Lỡ hẹn 8 năm, khu tái định cư hàng chục tỉ đồng 'ế' chỏng chơ

Khánh Hoan
Khánh Hoan
09/12/2022 06:00 GMT+7

Hoàn thành sau 10 năm xây dựng, khu tái định cư dành cho người dân vùng bị ngập lũ phía ngoài đê sông Lam (H.Hưng Nguyên, Nghệ An ) đang có nguy cơ bị “ế”, bởi chờ đợi quá lâu, người dân đã tự tìm cách thích ứng với lũ.

Dự án khẩn cấp nhưng xây quá chậm

Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư mở rộng quy mô dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất ở xã Hưng Lam (H.Hưng Nguyên).

Theo đó, dự này sẽ có 100 lô đất ở (mỗi lô 315 m2) nằm phía trong đê sông Lam để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía bên ngoài đê.

Khu tái định cư ở xã Xuân Lam sau 10 năm mới hoàn thành và vẫn chưa có người đến ở

K.HOAN

Hạ tầng khu tái định cư gồm: đường bê tông, mương thoát nước, điện sinh hoạt; kinh phí đầu tư hơn 24,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ và ngân sách của huyện, xã để di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai.

Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện là 24 tháng.

Sau khi có dự án, UBND xã Hưng Lam đã thông báo cho người dân ở 4 xóm nằm ngoài đê và có 100 hộ dân đã đăng ký tái định cư để thoát khỏi vùng ngập lũ. Tuy nhiên, dự án kéo dài do nguồn vốn bị kẹt. Đến cuối năm 2021, khu tái định cư này mới hoàn thành để bàn giao cho địa phương. Đáng chú ý, sau nhiều tháng bàn giao, đến nay khu tái định cư vẫn chưa có người đến ở.

Ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam (xã mới sáp nhập từ xã Hưng Lam và xã Hưng Xuân), cho biết khu tái định cư này xây quá lâu, người dân không thể chờ đợi được. Hầu hết 100 hộ dân đăng ký di dời đã tự xây lại nhà và nâng cao nền để thích ứng với lũ. “Đến nay, chỉ còn khoảng 20 hộ ven sông có nguy cơ sạt lở đất có nhu cầu di dời”, ông Phận nói.

Ông Dư Văn Linh (ngụ xóm 9, xã Xuân Lam), một trong số các hộ dân đăng ký di dời đến khu tái định cư cách đây 10 năm, cho biết thời điểm đó người dân ở vùng ngoài đê sông Lam thường bị ngập lũ do nhà cửa còn thấp, cuộc sống rất khổ sở.

“Chúng tôi đã đăng ký, chờ đợi nhưng chờ quá lâu. Năm nào tiếp xúc cử tri dân cũng phản ánh nhưng tỉnh, huyện cứ hứa mà dự án vẫn không xong nên chúng tôi phải tự lo cho mình”, ông Linh nói. Năm 2018, từ nguồn tiền tích cóp và vay mượn thêm, ông Linh đã xây lại ngôi nhà mới khang trang, nâng nền cao thêm 80 cm để hạn chế ngập lũ.

Tương tự, gia đình ông Dư Văn Thủy ở cách đó không xa cũng nằm trong diện được di dời đến khu tái định cư. Tuy nhiên, vì chờ đợi quá lâu nên đến năm 2021, ông Thủy cũng đã xây nhà mới, nâng nền nhà cao thêm 1,3 m.

“Nhà tôi đã xây mới cao ráo, đất vườn 1.000 m2, trong khi đến khu tái định cư phải trả lại đất ở cũ và nơi ở mới chỉ có 300 m2 nên đương nhiên chúng tôi không thể đi”, ông Thủy cho hay.

Sẽ tìm cách xử lý, tháo gỡ

Hiện nay, một số hạng mục như mương thoát nước sinh hoạt tại khu tái định cư vẫn chưa có nơi để đấu nối nên chưa biết thoát đi đâu. UBND xã Xuân Lam đã đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện một số hạng mục phát sinh, song chủ đầu tư phản hồi chưa bố trí được nguồn vốn.

Nhiều người dân cho biết, dự án tái định cư mới được khởi động lại từ năm 2020. Nếu trước khi tiếp tục xây, chủ đầu tư khảo sát lại ý kiến người dân thì người dân sẽ đề nghị dùng kinh phí chuyển sang nâng cấp con đường bê tông khoảng 400 m nối từ đê sông Lam đến xóm để tránh ngập lũ. Điều này sẽ giảm được nhiều chi phí, đồng thời đem lại hiệu quả cao hơn.

Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết do nguồn vốn được bố trí quá nhỏ giọt nên dự án tái định cư này phải kéo dài. Ông Lương cũng thừa nhận nhu cầu của người dân đã thay đổi sau 10 năm đăng ký di dời, tuy nhiên dự án không được đầu tư kinh phí một lần nên không thể chuyển nguồn vốn sang nâng đường như người dân mong muốn.

“Nhiệm vụ chủ đầu tư là phải thực hiện dự án đã được tỉnh phê duyệt từ năm 2011. Sau này, nếu nhu cầu người dân thay đổi, không muốn đến khu tái định cư thì sẽ tìm cách xử lý, tháo gỡ như mở rộng đối tượng được đến khu tái định cư hoặc chuyển mục đích sử dụng khu đất”, ông Lương nói.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, đất từ khu tái định cư dành cho việc di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai không được chuyển sang đất ở đấu giá. Tại H.Quỳnh Lưu và TX.Hoàng mai (Nghệ An) có 2 khu tái định cư tương tự, người dân không đến ở vẫn phải bỏ hoang từ nhiều năm qua, trong khi chính quyền địa phương chưa biết xử lý ra sao vì không thể bán đấu giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.