Lo giới trẻ thích lên mạng xã hội hơn vận động và rèn kỹ năng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
11/12/2019 19:56 GMT+7

Giới trẻ thích lên mạng xã hội hơn là dành thời gian rảnh cho việc rèn luyện thể chất, kỹ năng là thực trạng mà nhiều đại biểu Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quan tâm bàn thảo và đề xuất giải pháp.

 
Chiến thắng của đội U.22 truyền cảm hứng sống khỏe
Tại diễn đàn với chủ đề “Thanh niên Việt Nam khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII chiều nay, nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ lo ngại về việc người trẻ chủ quan về sức khỏe, lười vận động, dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, thay vì tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
Đại biểu Nguyễn Trọng Nam, sinh viên Trường đại học Thể dục thể thao, đưa ra con số khảo sát cho thấy có tới 69% sinh viên mỗi ngày tập luyện chưa tới 15 phút. Anh Nam bày tỏ mong muốn sẽ lập một kênh YouTube hướng dẫn, phát động phong trào luyện tập thể dục thể thao để thu hút giới trẻ.
Đại biểu Lê Bá Hưng, học sinh lớp 12 đến từ Bình Thuận, cho biết ở trường em đang khuyến khích và duy trì thói quen vận động, đi bộ ở học sinh bằng cách cài đặt ứng dụng về sức khỏe trên điện thoại và tổng kết việc đếm bước đi bộ của mỗi bạn theo từng tuần, từng tháng; thậm chí trong lớp còn chấm điểm thi đua…
Đại biểu Lê Xuân Tùng (Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội), cho rằng việc quan tâm tới thể chất của thanh niên phải bắt đầu từ lứa tuổi mầm non cho đến vị thành niên. Bên cạnh chế độ tập luyện thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ là rất quan trọng...
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U.22 Việt Nam tối qua, 10.12, cũng tiếp tục được nhắc đến trong phần thảo luận về thể lực, kỹ năng tại buổi tọa đàm chiều nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyến, Chánh văn phòng Tỉnh Đoàn Quảng Bình, Phó chủ nhiệm Hội Vovinam tỉnh Quảng Bình, cũng chung nỗi lo việc người Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng quá lười vận động, dẫn tới thể lực, sức bền kém. Do vậy, anh Tuyến cho rằng, rất cần phát động và lan tỏa phong trào 10.000 bước đi bộ mỗi ngày.
Anh Tuyến nhắc tới chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U.22 tại SEA Games 30 và cho rằng một trong những nguyên nhân làm nên thành công của đội bóng là thể lực của các cầu thủ phát triển vượt bậc so với các lứa cầu thủ trước. Đó là kết quả của sự đầu tư về thể chất rất bài bản, từ chế độ tập luyện, dinh dưỡng…
Theo anh Nguyễn Tiến Long, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Đà Nẵng, thanh niên rất cần những điển hình để truyền cảm hứng. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U.22 Việt Nam đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc thì tại sao không lấy đó làm điển hình để truyền cảm hứng cho giới trẻ quan tâm hơn tới rèn luyện thể chất, kỹ năng.
Tuy nhiên, anh Long cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của việc lười vận động còn là do chúng ta thiếu cơ sở hạ tầng và điều kiện luyện tập cho giới trẻ, ngay cả đường phố cũng chưa nhiều nơi có làn đường dành riêng cho người đi bộ hoặc không khí môi trường báo động về mức độ độc hại… thì rất khó khích lệ được người trẻ ra ngoài tập luyện.

Thiếu kỹ năng, sinh viên trầm cảm khi thay đổi môi trường sống

Liên quan đến chủ đề “vững kỹ năng”, đại biểu Nghiêm Thị Hà Giang, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, nêu thực tế: sinh viên Việt Nam rất giỏi về lý thuyết nhưng lại thiếu hụt những kỹ năng về ngoại ngữ, thực hành, kỹ năng sống. Không ít sinh viên Việt Nam khi mới sang du học tại châu Âu bị trầm cảm vì thiếu kỹ năng giao tiếp, quản lý cá nhân, không biết sắp xếp thời gian phù hợp và cân bằng cuộc sống…
Do vậy, theo chị Giang, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp thường xuyên kết nối, tổ chức các khóa học tiếng Pháp cho những sinh viên mới sang với chi phí tiết kiệm nhưng vẫn hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội còn thành lập các lớp trao đổi tiếng dành cho sinh viên Việt Nam học tiếng Pháp và ngược lại, do nhiều người Pháp cũng muốn học tiếng Việt.

Đại biểu Hà Linh mong muốn thầy cô thay đổi phương pháp dạy học để học sinh có kỹ năng tốt hơn

Ảnh TUỆ NGUYỄN

Đại biểu Hà Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), cho rằng khi nhận xét học sinh, sinh viên hạn chế về kỹ năng giao tiếp, phản biện… thì cũng cần phải xem xét và thay đổi cách dạy và học ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Theo Hà Linh, nếu thầy cô và các nhà trường chỉ dạy học theo phương pháp thầy đọc, trò chép thì học sinh sẽ rất thụ động. Tuy nhiên, thực tế khi giáo viên cho học sinh học theo cách trải nghiệm, chia theo nhóm tự tìm hiểu để làm bài tập sau đó trình chiếu sản phẩm và thuyết trình thì mỗi học sinh sẽ thay đổi. “Chúng em chủ động tìm hiểu kiến thức ngoài sách vở để làm bài tập nên kiến thức ấy trở nên rất dễ nhớ, dễ hiểu…”, Hà Linh nói.
Xung quanh vấn đề hội nhập, nhiều ý kiến cũng đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần quan tâm và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kết nối giữa thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động, cầu nối tư vấn du học quốc tế vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè để du học sinh ở các nước trở về và chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên trong nước về những điều kiện, kỹ năng cần thiết để chuẩn bị ra nước ngoài sinh sống, học tập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.