Lô thanh long xuất Trung Quốc nghi nhiễm Covid-19 đã âm tính trở lại

Quế Hà
Quế Hà
25/09/2021 19:29 GMT+7

Ngày 25.9, Sở Công thương Bình Thuận đã có công văn gửi Báo Thanh Niên phản hồi sau bài báo “Có hay không chuyện thanh long Bình Thuận xuất đi Trung Quốc nhiễm Covid-19 trên bao bì ?”

Trong  công văn, Sở Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận sau bài báo “Có hay không chuyện thanh long Bình Thuận xuất đi Trung Quốc nhiễm Covid-19 trên bao bì ?”, sở này đã tiến hành xác minh thông tin để báo cáo UBND tỉnh và cung cấp cho Báo Thanh Niên.
Theo đó, vào ngày 15.9, Sở Công thương Bình Thuận nhận được công văn của Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh về việc quả thanh long xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới Quảng Ninh bị nhiễm SARS-CoV-2 trên bề mặt bao bì vỏ bọc và thùng carton nên phía Trung Quốc thông báo tạm ngừng thông quan (7 ngày). Lô hàng được xác định nhiễm có ký hiệu mã vùng trồng là VN-BTHOR-0035, mã xưởng đóng gói là VN-BTHPH-051.
Ngay sau đó, Sở Công thương Bình Thuận đã có công văn gửi các cơ quan, doanh nghiệp và Hiệp Hội thanh long Bình Thuận nhằm tăng cường các biện pháp chống dịch Covid-19 khi xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Cho đến ngày 22.9 thì hoạt động thông quan trái cây nói chung và thanh long nói riêng đã được thông suốt trở lại.

Xe thanh long VN xuất qua Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

LÃ NGHĨA HIẾU

Mã vùng trồng, mã đóng gói đều do bạn hàng Trung Quốc cung cấp!

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương Bình Thuận đã phối hợp với Sở NN-PTNT, Cục QLTT Bình Thuận và địa phương làm việc với người liên quan cơ sở đóng gói Luân Luân (có ký hiệu đóng gói VN-BTHPH-051 bị phía Trung Quốc cho rằng nhiễm SARS-CoV-2 trên bao bì, ở xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Nam) thì biết cơ sở Luân Luân chấm dứt hoạt động từ năm 2016; đổi tên thành Kiên Sinh 4.
Đến ngày 13.3.2020, Kiên Sinh 4 tiếp tục đổi tên thành Công ty TNHH- TM –XNK Gia Thụy (Công ty Gia Thụy) và hoạt động cho đến nay. Đại diện Công ty Gia Thụy cho biết họ chưa bao giờ xuất thanh long qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh, chỉ xuất qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)
Tuy nhiên, Tổ công tác liên ngành do Sở Công thương chủ trì đã làm việc với cơ sở thu mua thanh long Cường Thắng (ở xã Tiến Lợi, TP.Phan Thiết), thì được biết ngày 2.9.2021, cơ sở này xuất 1 container thanh long ruột trắng có mã số vùng trồng là VN-BTHOR-0035, mà đóng gói VN-BTHPH-051 (chính là lô hàng bị Trung Quốc kết luận nhiễm SARS-CoV-2 trên bao bì). Ngày 13.9 lô hàng bị phía Trung Quốc xét nghiệm và kết luận dương tính SARS-CoV-2 trên bao bì, nhưng ngày 15.9, xét nghiệm lại thì có kết quả âm tính và đã cho vận chuyển thanh long vào nội địa tỉnh Quảng Tây.
Theo đại diện cơ sở Cường Thắng, lô hàng này do chính các đối tác bên Trung Quốc cung cấp mã vùng trồng, mã đóng gói để Cường Thắng in bao bì trước khi xuất hàng.
 

Bình Thuận hiện là vùng trồng trái thanh long lớn nhất cả nước với hơn 35.000 ha, mỗi năm cho sản lượng gần 700.000 tấn quả, 75% sản lượng đều xuất qua Trung Quốc

QUẾ HÀ

Hiện Sở Công thương đã báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận và đề nghị Sở NN-PTNT xử lý hành vi sử dụng không đúng mã đóng gói của Công ty Gia Thụy và cơ sở thu mua thanh long Cường Thắng; đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) hủy mã đóng gói VN-BTHPH-051 của Luân Luân. Đồng thời, đề nghị Cục QLTT Bình Thuận kiểm tra nhãn hàng hóa, việc sử dụng mã vùng trồng, mã đóng gói đã được cấp, kiên quyết xử lý các mã đóng gói vi phạm quy định. Đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân chia hàng hóa xuất khẩu ở nhiều cửa khẩu, không tập trung một nơi để hạn chế ùn tắc thanh long.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, vì sao mã vùng trồng, mã đóng gói lại do phía Trung Quốc cấp cho doanh nghiệp ở VN? Bà N.N.H., chủ một cơ sở chuyên xuất thanh long đi Trung Quốc ở H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, đây là “quy định” của phía thương buôn Trung Quốc từ nhiều năm nay tại các cơ sở thu mua thanh long Bình Thuận. “Cơ sở của tôi có mã đóng gói riêng, nhưng họ bảo là mã đóng gói bao bì của tôi không ăn hàng, tức là mã đóng gói đó khó bán ở bên đó. Họ gửi mã gì thì mình in mã đó trên bao bì rồi xuất, nếu không đúng mã họ cung cấp thì xuất hàng sang tới nơi họ cũng trả lại. Do vậy, có khi thanh long của mình, nhưng họ cung cấp mã trồng, mã đóng gói ở tận đâu đâu mình cũng phải in để bán được hàng”- bà N.N.H chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.