Lỗ hổng từ các vụ cháy làm tử vong nhiều người

17/06/2021 07:22 GMT+7

Thời gian qua, một số tỉnh, thành liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà làm nhiều người tử vong thương tâm. Mới đây vụ cháy ở Nghệ An làm 6 người thiệt mạng khiến người dân cả nước bàng hoàng.

Đáng chú ý, nguyên nhân đa số các vụ cháy này bước đầu được xác định là do chập điện, trong nhà chứa nhiều vật liệu dễ cháy chiếm lối thoát hiểm, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) khó tiếp cận để cứu người, chữa cháy.

Kinh hoàng cháy phòng trà ở Nghệ An lúc rạng sáng làm 6 người chết

Phát hiện nhiều vi phạm Phòng cháy chữa cháy

Ngày 16.6, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An và Cục Khoa học hình sự Bộ Công an đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường vụ cháy phòng trà Fill (146 Đinh Công Tráng, P.Lê Mao, TP.Vinh, Nghệ An) rạng sáng 15.6 khiến 6 người chết. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây cháy có thể do chập điện ở tầng 1 rồi cháy lan.
Đại tá Cao Minh Huyền, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết qua khám nghiệm hiện trường vụ cháy, ghi nhận trong nhà đồ đạc dễ cháy chắn lối đi; hiện trường xảy ra cháy kín, không có lối thoát nạn. Công trình này xây tự phát, không đảm bảo quy chuẩn về an toàn PCCC.

Công an khám nghiệm hiện trường một vụ cháy  

Chiều cùng ngày, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC (PC07) Công an tỉnh Quảng Ngãi xác định, nguyên nhân vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại số 812 Quang Trung (TP.Quảng Ngãi) làm 4 người tử vong sáng 5.6 là do chập điện. Vị này cũng thừa nhận, rất khó khăn trong việc tiếp cận chữa cháy đối với nhà ống, nhà đúc ở phố thị. Trước đó, ngày 7.5 xảy ra vụ cháy khiến 8 người tử vong ở Q.11 (TP.HCM), căn nhà bị cháy vừa kinh doanh vừa ở, bên trong chứa nhiều vật liệu dễ cháy chắn lối thoát hiểm nên dẫn đến hậu quả thương tâm trên.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng C07 Bộ Công an, cho biết đã nhiều lần khuyến cáo người dân, hộ gia đình, những gia đình ở riêng hoặc ở kết hợp với sản xuất kinh doanh cần quan tâm đến hệ thống PCCC, đặc biệt là hệ thống điện trong mùa nắng nóng.
“Đối với nhà ở, cần phải bố trí lối thoát hiểm, ít nhất có 2 lối trở lên. Không gian ở cần phải có sự tách biệt giữa nơi sinh hoạt và nơi sản xuất kinh doanh. Nếu không tách biệt thì cần bố trí thiết bị có khả năng ngăn cháy và khói”, ông Khương nói, đồng thời lưu ý các gia đình nên trang bị hệ thống thiết bị cảnh báo cháy sớm, khi xuất hiện khói, thiết bị sẽ đổ chuông hoặc cảnh báo qua điện thoại cho chủ nhà để chủ động có biện pháp thoát hiểm.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng ?

Theo lãnh đạo PC07 Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2020 về trước, kiểu nhà kết hợp kinh doanh không thuộc diện quản lý, kiểm tra của lực lượng PCCC tỉnh, mà do cấp xã, thị trấn, phường theo dõi. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy làm 4 người tử vong vừa qua, lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường đã phát hiện ra việc chữa cháy, cứu nạn rất khó khăn.
“Chúng tôi đang kết hợp với các thành phố, huyện, thị xã mở đợt cao điểm kiểm tra tất cả các cụm dân cư, rà soát tất cả loại nhà ở kết hợp kinh doanh để hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, bố trí cửa thoát nạn, thoát hiểm tại nhà ở cho người dân. Đồng thời, sẽ yêu cầu hộ dân có nhà ở kết hợp kinh doanh làm cam kết về an toàn PCCC, hạn chế thấp nhất khi hỏa hoạn xảy ra”, lãnh đạo PC07 tỉnh Quảng Ngãi nói. 

Hiện trường vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại Quảng Ngãi

Ảnh: Phạm Anh

Ngoài ra, công tác cứu hộ chữa cháy cũng hết sức quan trọng nhưng có không ít địa phương còn hạn chế. Điển hình, công tác chữa cháy nhà 812 Quang Trung (TP.Quảng Ngãi) của lực lượng chữa cháy chưa thật sự chuyên nghiệp khiến người dân bức xúc. Đại tá Lê Xuân Hưng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận khi xảy ra cháy, người dân có quay clip ghi nhận cảnh một số cán bộ, chiến sĩ thao tác chậm chạp, thiếu chuyên nghiệp, lúng túng.
Lãnh đạo PC07 tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hình ảnh chỉ từ một phía nên chưa phản ánh toàn diện công tác chữa cháy, tuy nhiên cũng gây dư luận không tốt. Vì vậy, PC07 đã tiến hành kiểm điểm nhóm chiến sĩ này. Qua tìm hiểu thì nhóm chiến sĩ này là lực lượng đi nghĩa vụ quân sự (2 năm), thuộc lực lượng PCCC, vừa được huấn luyện nên đã không tránh khỏi lúng túng khi tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Để khắc phục tình trạng trên, PC07 tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ thường xuyên huấn luyện công tác PCCC cứu nạn cứu hộ, nâng cao năng lực cho lực lượng này.
Trong khi đó, đề cập đến công tác kiểm tra PCCC của cấp cơ sở đối với phòng trà Fill thì ông Nguyễn Tam Kỳ, Chủ tịch UBND P.Lê Mao (TP.Vinh, Nghệ An), cho hay hằng năm phường đều tổ chức kiểm tra PCCC các cơ sở kinh doanh, trong đó có phòng trà Fill. Tuy nhiên, ông không nhớ lần gần nhất kiểm tra phòng trà này có vi phạm hay không.

Khuyến cáo cẩn trọng cháy vào ban đêm

Theo đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng C07 Bộ Công an, các vụ cháy gây hậu quả thảm khốc tại TP.HCM, Quảng Ngãi hay Nghệ An mới đây đều có điểm chung là xảy ra vào ban đêm, thời điểm tính chủ động phát hiện cháy của người dân bị hạn chế. “Việc phát hiện cháy vào ban đêm là rất khó khăn. Khi phát hiện ra thì nạn nhân đã hít phải khí độc, rất khó minh mẫn, thậm chí hoảng loạn, khó để tìm ra lối thoát hiểm, nhất là vào ban đêm”, đại tá Khương nói.
Theo Bộ Công an, trong tháng 5, toàn quốc xảy ra 450 vụ cháy và sự cố cháy làm chết 14 người, bị thương 26 người; thiệt hại tài sản ước tính 28,9 tỉ đồng... Số vụ cháy và người chết, người bị thương đều tăng cao hơn nhiều so với tháng 4. Đáng chú ý, 313 vụ cháy và sự cố cháy xảy ra tại khu vực thành thị, chiếm 69,54% tổng số vụ. Cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân 289 vụ, trong đó do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 163 vụ.
Thái Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.