Lo ngại không tiêu thụ được tro xỉ than ở Trung tâm điện lực Vĩnh Tân

Quế Hà
Quế Hà
17/03/2021 18:42 GMT+7

Trong hai ngày 16 và 17.3, Đoàn công tác của Quốc hội, đã có các buổi giám sát (lần thứ 2) đối với các nhà máy và bãi chôn lấp xỉ than thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận .

Đoàn công tác của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường (KH-CN-MT) Phan Xuân Dũng, làm trưởng đoàn. Cùng dự còn có Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và các đại biểu quốc hội là thành viên Ủy ban KH-CN-MT.
Trong khuôn khổ cuộc giám sát này, sáng nay 17.3, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Trần Văn Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), UBND tỉnh Bình Thuận và các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.
Theo báo cáo của ông Thiên Thanh Sơn, giám đốc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Cenco3 - EVN), hiện nay nhà máy này đã cải tiến công nghệ đốt, trộn than ngoại vào than nội tới trên 35%, khiến cho lượng tro xỉ than giảm đáng kể. Nhưng hiện nay bãi xỉ than ngày càng đầy, trong khi tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ than vẫn rất chậm.

Ông Trần Văn Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội chủ trì có buổi làm việc với tập đoàn EVN và UBND tỉnh Bình Thuận tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận)

Nếu không có đầu ra, bãi xỉ không còn chỗ chứa

Tương tự, ông Phạm Đình Quang, Phó giám đốc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, cho biết đơn vị này đang đổ chung xỉ than vào bãi xỉ của nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Việc nhà máy này bán tro xỉ cho các nhà máy xi măng hiện nay cũng ít. Nếu không tìm đầu ra, tìm cách chở tro xỉ đi san lấp thì bãi xỉ sẽ không còn chỗ chứa.
Cũng theo ông Quang, hiện nhà máy Vĩnh Tân 4 đã làm việc sơ bộ với Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Ban 7- Bộ GTVT) đề nghị sử dụng tro xỉ để làm đường đấu nối vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa cho biết hiện nay lượng tro xỉ ở bãi đã quá tải. Trong bối cảnh khí hậu nắng gió rất khắc nghiệt ở Tuy Phong thường có gió xoáy, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT) cho biết bãi xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có sức chứa 7,5 triệu tấn, nay đã chôn lấp hơn 3 triệu tấn.
Còn bãi xỉ than than dùng chung của các nhà máy Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng có công suất 7,2 triệu tấn, nay đã sử dụng hết 6,8 triệu tấn (dự kiến vài tháng nữa sẽ đầy).

Bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã chứa 6,8/7,2 triệu tấn tro xỉ than và dự kiến vài tháng nữa sẽ đầy

Ảnh: Quế Hà

Ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết tro xỉ ở Vĩnh Tân đã được chứng nhận “hợp chuẩn hợp quy”. “Tất cả tro, xỉ đã được coi như hàng hóa, không còn coi như chất thải nữa", ông Thịnh nói.
Còn ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KH-CN-MT của Bộ Xây dựng, cho rằng xỉ than cần tận dụng làm san lấp, làm đường giao thông, hoàn nguyên mỏ.
Về việc EVN đề nghị dùng tro xỉ hoàn nguyên mỏ khoáng sản Hang Cò (Vĩnh Tân, Tuy Phong), hiện còn xin ý kiến Bộ TNMT, ông Vũ Ngọc Anh cho rằng, tro xỉ đã hợp quy chuẩn Việt Nam “không cần phải hỏi nữa” mà được phép dùng để hoàn nguyên mỏ khoáng sản Hang Cò. Ông Vũ Ngọc Anh còn đề nghị tỉnh Bình Thuận ủng hộ chủ trương dùng tro xỉ để san lấp, làm đường.

Vì sao không tiêu thụ được tro xỉ than ?

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh cho biết để nỗ lực giải quyết “đầu ra” của bãi tro, xỉ than, cứ mỗi lần họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH Bình Thuận đều có lịch làm việc với các bộ ngành để hối thúc giải quyết.
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, hiện nay bãi xỉ than (Vĩnh Tân 2) chỉ còn công suất 15% là đầy. Việc chôn lấp tro xỉ vừa tốn kém tiền, vừa rủi ro về môi trường. Sở dĩ có điều này, theo ông Cảnh là do người dân còn có tâm lý e dè, chưa tin tưởng vào sự an toàn khi sử dụng tro xỉ.

Việc tiêu thụ tro xỉ than ở Vĩnh Tân còn khó khăn do có tâm lý e ngại khi dùng tro xỉ than để san lấp

Ảnh: Quế Hà

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa kể, trước đây UBND tỉnh từng đề nghị các nhà thầu dùng tro xỉ làm nền mở rộng QL 1 đi qua Bình Thuận, nhưng không được các nhà thầu chấp thuận.
Cũng theo Phó chủ tịch Bình Thuận, trước đây UBND tỉnh này đã cấp phép, giao mặt bằng cho một đơn vị làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ than tại Vĩnh Tân. Nhưng đơn vị này mới chỉ xây dựng nhà xưởng xong rồi bỏ đi luôn, không quay lại nữa.

Đây là nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ than, được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép năm 2018. Tuy nhiên sau buổi thăm quan này, nhà máy không còn triển khai dự án nữa.

Ảnh: Quế Hà

Do vậy, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền để các nhà thầu và người dân thấy rõ lợi ích từ dùng tro xỉ cho các công trình san lấp.
“Nếu cần thiết thì lấy cả ý kiến của Bộ Y tế xem có hại gì không khi dùng tro xỉ san lấp", ông Hòa nói.
Kết luận tại cuộc giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Trần Văn Minh, đánh giá cao nỗ lực của EVN và các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân trong công tác bảo vệ môi trường. Ông Minh đề nghị EVN phải làm báo cáo chuyên đề riêng về vấn đề tro xỉ than Vĩnh Tân, để Ủy ban này tổng hợp báo cáo các cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ.
Về việc di dời 400 hộ dân, sống chỉ cách hàng rào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng chừng  80m, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa  đề nghị EVN bỏ kinh phí ra để làm khu tái định cư, đưa dân sang nơi ở mới. Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Trần Văn Minh cũng đề nghị Tập đoàn EVN và các nhà máy phối hợp tốt với tỉnh Bình Thuận và H.Tuy Phong để di dời dân tới nơi ở mới, nhằm ổn định cuộc sống lâu dài của người dân ở cạnh nhà máy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.