Lo lắng vì chi phí liên tục tăng

05/05/2022 06:31 GMT+7

Giá xăng dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh. Một mặt bằng giá mới có thể được thiết lập khiến lạm phát khó giữ được mức an toàn như kỳ vọng.

Thiết lập mặt bằng giá mới

Chiều qua (4.5), liên bộ Công thương - Tài chính đã có quyết định điều hành giá xăng dầu mới, tăng lần thứ 2 liên tiếp với tổng 2 lần tăng hơn 1.000 đồng/lít xăng trong gần 1 tháng qua. Theo đó, xăng RON95 lên 28.434 đồng/lít, xăng E5 RON92 lên 27.468 đồng/lít. Lần này, mức tăng của giá xăng cao nhất khoảng 450 đồng/lít, không quá cao so với những kỳ tăng giá trước, song các dự báo đều cho thấy, giá cả hàng hóa đối diện nguy cơ tiếp tục tăng trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) hết “gồng” nổi.

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng 10% trong vòng hơn tháng qua

Ngọc Dương

Ông Lê Quang Hậu, chủ Cơ sở sản xuất nem chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết giá xăng dầu đợt này tăng nhẹ, nhưng thị trường đã và đang hình thành một mặt bằng giá mới, tăng khoảng 10% trong vòng hơn 1 tháng qua. Giá chai nước mắm, lít dầu ăn đến ký đường đều tăng từ 5 - 10%. Tuần trước, Công ty TNHH nước mắm Tiến Hải ở Phan Thiết (Bình Thuận), cung cấp nước mắm cho cơ sở ông Hậu đã “xù” không giao hàng, dù báo tăng giá 20% so với cuối năm 2021. Tiền cơ sở đã chuyển hết nhưng hàng không giao, hẹn nhiều lần và cuối cùng là… gọi không nghe máy nữa. Ông Hậu nói: “Đến bây giờ tôi vẫn không rõ nguyên nhân nhưng vài dấu hiệu cho thấy, DN này có thể đang gặp khó khăn… Do cần gấp để sản xuất, tôi buộc phải tìm mua nguồn hàng từ cơ sở khác, giá tăng 10% so với tháng trước và nhà cung cấp nước mắm này dự tính sẽ tiếp tục tăng giá vài phần trăm nữa trong thời gian tới với lý do giá dầu tăng khiến giá cá đánh bắt tăng. Ngoài ra, giá cước vận tải đối với xe đông lạnh chở hàng cũng tăng liên tục. Đầu năm đến nay tăng 2 lần đối với tuyến đường ngắn, từ TP.HCM đi Nha Trang và TP.HCM đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Có thể lần tăng giá xăng dầu kỳ này là “cú bồi” để hợp thức hóa giá cả hàng hóa tăng tiếp”.

Giá bán lẻ hàng hóa đến tay người tiêu dùng liên tục tăng theo đà tăng của giá xăng dầu

Ngọc Dương

Thực tế, giá cả hàng hóa được thiết lập mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng liên tục trong vòng 4 - 5 tháng qua. Chỉ tính với giá tô bún bò của tiệm bún bò Ngự Hà (Q.Tân Phú, TP.HCM), từ trước Tết Nhâm Dần đến nay đã tăng từ 40.000 đồng/tô lên 45.000 đồng/tô. Chị Ái Như, chủ quán bún bò này cho biết sắp tới có thể tăng thêm 5.000 đồng lên 50.000 đồng/tô mới có lãi bởi giá thuê mặt bằng đã chính thức tăng 10% từ đầu tháng 4, cộng thêm cước vận tải mua hàng từ Huế vào tăng thêm 10%. “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguyên liệu nấu bún, cước vận tải, giao hàng, mặt bằng… đều tăng nhưng quán không dám tăng giá bán. Nay hết “gồng” nổi, sắp tới phải tăng giá bán mới đủ trang trải chi phí được”, chị Ái Như bộc bạch.

Tương tự, theo phản ánh của các nhà thầu xây dựng, giá vật liệu xây dựng tăng từ 10 - 15% trong 2 tháng qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài giá thép tăng quá mạnh, theo các nhà thầu, giá xi măng từ đầu tháng 4 đến nay đã kịp tăng 5 - 7%, tương đương tăng 5.000 đồng/bao. Đặc biệt, giá gạch men tăng “không biết điểm dừng”, trong vòng 3 tháng tăng gần gấp đôi và nay rục rịch báo tăng tiếp; giá sàn gỗ tăng khoảng 15%, nay lên 20% so với đầu năm; giá sơn nước tăng 20%... Ông Nguyễn Duy Thành, Giám đốc Công ty Global Home, phân trần rằng giá nhiên liệu tăng khiến giá hàng hóa tăng được nhìn thấy rõ. “Khả năng giá cước vận tải, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới, gây áp lực vô cùng lớn cho DN và người tiêu dùng. Giá tăng, tiền vay khó khăn nên khả năng thanh khoản của sản phẩm bất động sản càng khó khăn hơn. Mặt bằng giá có thể được thiết lập mới, nhưng sức mua giảm, thanh khoản không được thì rất khó cho chủ đầu tư lẫn người tiêu dùng. Với các dự án mới, vay đầu tư đã khó, giá vật liệu tăng khiến các nhà thầu muốn tính thêm mức tăng giảm, tỷ lệ trượt giá… không chấp nhận chốt giá cố định”, ông Thành nêu quan điểm.

Doanh nghiệp mệt mỏi vì chi phí tăng

Trước đà tăng như vũ bão của chi phí đầu vào, nhiều DN trong ngành sản xuất xuất khẩu rơi vào nghịch lý: đơn hàng không thiếu nhưng họ phải cân nhắc khi nhận thêm các đơn hàng mới. Bà Phan Thúy Nga, chủ cơ sở may gia công xuất khẩu đồ thun ở Q.3, TP.HCM, cho biết tình hình giá cả đầu vào rất khó dự báo. Ngay giá vải nhập sau 1 tuần xảy ra xung đột Ukraine và Nga đã tăng vọt lên 20%, cho dù hàng của cơ sở nhập từ Ấn Độ, không liên quan gì thị trường Đông Âu.

Bà Nga nói: “Với đà giá cả cứ biến động liên tục trong thời gian tới và sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, không ít DN sẽ “rơi rụng” nữa. Thiếu hụt nguồn vốn để mua dự trữ nguyên liệu với số lượng lớn. Giá cả lại tăng, lấy công làm lời mà nay công bỏ ra lại lỗ lã thì buộc rời sân chơi thôi. Bởi DN ký các đơn hàng lớn kéo dài, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng rất dễ thua lỗ”. Tương tự, ông Ken-ichiro Abe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fict Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai) kiêm Trưởng nhóm Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, cũng cho biết: “Giá xăng dầu tăng cao đang tác động rất lớn đến sản xuất của ngành công nghiệp vì kéo theo các chi phí đầu vào cho sản xuất đều tăng. Các DN đã ký kết đơn hàng dài hạn đều gặp khó khăn vì không dự báo được nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác sẽ tăng nhanh nên phải đàm phán lại với khách hàng về giá bán và sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp”.

Có thể lần tăng giá xăng dầu kỳ này là “cú bồi” để “hợp thức hóa” giá cả hàng hóa tăng tiếp.

Ông Lê Quang Hậu, chủ Cơ sở sản xuất nem chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Trao đổi với Thanh Niên, bà Lâm Thúy Ái, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM, trăn trở: Nếu không phải là người tâm huyết gắn bó với công ty thì chắc nhiều DN sẽ “buông tay” trong lúc này. Xăng dầu tăng, cước vận chuyển tăng, nguyên liệu tăng, lương nhân viên tăng… Trong khi đó đầu ra sản phẩm không tăng tương ứng được vì sức mua yếu. Không phải riêng DN của bà mà hầu hết các chủ DN khác trong Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang cũng đều bị stress vì lo lắng. “Chỉ cần một chút sơ sẩy khi chốt giá mua bán hoặc biến động bất ngờ trên thị trường thì DN bị thua lỗ ngay”, bà Ái bộc bạch và bổ sung: “Hiện nay túi tiền của người dân đang eo hẹp, cho nên họ rất cân nhắc lựa chọn, thậm chí là tiết kiệm hơn trước trong tình hình khó khăn này. Điều này khiến nhà sản xuất khó chồng khó. Đầu vào tăng, đầu ra khó bán…”.

Nguy cơ lạm phát

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định: “Chi phí đẩy và lạm phát đầu vào sản xuất sẽ cụ thể hóa vào chỉ số tiêu dùng (CPI) trong các quý tới, áp lực sẽ tăng dần, thế nên khả năng duy trì lạm phát 4% chưa chắc sẽ đạt được cuối năm nay. Chúng tôi cũng đã có bàn về vấn đề này khá chi tiết trong tọa đàm về hỗ trợ và phục hồi kinh tế VN trong điều kiện mới do Viện tổ chức cuối tháng 4 vừa qua.

Theo đó, một trong những rủi ro, gây trở ngại chính đối với quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay là áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh. Mặc dù các tác động trực tiếp của VN từ xung đột Ukraine - Nga không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với VN khá nhỏ, song các tác động gián tiếp là tương đối lớn. Giá nhiên liệu thế giới biến động liên tục, tăng giảm khó lường, đặc biệt đến đầu tháng 5 này giá xăng dầu trong nước lại tiếp tục tăng theo giá thế giới đang gây áp lực lớn cho DN sản xuất kinh doanh”.

“Nhìn chung, áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy từ 2 yếu tố. Đó là thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao. Thế nên, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với VN. Đây là một trong những thách thức rất lớn với VN khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến DN khốn khổ”, TS Việt nói.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần hỗ trợ DN nhằm khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch. VN cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Thực tế, lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Thế nên, lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm nay, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.

Cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.