Lỗ vì chiết khấu quá thấp, nhiều cây xăng ngưng hoạt động

02/10/2022 16:34 GMT+7

Nguồn cung khan hiếm, càng bán càng lỗ… khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu ở miền Tây phải nộp đơn xin tạm ngưng hoạt động.

Càng bán càng lỗ

Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Thường Lạc, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đến cây xăng P.V. ở ấp Tân Hòa Thuận, xã Tân Hội, TP.Hồng Ngự mua 10 lít dầu D.O vận hành máy bơm nước tưới vườn cây, nhưng cây xăng không còn dầu để bán. Nhân viên ở đây đề nghị ông để lại can nhựa sáng hôm sau sẽ có hàng. Do cần gấp, ông Dũng phải chạy thêm hơn 3 km đến một cây xăng ở P.An Thạnh, TP.Hồng Ngự để mua.

Chủ cửa hàng Xăng dầu Nguyễn Bình (quốc lộ N2B, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đã nộp đơn gửi Sở Công thương xin ngưng hoạt động dài hạn.

TRẦN NGỌC

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhân viên của cây xăng P.V. nói: “Mỗi ngày cây xăng chỉ nhập được từ 1.000 - 2.000 lít xăng và chừng đó dầu D.O, bán hết thì hôm sau mới có tiếp. Bán lỗ nhưng ông chủ không dám đóng cửa vì sợ bị xử phạt”.

Anh Dũng, trưởng trạm xăng dầu thuộc một đại lý phân phối xăng dầu tại TP.Sa Đéc, Đồng Tháp, trần tình, các cây xăng hiện rất khó khăn. Sau khi trừ chi phí, cây xăng lỗ khoảng 500 đồng/lít xăng dầu bán ra. Tình trạng thua lỗ kéo dài nên nhiều cây xăng đã nộp đơn xin ngưng hoạt động để cắt lỗ.

“Càng bán càng lỗ nên không ai dại gì mua nhiều, bán nhiều để lỗ nhiều cả. Chưa kể, nếu nhập hàng về mà giá xăng dầu xuống thêm thì càng khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều cây xăng mở cửa hoạt động để né bị Quản lý thị trường (QLTT) và Sở Công thương phạt, rút giấy phép chứ không mặn mà kinh doanh lúc này”, anh Dũng nói.

Theo thống kê của Sở Công thương Đồng Tháp, toàn tỉnh có 531 trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9.2022 có 20 trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu gửi đơn xin tạm ngưng hoạt động từ vài tuần đến không xác định thời hạn. Lý do là kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn nhập hàng, bảo trì, sửa chữa cửa hàng hoặc xin tạm ngưng hoạt động cho đến khi được chiết khấu ổn định trở lại.

Lỗ do chiết khấu thấp

Cũng tình trạng tương tự ngày 2.10, Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian gần đây đơn vị nhận được nhiều đơn của các chi nhánh kinh doanh xăng dầu xin tạm ngừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ. Điển hình là Chi nhánh DNTN Dưỡng Thủy (H.Hòa Bình), Chi nhánh Công ty TNHH thương mại Ngọc Đào, DNTN Tú Hoàng (cùng TX.Giá Rai), cơ sở Hồng Hải (H.Phước Long)...

Đại diện Công ty TNHH Phương Thảo (TX.Giá Rai) chia sẻ, do kinh doanh xăng dầu thua lỗ, DN đã tạm thời xin dừng hoạt động nhiều chi nhánh trong 2 tháng qua như: Chi nhánh kinh doanh xăng dầu Phương Thảo 8 (ấp Châu Điền, xã Long Điền Đông, H.Đông Hải); Chi nhánh kinh doanh xăng dầu Phương Thảo 7 (ấp 15 xã Phong Tân, TX.Giá Rai); Chi nhánh xăng dầu Phương Thảo 5 (ấp Khúc Tréo, xã Tân Phong, TX.Giá Rai).

Vị này bức xúc, bên cạnh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu cục bộ, nguyên nhân chính khiến DN không mặn mà với việc bán lẻ xăng dầu là do mức chiết khấu. Chiết khấu tại kho có lúc bằng 0, có lúc chiết khấu chỉ 50 đồng/lít. Do đó, DN không thể bù đắp chi phí, càng bán càng lỗ. Bởi bán lẻ xăng dầu không đủ chi trả tiền điện, nước, lương công nhân. Chưa kể đối với các chi nhánh bán lẻ xăng dầu ở vùng nông thôn thì chi phí quản lý, vận chuyển càng còn cao hơn.

Ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Mạnh Khang (xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp) thì đã gửi đơn cho Sở Công thương xin ngưng kinh doanh xăng dầu đến cuối năm 2022 vì thua lỗ kéo dài, không còn cầm cự nổi. “Càng bán càng lỗ, tiền đâu mà tôi lo cho gia đình. Bị khách mắng tôi cũng đành chịu. Nếu trên không thay đổi cơ chế quản lý thì tôi buộc phải dẹp cửa hàng”, ông Tuấn nói.

Một cây xăng tại xã Mỹ An, H.Tháp Mười, Đồng Tháp đóng cửa từ ngày 1.10

TRẦN NGỌC

Trong đơn xin tạm ngưng hoạt động, ông Tuấn trình bày lý do thua lỗ kéo dài do chiết khấu từ đầu mối cung cấp cho cửa hàng 0 đồng liên tục. Hoặc có chiết khấu nhưng rất thấp chỉ 50 đồng, không đủ bù đắp chi phí hoạt động, âm vốn mất thanh khoản.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Sở Công thương, Cục QLTT tỉnh An Giang… với các DN phân phối xăng dầu, các cửa hàng xăng dầu, ông Nguyễn Ngọc Thới, đại diện DNTN An Kiên cho biết: “Giá hoa hồng bằng 0 thì rất khó cho các đại lý và thương nhân phân phối như chúng tôi. Chúng tôi nhận hàng bằng 0, bán lại cho đại lý bằng 0, chúng tôi lỗ chi phí vận chuyển kéo dài thì không bù đắp nổi”.

Chiết khấu thấp, thậm chí không chiết khấu (0 đồng) là vấn đề được phản ánh rất nhiều lần trong thời gian qua. Chiều 1.10, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời báo chí về việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu càng bán càng lỗ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, cơ quan điều hành không quản lý về chiết khấu xăng dầu giữa nhà bán buôn và bán lẻ, nhà nước chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này, doanh nghiệp tự quy định mức chiết khấu cho người mua. Theo đó, khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm, doanh nghiệp tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại, giá thế giới giảm, doanh nghiệp giảm mức chiết khấu này.

Bộ Công thương cho biết đã nhiều lần đề xuất các cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá bán cơ sở bán lẻ. "Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ phối hợp xem xét và điều chỉnh hợp lý các chi phí này trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin.

Không biết bao giờ Liên bộ mới có giải pháp nhưng việc thiếu xăng dầu cục bộ đang gây lo lắng và bức xúc ở không ít địa phương, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ, nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.