Lo ngại 'hồ sơ đẹp' khi xét tuyển lớp 6

31/05/2017 07:46 GMT+7

Không chỉ phàn nàn việc Sở GD-ĐT Hà Nội ra 'lệnh cấm' các trường ngoài công lập tuyển sinh trước thời hạn, một số trường và các chuyên gia còn lo ngại về tiêu cực làm 'hồ sơ đẹp' để tuyển sinh vào lớp 6.

Tràn lan cuộc thi và “mưa” giải thưởng
Thời gian gần đây, phát biểu của PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Trường phổ thông Lương Thế Vinh, gây “bão” dư luận khi nhắc tới hàng ngàn hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 “đẹp như mơ”.
Ông nói: “Chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh (HS) giỏi cấp trường, cấp quận, thi toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao... Có phụ huynh đã nói nhỏ với tôi rằng những giải văn nghệ, thể thao họ bỏ vài triệu ra mua, thậm chí xin là được”.
Thực tế, rất nhiều phụ huynh các em bậc tiểu học vài năm gần đây đang rỉ tai nhau về việc phải chịu khó cho con tham gia các cuộc thi và tìm cách có giải thưởng. Một phụ huynh có con học trường khá nổi tiếng ở Hà Nội cho biết: "Việc xét tuyển vào lớp 6 với những tiêu chí phụ cũng như việc cộng điểm, tuyển thẳng vào lớp 10 gây ra nhiều bất cập. Tôi thấy có những phụ huynh chỉ lo đưa trẻ đi thi hết giải này đến cuộc thi khác để được cộng điểm. Nhưng điều đó cũng không tiêu cực bằng việc có những em mà tất cả các bạn trong lớp biết rằng không hề có thế mạnh gì về thể dục thể thao nhưng lại được giải rất cao về môn... điền kinh".
Theo văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2016 - 2017 có 8 cuộc thi, olympic dành cho HS tiểu học, 19 cuộc thi cho HS trung học về trí tuệ, khoa học kỹ thuật, văn nghệ, thể dục thể thao...
Thống kê của ban tổ chức cuộc thi Violympic (cuộc thi cấp quốc gia về toán và vật lý trên internet) cho thấy chỉ tính riêng trong năm học 2016 - 2017, đã có trên 20 triệu tài khoản đăng ký trên trang web. Hơn 5 triệu thí sinh dự thi cấp trường, 1,5 triệu thí sinh tham gia thi cấp quận, huyện, gần 550.000 thí sinh thi cấp tỉnh thành phố và 16.548 người dự thi ở cấp quốc gia, tăng gần gấp đôi so với con số 9.180 HS dự thi vòng toàn quốc năm 2015 - 2016. Số HS đoạt giải cũng nhiều đến bất ngờ với 4.485 người.
Sân chơi nhiều toan tính
Nhiều chuyên gia cho rằng số lượng HS tham gia tăng vọt gần gấp đôi như trên không phải do HS thích tham gia mà cha mẹ, nhà trường muốn HS đi thi với mục tiêu duy nhất để lấy giải thưởng để cộng điểm khi xét tuyển vào các trường danh tiếng.
GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Một kỳ thi lẽ ra phải trở thành một sân chơi rất vui nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Tôi đã bỏ thời gian ra để đọc tất cả các đề thi đến vòng thứ 8, 9 thì thấy rất... chán nên tôi là một trong những người tích cực ủng hộ cần phải... dẹp những kỳ thi đó".
GS Thái nói thêm: "Tôi được biết có những em lập tới hơn 20 nick để có thể thi tới hai chục lần, làm tới mức mà khi thi chính thức thì chỉ cần nhìn đề thi là thuộc lòng, chọn ngay được đáp án đúng”.
Trong vài chục cuộc thi được Bộ, Sở cho phép đưa vào nhà trường, có cả những cuộc thi mang danh “quốc tế” nghe lạ hoắc nhưng các trường và giáo viên rất hào hứng động viên phụ huynh tham gia. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Siêu, cho biết: “Quá nhiều cuộc thi mang tính thương mại. Năm nào cũng có hàng chục trung tâm, tổ chức... mời chào cho HS tham gia các cuộc thi, tất nhiên nhà trường có được họ trích lại kinh phí từ khoản thu của HS. Tuy nhiên, nhà trường phải là một bộ lọc”.
Sẽ không dùng giải thưởng để cộng điểm xét tuyển
Trước thực tế này, ngày 29.5, Bộ GD-ĐT có văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký, gửi các sở chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia cũng như các cuộc thi tại địa phương dành cho giáo viên và HS phổ thông. “Kết quả rà soát của Bộ cho thấy, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và HS hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên, HS. Nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội”, văn bản chỉ rõ.
Vì vậy, Bộ chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để tổ chức. Đáng lưu ý, tại văn bản này, Bộ khẳng định sẽ “không sử dụng kết quả các cuộc thi do sở tổ chức và thành tích của HS do sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của HS từ năm 2017 - 2018, tuyển thẳng trong xét tuyển HS đầu cấp từ năm học 2018 - 2019”.
Sẽ cho phép một số trường thi vào lớp 6 ?
PGS Văn Như Cương đề nghị để một số trường tốp đầu được tổ chức thi tuyển. So với con số khoảng 600 trường THCS ở thủ đô, số lượng trường cần thi để tuyển lựa HS vì quá nhiều hồ sơ đăng ký là rất nhỏ. So với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để được ưu tiên thì thi một cuộc có lẽ sẽ bớt vất vả và tiêu cực hơn.
Tại một hội nghị mới đây của Sở GD-ĐT Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội), cũng đề nghị chính sách đánh giá và tuyển chọn HS vào THCS phải thay đổi.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, cùng với việc cho rà soát và chấn chỉnh lại các cuộc thi đang tồn tại trong trường học trên cả nước hiện nay, Bộ đang nghiên cứu, tính toán lại lệnh “cấm” thi vào lớp 6 áp dụng vài năm gần đây.
Nguồn tin này cho biết trong mùa tuyển sinh cho năm học 2017 - 2018 tới chắc chắn sẽ không có bất cứ thay đổi nào, nhưng từ năm 2018 - 2019 sẽ cân nhắc để đưa ra giải pháp tuyển sinh vào lớp 6 của một số trường đặc thù cho hợp lý hơn, tránh những tiêu cực, biến tướng từ các cuộc thi để lấy điểm cộng vào các trường tốp trên.
Các trường đặc thù có hệ THCS ở trong trường chuyên như Trần Đại Nghĩa -TP.HCM, Hà Nội - Amsterdam hay những trường ngoài công lập có sức hút tuyển sinh lớn như Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Siêu... có thể được phép tổ chức thi tuyển. Ý tưởng ban đầu là những trường này phải trình đề án tuyển sinh riêng để vừa lựa chọn được HS theo đúng mục tiêu giáo dục của trường mình vừa không gây ra tình trạng căng thẳng hoặc tiêu cực về luyện thi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.