. Tôi nghĩ rằng người nghèo sẽ nằm trong nhóm hưởng lợi lớn nhất”, ông Rogoff nói trong một cuộc phỏng vấn ở Copenhagen (Đan Mạch) hồi tuần trước.
Giáo sư kinh tế Đại học Harvard, người cũng là cố vấn cho Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, cho hay ông có được “rất nhiều nhận định và ý tưởng” về cách một xã hội không dùng tiền mặt vận hành khi đến thăm các nước Bắc Âu. Khu vực đi tiên phong trong việc áp dụng lãi suất âm và có mức bình đẳng thu nhập thuộc hàng top thế giới giúp ông Rogoff nảy ra nhiều ý tưởng về việc xã hội có thể hoạt động ra sao mà không có tiền giấy.
Gian lận thuế hầu như là không thể trong khu vực Bắc Âu. Ở đây, số hóa khá phổ biến. Một số nơi, chẳng hạn như Bảo tàng Abba của Thụy Điển, ngừng chấp nhận hoàn toàn tiền mặt.
Nỗ lực loại bỏ tiền mặt của các nước vùng Scandinavia diễn ra từ từ trên nền tảng kinh tế kỹ thuật số hoạt động tốt. Thử nghiệm khác ở Ấn Độ lại cho thấy nhiều vấp váp lớn hơn. Hồi tháng 11.2016, Thủ tướng Ấn Độ loại bỏ 86% tiền giấy trong lưu thông để kiềm chế “tiền đen” và động thái này gây ra sự hỗn loạn đột ngột. Người nghèo Ấn Độ gặp khó vì phải xếp hàng chờ ở ngân hàng mỗi ngày và chịu xáo trộn trong cuộc sống.
Theo ông Rogoff, tác động của việc không dùng tiền mặt còn mở rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nhập cư. Lao động nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ và những nơi khác là nguồn cho phép nhiều bên thuê mướn lao động quy mô lớn trả lương cho họ mà không có sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Tuy vậy, Rogoff không ủng hộ việc không dùng tiền mặt hoàn toàn. Thế giới vẫn cần một bản sao lưu trong trường hợp mất điện và người dân vẫn cần sự riêng tư khi mua một sản phẩm có giá 20 USD mà không muốn ai biết.
“Tiền mặt vẫn chiếm ưu thế trong các giao dịch nhỏ. Vì vậy tôi nghĩ mọi người đang nhìn thấy tương lai của mình ở hiện tại của các nước Bắc Âu”, ông Rogoff nói.

tin liên quan

Deutsche Bank: Tiền mặt vẫn là vua
Không chỉ có HSBC cho rằng tiền mặt vẫn là vua, ngân hàng Đức cũng cho hay các báo cáo viết về sự sụp đổ của tiền mặt đang bị phóng đại lên rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.