Lo giá xăng 'phá đỉnh'

11/03/2022 06:35 GMT+7

Bộ Công thương và Bộ Tài chính ngày 9.3 đã có cuộc họp báo cáo với lãnh đạo Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ điều hành giá xăng dầu hôm nay (11.3) trước diễn biến giá dầu thế giới tăng rất mạnh, tuy nhiên kịch bản không được tiết lộ.

“Khó”!

Từ chối nói về nội dung tại cuộc họp cũng như kịch bản điều hành, đại diện Bộ Công thương chỉ cho biết sẽ “cố gắng cao nhất để hài hòa lợi ích các bên doanh nghiệp (DN) - người dân”, cân đối các mục tiêu chung song vẫn trên nguyên tắc bám sát giá thị trường thế giới. “Nhưng phải thừa nhận là dư địa cho kỳ điều hành này rất khó”, vị này nói.

Người dân đổ xô đi mua xăng tại một cây xăng ở Hà Nội trước giờ tăng giá, tối 10.3

Ngọc Thắng

“Khó” cũng là từ mà hầu hết các chuyên gia, đại diện DN đầu mối lẫn cơ quan quản lý nhắc đến khi chia sẻ với Thanh Niên hôm qua.

“Đành rằng giá xăng dầu đang ở mức rất cao, nhưng thật khó để cản đà tăng giá vào lúc này khi mà Quỹ bình ổn cả tháng qua chỉ xả mà không trích nên đã rất cạn. Nhiều DN đầu mối kêu mỗi lít xăng cứ ra khỏi kho là lỗ mất 2.000 - 3.000 đồng nên chỉ có thể cố gắng để cung cấp cho các cửa hàng trong hệ thống của mình, chứ các thương nhân bên ngoài thì không thể”, một phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, nói. Bởi vậy, vị này cho rằng, trong khi chờ giảm thuế thì giá xăng buộc phải tăng ở mức cao theo giá thế giới, bởi “Quỹ bình ổn không còn sức”.

Chia sẻ quan điểm này, PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) thừa nhận Quỹ bình ổn lúc này gần như không còn hiệu nghiệm khi mà mức tăng giá của thị trường thế giới quá cao. “Chờ thuế thì còn phải vài kỳ điều hành nữa bởi mới đang là dự thảo, còn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi chúng ta cũng không có nguồn lực để như Nhật Bản, dùng ngân sách ra đỡ lúc này”, ông Long phân tích.

Giá xăng đánh thẳng vào túi tiền tài xế: Grab thông báo tăng giá cước

Ông Phạm Đức Thắng, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) phân tích: “Điều hành giá xăng chỉ có thể dựa trên 3 công cụ là thuế, quỹ bình ổn và giá thế giới. Đề xuất giảm thuế của Bộ Công thương đến nay vẫn chưa được duyệt, sớm nhất cũng phải tới 1.4 mới có thể áp dụng. Quỹ bình ổn thì hiện đang dừng trích và vẫn tiếp tục chi 200 đồng/lít. Cùng lắm, trường hợp co kéo thì cũng chỉ trích thêm được tối đa vài trăm đồng/lít, mức tác động không lớn.

Theo Bộ Công thương, hiện Quỹ bình ổn còn khoảng 620 tỉ đồng (đã giảm khoảng 280 tỉ so với con số gần 900 tỉ tại thời điểm 31.12.2021) nhưng số dư quỹ tại nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm. Và nói về mức âm quỹ, thì nặng nề nhất hiện nay phải kể đến Tổng công ty dầu VN (PVOil), với mức âm chỉ tính đến ngày 1.3 đã âm tới 827 tỉ đồng.

Nhiều ô tô tranh thủ “đẩy bình” trước phiên điều chỉnh giá được dự báo sẽ mạnh vào chiều 11.3

Ngọc Thắng

“Sẽ tăng sốc”?

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ngày 8.3 với xăng RON92 (để pha chế xăng E5 RON92) là 133,8 USD/thùng; xăng RON95 135,5 USD/thùng, tức đã tăng 18 - 20% so với đợt điều chỉnh trước đó.

Đặc biệt, Bộ Công thương lo ngại, với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11.3.2022 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại.

Tuy nhiên, lãnh đạo một DN đầu mối lớn có trụ sở tại TP.HCM cho hay, chênh lệch giá xăng dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%, nên kỳ điều hành tới giá xăng có thể tăng ở mức trên dưới 2.000 đồng/lít cũng đã rất “sốc” rồi. “Còn nếu để khỏa lấp hết được chênh lệch với giá cơ sở, để DN không lỗ thì mức tăng có thể trên 3.000 đồng, nhưng tôi không tin có con số đó vì nhà điều hành còn nhiều mục tiêu khác, và DN nên chấp nhận và hiểu”, ông nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long thừa nhận, trước mắt (ý nói kỳ điều hành ngày 11.3), phải chấp nhận một đợt tăng giá mạnh nhưng sau đó, cơ quan điều hành phải linh hoạt áp dụng “quy định mở” tại Nghị định 95 là “trong trường hợp giá tăng đột biến” thì phải báo cáo Chính phủ cho phép rút ngắn chu kỳ điều hành, không chờ 10 ngày để mức tăng giá đỡ bị kìm nén, dồn cục đến mức tăng sốc. “Tất nhiên, tăng giá mà chậm ngày nào thì bên được lợi là người dân, người mua. Nhưng nếu tăng chậm mà mức cao quá thì dễ sốc, kéo theo hệ quả là giá hàng hóa dễ lấy lý do nương theo, khiến chỉ số giá tiêu dùng bị tác động mạnh, vô hình sẽ vô hiệu hóa một số mục tiêu của chính sách phục hồi kinh tế”, ông Long cảnh báo.

Tại sao Việt Nam không có lợi thế về giá xăng dầu?

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng

Tối 10.3, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.4 đến hết ngày 31.12. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ Tài chính cho biết, với việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm khoảng 29.035 tỉ đồng/năm, tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, gồm cả thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng khoảng 31.938 tỉ đồng/năm (bình quân 2.661,6 tỉ đồng/tháng). Nếu tính giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1.4 thì số giảm thu ngân sách nhà nước, gồm cả thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng sẽ khoảng 23.954 tỉ đồng.

TTXVN

Ông Phạm Đức Thắng, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cho rằng chúng ta cũng không thể cố kìm giá bởi nếu làm quá chắc chắn thị trường sẽ loạn. “Chỉ những đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOil mới có thể cố duy trì nhưng họ cũng chỉ căng ra đến một chừng mực nào nhất định, không thể căng chịu cho toàn xã hội được. Cuối cùng, vẫn phải bám vào giá thế giới để điều hành giá trong nước”, ông Thắng nói.

Doanh nghiệp, người dân phập phồng

Sau công văn của Bộ Công thương yêu cầu xem xét đình chỉ, tước giấy phép đối với các DN kinh doanh xăng dầu ngưng hoặc hạn chế bán hàng không có lý do chính đáng, tình trạng ồ ạt treo biển hết xăng trước giờ “G” đã gần như được kiểm soát tại TP.HCM. Sáng 10.3, một ngày trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu với mức tăng dự báo tiếp tục lập đỉnh - hầu hết các cây xăng tại TP.HCM vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, dạt về một số quận ven trung tâm, vẫn còn xuất hiện tình trạng một vài trạm xăng thông báo hết hàng, nghỉ bán. Một đại lý tư nhân phân phối của Công ty xăng dầu Tây Nam trên đường Kinh Dương Vương đoạn gần Bến xe Miền Tây để biển báo “hết xăng” từ sáng sớm. Nhân viên ở đây không giải thích lý do cũng như không thông báo khi nào có hàng bán lại. Trong khi đó, một số người dân ở khu vực Q.12 phản ánh đi mua xăng nhưng chỉ được bán “khoán” tối đa 500.000 đồng cho xe hơi và không quá 100.000 đồng cho xe máy. Nguyên nhân là do sắp hết hàng, phải chia đều để phục vụ nhu cầu cho nhiều người.

Trong khi đó, trên mạng xã hội suốt 2 ngày qua, câu chuyện xăng dầu được nhắc đến rất nhiều. Những hình ảnh hay lời than vãn về việc “quay về đi xe buýt” của những sinh viên, viên chức hay thậm chí người có ô tô cũng cân nhắc “quay lại đi xe máy” để tiết kiệm chi tiêu bởi giá xăng quá cao.

“Khi tôi mua ô tô vào tháng 3.2020, giá xăng đâu đó 11.000 đồng/lít. Nếu mai xăng tăng 5.000 đồng như Bộ Công thương nói trên báo sáng qua thì giá xăng tăng gấp 3 sau đúng 2 năm, nên không chỉ tôi mà bạn bè tôi cũng tính chuyện quay về đi xe máy”, anh Hiếu, một nhân viên truyền thông tại Q.Đống Đa (Hà Nội) nói.

Tương tự, không ít DN cũng phập phồng chờ thông báo chính thức mức tăng của giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh, chia sẻ: Với tình hình hiện nay, nếu xăng tăng thêm 3.000 - 4.000 đồng/lít thì các DN vận tải sẽ tiếp tục bị nhấn sâu hơn cả mức kiệt quệ. Theo ông Vinh, giá dầu hiện nay công bố 21.310 đồng/lít nhưng thực tế đối với các đơn vị muốn mua số lượng lớn bằng xe bồn như Lâm Vinh, phải trả thêm phí tới 4.000 - 5.000 đồng/lít thì mới được giao dầu. Hầu hết các đại lý đều báo thua lỗ, không đủ nguồn cung nên DN muốn tiếp nhiên liệu rất khó, lúc có lúc không, số lượng nhỏ giọt… Cũng bởi vậy, các đơn vị vận tải rất khó chốt đơn với khách hàng. Một số đơn vị phải báo giá cước theo ngày vì rủi ro không có dầu chạy luôn thường trực. Kinh doanh phập phồng, chi phí quá cao nhưng DN vẫn rụt rè chờ mãi mới dám tăng nhẹ giá cước vì sợ mất bạn hàng nên cứ vừa làm vừa cầm cự bù lỗ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.