Lo nguồn vốn 5 cao tốc

07/06/2022 06:28 GMT+7

Việc đầu tư đồng loạt 5 dự án cao tốc trọng điểm, gồm 3 cao tốc phía nam và 2 đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM trong thời gian 3 - 5 năm tới, khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về nguồn vốn, tiến độ.

Ngày 6.6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về 5 dự án trên gồm: dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM và 3 cao tốc trọng điểm phía nam (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu).

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, 5 dự án này (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 548,5 km và tổng mức đầu tư 245.654 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn của cả T.Ư lẫn các địa phương. Quy mô thiết kế 4 làn xe (giai đoạn 2 có thể mở rộng lên 6 - 8 làn xe khi có điều kiện). Thời gian khởi công dự kiến của 3 tuyến cao tốc phía nam từ năm 2022 đến khoảng 2026 hoàn thành; dự án vành đai 3 TP.HCM dự kiến hoàn thành vào năm 2025 còn vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội dự kiến năm 2027.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (UBKT) cơ bản thống nhất chủ trương đầu tư của cả 5 dự án. Tuy nhiên, ủy ban này cũng lưu ý khi thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát. Bên cạnh đó là khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.

Giải phóng mặt bằng sớm chi phí chỉ bằng 1/10

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), 5 dự án này sẽ phải giải phóng hàng nghìn héc ta đất. Báo cáo thẩm tra của UBKT cũng lưu ý, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đặc biệt các địa phương phải vào cuộc và chuẩn bị nguồn vốn để sớm GPMB. Đồng thời, cần ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân bị ảnh hưởng của các dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Nút giao giữa QL1A - Cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn và vành đai 3

LÊ BÌNH

Thảo luận tại tổ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết dự án đã được quy hoạch hơn 10 năm nay, người dân đang rất chờ đợi. “Cũng nói luôn, nếu chúng ta triển khai ngay khi có quy hoạch thì chắc chắn chi phí GPMB sẽ giảm chỉ bằng 1/10 so với bây giờ”, ông Mãi phát biểu.

Về các ý kiến băn khoăn nói làm 4 làn mà sao cần GPMB nhiều, theo ông Mãi, kinh nghiệm của TP.HCM cũng như các dự án giao thông khác, nếu bây giờ không GPMB theo quy mô hoàn thiện, thì sau này làm 6 làn, 8 làn xe sẽ rất khó khăn trong GPMB và tăng chi phí lên rất nhiều.

Trưởng đoàn đại biểu (ĐB) QH TP.HCM cho biết, về cơ chế đặc thù Chính phủ trình xin cho toàn dự án nhưng UBKT thẩm tra nêu ý kiến chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, GPMB (trừ gói thầu xây lắp) chỉ cho 2 năm. “Tôi mong QH cho áp dụng chỉ định thầu các gói (trừ xây lắp) toàn thời gian dự án”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ và cho biết, TP.HCM sẽ lên kế hoạch cụ thể từng tuần, tháng để giám sát chặt chẽ thực hiện dự án này.

Tại tổ Hà Nội, ĐB Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý. Trong đó, tách riêng phần GPMB và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. “GPMB luôn là khó nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành GPMB một cách đồng bộ, gồm cả 9,7 km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý”, ông Dũng nói.

Một trong những cơ chế, chính sách chung của dự án là đề xuất cho phép Thủ tướng quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 - 2023)... Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng nếu chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian. Bởi hiện đã qua 6 tháng đầu năm 2022, rồi QH còn thảo luận để thông qua. Một số ý kiến của UBKT cũng đề nghị cơ chế đặc thù này sẽ áp dụng trong 2 năm kể từ khi nghị quyết của QH thông qua chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.

Nút giao giữa QL1A - Cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn và vành đai 3

Lê Bình

Không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) bày tỏ sự băn khoăn về năng lực đơn vị thi công. Hiện nay, theo ĐB Hùng, cả nước chỉ có một số đơn vị của quân đội và các nhà thầu khác nhưng năng lực không nhiều. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ chưa thấy nêu rõ chuyển nhượng việc thu phí hoàn vốn cho tư nhân cụ thể như thế nào. Nếu không chuyển được thì sao và mức phí bao lâu, bao năm hoàn vốn.

Trong khi đó, theo ĐB Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, việc triển khai các dự án này là động lực kết nối, phát triển kinh tế địa phương, liên kết vùng sắp tới. Phương án ban đầu, Chính phủ đề nghị phát hành trái phiếu cho các địa phương vay, nhưng khi thẩm tra thì cho thấy phương án này không phù hợp. Từ đó, ĐB Lan đề nghị cần tính toán đảm bảo vốn thì cho phép các tỉnh sử dụng các nguồn từ nguồn cải cách tiền lương.

ĐB Hồ Đức Phớc (Bình Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết giao thông đi đến đâu thì trăm nghề phát triển, chúng ta phát triển được hệ thống giao thông thì sẽ tạo huyết mạch cho nền kinh tế quốc gia, khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển đất nước, xuất khẩu.

Ông Phớc đề nghị phải tập trung thi công nhanh, khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công; đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn. Về nguồn kinh phí, ông Phớc thông tin, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT đã giải trình Ủy ban Thường vụ QH, đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện.

“Chẳng hạn, Bắc Ninh ngoài nguồn cải cách tiền lương theo quy định thì vẫn còn một nguồn dự phòng, thì cũng đề nghị cho phép áp dụng nguồn lực cải cách tiền lương để triển khai các dự án quan trọng, như dự án tuyến đường cao tốc đi qua địa phương. Trường hợp thiếu, địa phương sẽ xin T.Ư cho sử dụng nguồn huy động trái phiếu”, bà Lan nêu và đề nghị QH có cơ chế cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, ghi rõ trong nghị quyết (thông qua chủ trương dự án) của QH để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ không tán thành với đề nghị này. Chủ tịch QH nói: “Không nên đặt ra ở đây vì đụng chạm tới Nghị quyết T.Ư về cải cách tiền lương”. Chủ tịch QH cho biết, cải cách tiền lương không phải chi một lần, đây là khoản chi thường xuyên hằng năm. Ví dụ, địa phương cần 5.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương 1 năm thì nhiệm kỳ 5 năm phải có sẵn 25.000 tỉ đồng. Chưa kể từng năm điều chỉnh tăng thêm nữa thì số tiền cần cho cải cách tiền lương còn tăng thêm nhiều. Do đó, QH đã có nghị quyết quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì.

Chưa làm thì không nên kêu khó

Về giải pháp nguồn vốn của các địa phương, theo Chủ tịch QH, các địa phương tự phát hành trái phiếu là một giải pháp. Ban đầu, Chính phủ trình phát hành trái phiếu để cho địa phương vay lại nhưng Ủy ban Thường vụ QH không đồng ý. “Chính phủ phát hành rồi cho địa phương vay lại thì địa phương lại thành nợ công của Chính phủ. Địa phương cần huy động thì địa phương huy động đi. Địa phương bảo khó huy động thì đã làm đâu mà biết là khó hay không khó”, Chủ tịch QH nêu.

Theo Chủ tịch QH, nếu địa phương đứng ra vay thì mới có trách nhiệm hoàn trả. Chủ tịch QH lưu ý các địa phương phải cam kết bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư, đồng thời khi điều chỉnh tăng vốn thì địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm để hoàn thành dự án; thứ ba, vốn cho dự án phải nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn của địa phương. “Chứ không phải vẽ ra để báo cáo cho nó xong”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.