Lo miễn giảm thuế quá nhanh, quá rộng

13/06/2017 09:06 GMT+7

Việc miễn giảm thuế quá nhanh, quá rộng trong một thời gian dài sẽ tác động đến ngân sách nhà nước.

Đây là lo lắng của đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 sáng 12.6.
Thông qua luật Quản lý ngoại thương, luật Hỗ trợ DNNVV
Chiều 12.6, với 433/438 ĐBQH ấn nút tán thành, QH đã chính thức thông qua luật Quản lý ngoại thương với 8 chương, 113 điều. Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Trước đó, sáng 12.6, với 410/442 số ĐB có mặt tán thành, QH đã thông qua luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018. Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
A.Vũ - Tr.Sơn

Với vai trò Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ĐB Lưu Mai cho rằng việc miễn, giảm đã được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi khá rộng và đối tượng miễn, giảm thì ngày một tăng, sẽ tác động phần nào đến thu ngân sách nhà nước. “Theo ước tính của Chính phủ, hiện nay cứ giảm 1% thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc giảm thu từ ngân sách nhà nước 6.000 tỉ đồng. Tính riêng trong năm 2013 khi chúng ta thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm thu 2.080 tỉ đồng, năm 2014 giảm thu 2.500 tỉ đồng”, ĐB Mai cho hay.
Cũng theo ĐB Mai, một bất cập khá phổ biến hiện nay là việc lồng ghép các chính sách xã hội và chính sách thuế, làm mất đi tính trung lập của thuế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. ĐB Mai cho rằng, nên hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thời gian qua do kinh tế khó khăn, nên chính sách tài khóa đã tập trung vào chính sách thu để khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. “Giờ nhìn lại, chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, so với chiến lược thuế đã được duyệt”, Bộ trưởng nói. Một vấn đề khác ảnh hưởng đến thu ngân sách được Bộ trưởng Dũng cho biết là tình trạng trốn thuế, khai man thuế diễn ra khá phổ biến, “gần như kiểm tra doanh nghiệp nào về thuế cũng có vi phạm”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Dũng, mấy năm qua vấn đề bội chi ngân sách nhà nước đảm bảo trong số tuyệt đối mà QH phê chuẩn nhưng 3, 4 năm GDP không đạt theo kế hoạch, cho nên số tương đối về bội chi, số tương đối về nợ công là tăng nhanh.
“Bây giờ biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra, thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được. Cần có sự phối hợp, sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành thì ngân sách nhà nước mới từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay”, Bộ trưởng Dũng nói.
Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu và phê chuẩn
Sáng 12.6, với đa số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2018. Nghị quyết quy định, tại kỳ họp thứ 5, QH sẽ xem xét các báo cáo, tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH và giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016. Tại kỳ họp thứ 6, bên cạnh việc xem xét các báo cáo thường niên, QH sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH và lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu và phê chuẩn theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của QH.
Tr.Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.