Lộ diện những doanh nghiệp lãi khủng

Mai Phương
Mai Phương
14/01/2023 07:19 GMT+7

Bất chấp nhiều đơn vị bị sụt giảm đơn hàng, thiếu vốn trong những tháng cuối năm 2022 thì kết thúc năm vừa qua vẫn có hàng loạt doanh nghiệp đạt lãi kỷ lục.

Nhóm dầu khí lập kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận

Năm vừa qua, giá dầu thế giới tăng vọt đã mang lại lợi nhuận lớn cho ngành này. Điển hình như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) công bố đạt doanh thu hợp nhất cả năm 2022 lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỉ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm (tương đương tăng hơn gấp đôi kế hoạch). Kết quả công ty đạt trước thuế hợp nhất 763 tỉ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch năm, mặc dù đã chịu tổn thất không nhỏ trong giai đoạn quý 3/2022 khi giá dầu giảm sâu và nguồn cung khan hiếm trong khi PVOIL vẫn phải đảm bảo bán hàng liên tục, ổn định. PVOIL cũng cho biết đã tranh thủ tốt cơ hội thị trường và có sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh kể từ trước đến nay, đạt 4 triệu m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng trưởng 27% so với thực hiện năm 2021…

Nhiều doanh nghiệp dầu khí lập kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận

nguyễn long

Tương tự, Tổng công ty Khí VN (PV GAS) cũng ghi nhận một năm có doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ khi thành lập đến nay. Công ty đạt tổng doanh thu trên 100.000 tỉ đồng, bằng 125% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế trên 13.300 tỉ đồng, bằng 189% kế hoạch và tăng 51% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước đạt trên 7.200 tỉ đồng, bằng 177% kế hoạch, tăng 14% so với năm 2021. Một đơn vị khác là Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) cũng nhận định năm 2022, thế giới trở nên bất ổn hơn bao giờ hết trong bối cảnh leo thang các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực lạm phát lan ra toàn cầu và làn sóng tăng lãi suất mạnh mẽ... Thế nhưng, kết quả kinh doanh công ty có sự tăng trưởng vượt bậc, phá vỡ những kỷ lục đã được lập ra trước đó. Cụ thể, doanh thu ước đạt 9.150 tỉ đồng, bằng 141% kế hoạch cả năm và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.094 tỉ đồng, bằng 228% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 481 tỉ đồng, bằng 196% kế hoạch...

Từ kết quả của các công ty thành viên, Tập đoàn Dầu khí VN (Petrovietnam) cũng công bố đã có một năm đạt tổng doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 ước đạt 924.600 tỉ đồng, vượt 66% kế hoạch năm và tăng 47% so với năm 2021. Petrovietnam ước nộp ngân sách nhà nước cả năm 168.400 tỉ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm và tăng 50% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 80.000 tỉ đồng, vượt 3,3 lần kế hoạch năm và tăng 60% so với năm 2021.

Ngân hàng vẫn tăng tốc lợi nhuận

Ngoài nhóm doanh nghiệp (DN) dầu khí có một năm thắng lớn, nhiều ngân hàng (NH) cũng tiếp tục tăng trưởng cao về lợi nhuận, trái ngược với tình hình hết room tín dụng trong các tháng cuối năm 2022. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Điều này đã mang lại mức tăng trưởng cao cho các NH. Cụ thể, NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) công bố kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của NH tăng 39% so 2021 (khoảng 36.774 tỉ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2022). Trong đó, biên lợi nhuận (NIM) đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Trong năm qua, tín dụng của nhà băng này tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021... Vietcombank tiếp tục giữ ngôi vị quán quân về con số lợi nhuận của ngành NH.

Tiếp theo là NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) thông tin đến hết 2022, tổng tài sản NH đạt hơn 2,08 triệu tỉ đồng, tăng gần 21% so với năm 2021. Đây là NH thương mại đầu tiên có tài sản vượt mốc 2 triệu tỉ đồng. Tổng nguồn vốn huy động trong năm qua của BIDV đạt 1,95 triệu tỉ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm. Kết quả, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 23.190 tỉ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong khối các NH thương mại nhà nước. Tương tự, ban lãnh đạo NH TMCP Công thương VN (VietinBank) cũng công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỉ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra và tăng 15% so với con số năm 2021. Tăng trưởng huy động tiền gửi dự kiến 8 - 10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN...

Các ngân hàng tiếp tục đạt lãi khủng năm 2022

ngọc thắng

Dư địa để giảm thuế cho xăng dầu, giảm lãi suất cho vay

Kinh tế thế giới lẫn VN đều được dự báo vẫn còn đối diện nhiều khó khăn trong năm mới, đặc biệt là quý 1/2023 nên cả DN và người dân vẫn cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn này. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong năm vừa qua khi giá dầu tăng cao thì các đơn vị thượng nguồn (khai thác chế biến) đã được hưởng lợi lớn. Vì vậy, việc các DN dầu khí đạt kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận là điều không lạ. Tương tự, năm vừa qua nhu cầu vốn vay của các DN ở mức cao và ngành NH đã có mức tăng trưởng tín dụng cao, có lãi lớn. Thế nhưng cũng bắt đầu từ năm 2023, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng/lít và dầu là 1.000 đồng/lít, cao hơn mức thuế áp dụng như những tháng cuối năm 2022. Còn các DN lại đối mặt với lãi vay tăng mạnh do cuộc chạy đua huy động từ cuối năm trước. Thế nên theo các chuyên gia, việc có lợi nhuận khủng của 2 ngành này là dư địa để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng cũng như giảm lãi vay trong năm nay.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng cao, trong đó giá dầu Brent bình quân đạt khoảng 106,92 USD/thùng, giá dầu WTI khoảng 101,59 USD/thùng, giá dầu OPEC khoảng 104,95 USD/thùng, tăng lần lượt 64,93%, 64,01% và 64,38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá dầu Brent có thời điểm đã vượt 130 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 8.2008. Giá dầu diễn biến tích cực đã giúp đẩy mạnh các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí. Nhờ đó, doanh thu nhóm ngành dầu khí sẽ khả quan, kéo theo khoản thuế thu nhập DN nộp vào ngân sách của các đơn vị này tăng theo.

TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhà nước nên xem xét tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để tiếp tục hỗ trợ người dân lẫn DN. Đồng thời, bản thân các NH nên triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí và giảm lãi suất cho vay để cùng chia sẻ với DN. Bởi nếu DN khó khăn thì áp lực nợ xấu cho các nhà băng cũng sẽ gia tăng và đây là rủi ro cho hoạt động của cả hệ thống NH. Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận của nhiều NH năm vừa qua lên đến 40% hay 70% trong khi nhiều DN thoi thóp có thể nói là “quá khủng”. Thậm chí NIM của nhiều nhà băng vẫn gia tăng bất chấp việc kêu gọi từ NHNN, Chính phủ là giảm lãi suất, đồng hành cùng DN. Hiện nay nhu cầu vốn của các DN vẫn khá cao trong khi thị trường trái phiếu, cổ phiếu vẫn còn khó khăn. Từ đó có nhiều DN sẵn sàng vay vốn từ NH để duy trì hoạt động, mặc dù lãi suất lên quá cao và khó có lãi với chi phí này. Chính vì vậy, NH cần thật sự chia sẻ khó khăn cùng DN, kéo giảm biên lợi nhuận của mình để lãi suất cho vay hạ nhiệt. Từ đó mới góp phần hỗ trợ DN hoạt động và kinh tế của cả nước đi lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.