Lo 'phình' biên chế khi lập lực lượng an ninh, trật tự cơ sở

21/06/2023 07:00 GMT+7

Theo tờ trình được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đề nghị thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sáng 20.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ngay sau khi nghe tờ trình dự án luật của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh.

Bộ Công an đề nghị thống nhất các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Theo tờ trình được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội (QH), Chính phủ đề nghị thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng (hiện có khoảng 300.000 người, hưởng phụ cấp, hỗ trợ hằng tháng) thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (BVANTT); đồng thời bố trí thành các tổ BVANTT tại 103.568 thôn, tổ dân phố trên cả nước.

Lo 'phình' biên chế khi lập lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sáng 20.6

Đề nghị đánh giá cụ thể hơn về mô hình tổ chức

Về kinh phí, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện các địa phương vẫn chi trả cho các lực lượng nói trên, trung bình mỗi tỉnh chi khoảng 2 - 2,5 tỉ đồng/tháng. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, khi kiện toàn các lực lượng thành một lực lượng thống nhất thì các tỉnh, TP trung bình mỗi tháng chi trả không vượt quá 2,5 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ đồng/năm).

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH Lê Tấn Tới cho hay ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật. Tuy vậy, ông Tới cũng phản ánh, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể hơn về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ mà không lãng phí nhân lực.

Theo đó, với 103.568 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố trên toàn quốc, nếu bố trí mỗi tổ BVANTT ít nhất 3 thành viên, đồng thời cho phép bổ sung trong trường hợp cần thiết thì tổng quân số của lực lượng không chỉ dừng lại ở 300.000 người. Cùng đó, các ý kiến này cho rằng việc bố trí lực lượng cần được đánh giá cụ thể hơn theo địa bàn, đặc điểm tình hình ANTT ở khu vực đô thị, nông thôn, biên giới và một số địa bàn đặc thù phức tạp về ANTT, bảo đảm quy định sát với thực tế.

Về kinh phí, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp khả năng chi ngân sách. Ủy ban cũng đề nghị rà soát các quy định về bố trí nơi làm việc; mua sắm trang thiết bị; trang phục, huy hiệu, phù hiệu; chế độ… cho đúng tính chất tổ chức quần chúng.

 Ngân sách nhà nước phải chi chắc chắn rất lớn

Dù thống nhất sự cần thiết ban hành luật, song vấn đề "phình" biên chế, tăng chi ngân sách, chồng chéo trong nhiệm vụ vẫn là những lo lắng chính của đại biểu QH khi thảo luận tại tổ sau đó.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nói việc giao cho địa phương chi trả kinh phí đảm bảo cho hoạt động của lực lượng này, bao gồm cả nơi làm việc là không khả thi. Dẫn quy định lấy nơi sinh hoạt cộng đồng làm nơi làm việc cho các tổ BVANTT, ông Khánh nói: "Điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ có cái phòng be bé làm sao bố trí được như thế. Xã bây giờ trụ sở làm việc còn đang khó nữa là".

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cũng đề nghị phải đánh giá kỹ tổng biên chế, tổng mức chi từ ngân sách cho lực lượng này sau khi thành lập. "Theo dự luật thì chúng ta đang hành chính thêm một cấp, ngân sách nhà nước phải chi chắc chắn sẽ rất lớn", ông Lưu nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Vụ Đắk Lắk không có dân làm sao nhanh chóng bắt hàng chục đối tượng như thế

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng bày tỏ việc thống nhất lực lượng hiện hữu lên tới hàng triệu người (gồm cả hơn 800.000 đội viên dân phòng không hưởng phụ cấp, hỗ trợ hằng tháng - PV) thành một lực lượng thì kinh phí chắc chắn rất lớn, không thể mỗi tỉnh trung bình chỉ 30 tỉ đồng một năm như báo cáo. "Đây là tác động cần phải đánh giá kỹ", ông Vân nói.

Lo 'phình' biên chế khi lập lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng tại kỳ họp 10 QH khóa XIV (tháng 11.2020), QH đã một lần không đồng ý thông qua luật. Do đó, lần thứ 2 trình ra, cơ quan soạn thảo phải trả lời, giải trình cho được các vấn đề mà đại biểu QH khóa XIV đã đặt ra. "Điều tôi quan tâm, nói thật, là Chính phủ có cam kết luật này ban hành sẽ tạo sự chuyển biến rõ nét ANTT, an toàn ở cơ sở hay không?", ông Hận nêu.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) đề nghị dự thảo luật cần thêm một chương về huy động người dân tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. "Luật cần phải toàn diện, bao trùm hơn. Chúng ta nói vì dân, do dân nhưng dân lại cứ đứng ở ngoài", ông Hồi nói.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi: Người dân xứng đáng có một chương riêng trong luật mới

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trong mục tiêu đảm bảo ANTT ở cơ sở thì cần phải đề cao vai trò và sự tham gia của nhân dân. "Sự kiện vừa rồi ở Đắk Lắk, không có sự tham gia của nhân dân làm sao nhanh chóng vây bắt được hàng chục đối tượng như thế. Củng cố thế trận lòng dân là tối quan trọng chứ không chỉ củng cố lực lượng khác", ông Vân nêu.

Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Tô Lâm nói mục tiêu của dự luật nhằm bảo đảm ANTT, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, không ai bị đe dọa, ảnh hưởng. Theo ông Lâm, lực lượng công an cơ sở hiện phải giải quyết "trăm thứ việc", do đó sự tham gia hỗ trợ của lực lượng cơ sở rất quan trọng.

Về kinh phí, Bộ trưởng Tô Lâm nói "không có gì là trở ngại, khó khăn lắm". Theo ông, ổn định ANTT cơ sở là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Nếu xảy ra chuyện gì không ổn định thì không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế hay bàn về dự án được. "Nhiều tỉnh đã nói với tôi về chuyện này, như Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra vụ Formosa nói cả năm giải quyết khiếu kiện, vướng mắc, còn thời gian đâu bàn về phát triển kinh tế - xã hội. Hay ở Đắk Lắk, Tây nguyên vừa qua, một việc như thế thôi… nên không thể coi thường (nhiệm vụ này - PV) được. Chúng tôi cũng không ngại về kinh phí, ngân sách đâu. Người dân nhận thức được việc đó sát sườn với họ", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm: 'Vụ việc ở Đắk Lắk không thể coi thường được'

Đảm bảo an ninh nguồn nước, chống ngập lụt đô thị

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Tài nguyên nước sửa đổi. Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương), tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%, đặc biệt, tỷ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.

ĐB Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị làm rõ hơn tác động của việc bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; vấn đề tài chính về tài nguyên nước và việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra; từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách.

Giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết hiện nay biến đổi khí hậu tác động rất lớn, vì thế luật Tài nguyên nước sửa đổi phải làm thế nào đảm bảo được về an ninh nguồn nước rất quan trọng. Ngoài ra, dự thảo luật sẽ rà soát các giải pháp, có giải pháp về tiết kiệm nước, sử dụng nước và sử dụng khoa học cách quản trị về tuần hoàn nước. Bộ trưởng Khánh cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu các chức năng về phòng, chống, thoát lũ, chứa lũ để điều hòa chống úng, chống ngập đô thị, lũ ở các địa phương, ở các dòng sông.

Mai Hà - Lê Hiệp


Bảo vệ người tiêu dùng khi ký hợp đồng ngân hàng, bảo hiểm

Chiều 20.6, với đa số đại biểu tán thành, QH đã thông qua luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) sửa đổi. Một số nội dung được thảo luận, đề xuất bổ sung trong các phiên thảo luận của QH trước đó đã không có trong dự luật được thông qua, như quy định về bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi NTD, ví dụ như bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Ngoài ra, luật cũng quy định bảo vệ NTD khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Để bảo vệ quyền lợi NTD, luật quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát lại các loại hợp đồng này. Với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.