Lo giao đất đặc khu tới 99 năm ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/04/2018 13:52 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng quy định giao đất cho các dự án lên tới 99 năm tại các đặc khu có thể ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia .

Phát biểu góp ý dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay, 4.4, đại biểu Hoàng Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, cần phải xem xét lại quy định giao đất lên tới 99 năm cho các dự án đầu tư tại các đặc khu, bởi lẽ luật Đất đai 2013 chỉ quy định thời gian giao đất không quá 70 năm.
Theo bà Trang, dự thảo luật quy định thời gian sử dụng đất lên tới 99 năm đối với các trường hợp đặc biệt, nhưng cả Hiến pháp lẫn luật Đất đai hiện hành đều không có quy định về trường hợp đặc biệt. Bản thân dự thảo luật cũng không quy định thế nào là trường hợp đặc biệt. “Cần phải đặc biệt lưu ý và đánh giá tác động một cách thận trọng trước khi đưa quy định này vào luật”, bà Trang kiến nghị.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng không tán thành quy định thời hạn giao đất lên tới 99 năm của dự thảo luật, với lý do cả 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí tiền tiêu, hết sức nhạy cảm.Theo ông Vân, cần phải xem xét tác động của dự thảo luật ở khía cạnh phòng thủ quốc gia như thế nào.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng việc xây dựng luật đặc khu là mong muốn tạo ra sự đột phá, nhưng không thể hiểu đột phá bằng việc dễ dãi.
“Chúng ta giao đất với thời hạn rộng như vậy liệu có phải là đang thực hiện việc nhượng địa, vì ở đây có liên quan tới các dự án đầu tư của nước ngoài. Nếu giao quyền sử dụng đất tới 99 năm, sau này con cháu sẽ xử lý thế nào nếu có liên quan tới khía cạnh quốc phòng an ninh”, ông Khuê nói và đề xuất cần phải quan tâm tới vấn đề chủ quyền trong việc giao các ưu đãi đối với dự án đầu tư của nước ngoài.
Cũng theo ông Khuê, cần phải có chính sách phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí có lĩnh vực không cho phép đầu tư nước ngoài tham gia. “Chúng ta không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, vậy cũng nên khẳng định quan điểm không đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế?”, ông Khuê nêu.
Đồng tình với ông Lê Thanh Vân, ông Khuê cho rằng, cả 3 đặc khu đều có vị trí nhạy cảm, dễ có vấn đề tổn thương quốc phòng, nhưng chưa nghe chuyên gia quốc phòng an ninh có ý kiến về vấn đề này. “Chúng ta không hời hợt vấn đề này được, mà cần được nghe và nghiên cứu kỹ hơn tác động của luật với việc bảo vệ chủ quyền và tương lai đất nước sắp tới”, ông Khuê bày tỏ.
Giải thích thêm về quy định này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết quy định giao đất lên tới 99 năm trong trường hợp đặc biệt chỉ mang tính chất tuyên ngôn, đồng thời đề phòng trường hợp khi phát sinh sự việc như vậy thì không cần phải sửa luật. Còn đối với các dự án đặc biệt được giao đất với thời hạn 99 năm thì Thủ tướng sẽ trình các cơ quan xem xét, bàn bạc trước khi đưa ra quyết định.
Khoản 1, điều 32 dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (bản gửi tới hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4.4) quy định: căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm, do Thủ tướng quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.